Thêm một cuộc đời bị ma túy cướp đi

04/05/2015 Lượt xem: 821 In bài viết

Anh quê ở Hà tĩnh, sinh ra trong một gia đình gia giáo: Bố là 1 thầy giáo có tiếng ở một trường chuyên tỉnh Thanh Hóa, mẹ là nhân viên ngân hàng chính sách của tỉnh Hà Tĩnh. Tuổi thơ của anh chỉ biết có ngày hai buổi đến trường, vui chơi và phố phường bé nhỏ. Anh là con thứ hai trong gia đình, tốt nghiệp cấp ba, anh đi bộ đội chuyên nghiệp xong được chuyển sang làm bộ đội biên phòng. Ngày ấy anh cao to đẹp trai lắm, chẳng thế mà đã có bao nhiêu cô chết mê, chết mệt. Vốn gia đình khá giả, bố mẹ anh em đều có công ăn việc làm thu nhập ổn định, chẳng phải lo cho ai, rồi cuộc sống cuốn anh vào vòng xoáy của sự ăn chơi lúc nào không hay. Anh nghiện ma túy, một lần chích chung các con nghiện khác, anh đã bị lây nhiễm HIV.

Ngày đó kiến thức về HIV/AIDS còn hạn chế, mọi người kể cả những người họ hàng của anh đều xa lánh anh, xa lánh cả những người thân trong gia đình anh. Bố mẹ anh suy sụp rất nhanh khi sống trong một bầu không khí ngột ngạt như thế. Khi hai cụ đều nghỉ hưu, để trốn tránh nỗi ê chề bị kỳ thị, gia đình anh quyết định chuyển vào Lâm Đồng sinh sống. Đến nay đã được gần chục năm, anh đã 35 tuổi. Thời đại thông tin, xã hội văn minh hơn rất nhiều nhưng vẫn còn lời ra tiếng vào, vẫn có những rào cản khiến con người đầy mặc cảm như anh không thể hòa nhập được với cuộc đời được nữa. Hàng ngày anh chỉ ở trong nhà đóng kín cửa, ít khi ra ngoài lắm, bố mẹ anh nghỉ hưu nên chỉ ở nhà chăm sóc anh, các cụ cũng chỉ mong anh sống được ngày nào hay ngày ấy vì bệnh của anh đã chuyển sang giai đoạn cuối.

Kể đến đó những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi gò má xanh xao và gầy guộc của anh. Đôi mắt anh bắt đầu nặng trĩu xuống, đỏ quạch và thấm đẫm nỗi đau buồn, tuyệt vọng. Trước mặt tôi lúc này không phải là người đàn ông cứng cỏi ban đầu nữa. Chỉ còn anh - người đàn ông bé quắt và xám xịt đi vì bệnh tật. Nghĩ về những lầm lỡ đã qua, anh T ngậm ngùi nói: “ tôi cảm thấy rất có lỗi với gia đình. Mình ốm đau bệnh tật để bố mẹ đã gần 70 tuổi nuôi mình, chăm sóc mình là một điều bất hiếu. Bây giờ mình chỉ mong sao có chút sức khỏe để sống được ngày nào cũng là niềm an ủi cho các cụ. Là một người đã từng vấp ngã trên đường đời, tôi mong rằng các bạn trẻ đừng thờ ơ, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng xã hội và cả chính bản thân mình; sống không có hoài bão, ước mơ, lý tưởng, lười học tập và lao động để rồi xa ngã vào tệ nạn xã hội và nhiễm HIV như tôi đến khi nhận ra thì đã quá muộn”.

Đến đây, căn phòng bỗng nhiên lặng phắc, còn người đàn bà nhỏ quắt nhỏ queo ngồi gần tôi bật khóc. Tiếng khóc của tận cùng nỗi cô đơn, bất hạnh …Đó là mẹ anh. Người mẹ tần tảo sớm hôm nuôi anh ăn học và giờ phải thức khuya dậy sớm để chăm sóc anh có đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật. Bà hỏi tỉnh mình có máy đếm tế bào CD4 chưa để anh lên làm xét nghiệm xem anh có thể sống được bao lâu nữa.

Câu chuyện tôi ghi lại trong một lần xuống cơ sở gặp gỡ những con người đã từng một thời lầm lỡ để vận động họ tham gia hoạt động giáo dục đồng đẳng trong chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Câu chuyện là một vết thương lòng, là một bài học, là lời cảnh tỉnh cho những ai không biết quý trọng giá trị của cuộc sống. Mong rằng qua bài viết này, nhiều người nhất là những người trẻ tuổi sẽ rút ra những bài học để không phải ăn năn, hối tiếc và sống có ích cho xã hội. Trước lúc chia tay, anh hát tặng tôi một bài hát về người bị AIDS của nhạc sỹ Trần Tiến. Câu hát khan khan có lúc tưởng sẽ nghẹn ứ lại sau tiếng nấc. Nhưng cuối cùng nó vẫn vang lên trọn lời. Đằng sau đó, một đôi mắt đã bắt đầu hoen đỏ…

Nguồn w3.lamdong.gov.vn

[TT: TBC]