Ma túy - Bạn đồng hành của tội phạm
16/09/2015 Lượt xem: 4793 In bài viếtMa túy là mối đe dọa của toàn nhân loại, nó không chỉ huỷ hoại sức khoẻ con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh bần cùng. Ma tuý là nguyên nhân dẫn đến những hành vi phạm tội và gây mất trật tự, an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm hình sự. Thực tế cho thấy, ma tuý là bạn đồng hành của tội phạm, mối quan hệ giữa ma túy và tội phạm là mối quan hệ nhân quả. Tệ nạn ma túy là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự như trộm, cướp, buôn bán ma túy, buôn bán người, khủng bố...; là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác như mại dâm, cờ bạc...
Tội phạm ma túy chiếm 34% tội phạm cả nước
Ma tuý gắn liền với hành vi phạm tội, là nguồn bổ sung tội phạm. Khi bị nghiện,
những người nghiện sẵn sàng làm mọi việc miễn là có tiền, có ma tuý, thậm chí
giết người, cướp của để thỏa mãn nhu cầu. Điều đáng nói là hiện nay, tình trạng
này ngày càng tăng ở tầng lớp thanh thiếu niên.
Căn cứ kết quả điều tra xã hội học cho thấy, 80% số người nghiện ma tuý trả lời:
Sẵn sàng làm tất cả mọi việc kể cả phạm tội để có tiền thoả mãn nhu cầu ma tuý.
Vì vậy, họ đã làm suy sụp kinh tế gia đình, họ bị mất việc làm, mất uy tín trong
gia đình, bè bạn và xã hội.
Theo báo cáo của Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội), trong 10 năm trở lại đây, ở Việt Nam đã có khoảng 10 vạn người nghiện ma
tuý, trong đó có tới 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, đặc biệt có tới 50% tổng
số người nghiện là trẻ em (dưới 16 tuổi).
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công an, tội phạm ma túy chiếm tới 34% tội phạm cả
nước. Trong số những người bị bắt hàng năm vì phạm tội, khoảng 75% các tội phạm
hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ những người nghiện ma tuý. Không những vậy
tội phạm về ma túy liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động và
mang tính quốc tế cao hơn; gắn kết chặt chẽ với các loại tội phạm tham nhũng,
rửa tiền và buôn bán vũ khí.
Hiện nay, ma tuý không chỉ dừng lại ở vùng đô thị mà đã len lỏi vào các vùng
nông thôn, gây ra những “cái chết trắng” cho nhiều thanh niên trẻ.
Theo thông tin từ một số địa phương, điển hình như tỉnh Khánh Hòa, trong hầu hết
các vụ án trộm cắp, cướp giật thời gian vừa qua được Công an TP Cam Ranh điều
tra, làm rõ thì đối tượng gây án đều nghiện ma túy. Đáng chú ý trong số đó có
nhiều đối tượng nghiện từ địa bàn khác đến hoạt động; Tại tỉnh Đồng Tháp, trên
60 % số vụ trộm cắp, cướp tài sản là do thanh, thiếu niên nghiện gây ra và có
chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ.
Số liệu phân tích của Công an tỉnh Trà Vinh cho thấy, số người sử dụng trái phép
chất ma túy (người mới sử dụng lần đầu) bị phát hiện nằm trong độ tuổi dưới 30
tuổi rất cao (chiếm tới 79,62%). Ma túy tổng hợp “dạng đá” chiếm đến 90,74%.
Tất cả những diễn biến trên đang khiến cho tình hình tội phạm ma túy ngày càng
trở nên phức tạp và một điều tất yếu, gia tăng tội phạm ma túy sẽ kéo theo nhiều
tệ nạn cũng như các loại hình tội phạm khác, đe dọa đến tình hình an ninh, trật
tự quốc gia, đến cuộc sống của người dân và sự suy thoái đạo đức của xã hội.
Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?
TS. BS. Nguyễn Tố Như - Phó Giám đốc Tổ chức FHI 360, dự án USAID/SMART TA tại
Việt Nam cho rằng, nếu ngăn chặn sự lạm dụng ma túy ở trong thanh thiếu niên
hiện nay theo kiểu “dẹp” thì không bao giờ được vì nó lại lùi vào ở ẩn, rồi
không những không giảm mà còn khó kiểm soát, gây hại hơn cho xã hội. Cách tốt
hơn là cung cấp thông tin đầy đủ, tạo ra những hoạt động thu hút sự tham gia của
giới trẻ, giới trẻ nhiều khi cũng chán nản, không có gì giải trí nên mới dễ sa
ngã vào các tệ nạn nghiện ngập.
Đối với mỗi cá nhân và gia đình: Chúng ta cần có những hiểu biết đúng về ma túy
và tác hại của nó; có ý thức chấp hành, thực hiện tốt luật phòng chống ma túy,
nâng cao ý thức tự giác và tích cực tham gia phong trào quần chúng, ngăn chặn
hiểm hoạ ma tuý. Mỗi gia đình hãy dành thời gian quan tâm chăm sóc con cái nhiều
hơn nữa, phải giáo dục cho con em mình hiểu sâu tác hại ghê gớm của ma tuý, tạo
cho con em mình một môi trường học tập vui chơi lành mạnh để các em không bị rủ
rê, lôi kéo vào con đường nghiện ngập ma túy và các chất gây nghiện khác.
Đồng thời, cần đặc biệt tập trung vào những đối tượng mà đang nghiện để can
thiệp để điều trị cho họ, giảm tác hại do việc sử dụng ma túy. Nếu không can
thiệp vào những đối tượng này thì khi sử dụng ma túy nhiều, các đối tượng này sẽ
hết tiền và khi hết tiền thì sẽ tìm cách lôi kéo, dụ dỗ những người khác, đặc
biệt những con nhà giàu khác chơi cùng, rồi sa vào mạng lưới nghiện ngập, rồi
gây ra các vụ phạm tội.
Thùy Linh
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]