Vào tù vì ma túy
"Ba thương con vì con giống mẹ/Mẹ thương con vì con giống ba…". Tiếng hát, tiếng
nhịp vỗ tay từ ngôi nhà sàn xinh xắn đầu bản, như tấm nam châm "chôn chân" ông
Hà Ngọc Long lại giữa đường. Người ông Long run lên bần bật, miệng ú ớ, mắt đỏ
hoe. Ông khóc, nhưng tiếng khóc, nước mắt không bật ra được. Gần chục năm rồi,
gần như đêm nào ông cũng khóc.
Trước đây, gia đình ông Hà Ngọc Long hạnh phúc nhất, nhì của xã Tân Sơn. Vợ là
giáo viên tiểu học, con gái là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, con trai mới
tốt nghiệp THPT đang chuẩn bị thi đại học. Ngày lễ, ngày Tết cổ truyền hay ngày
thứ bảy, chủ nhật, cả nhà đông vui, quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Dù chỉ có đĩa
măng đắng, bát canh cua đồng, tươi lắm thì có thêm đĩa cá kho tương, nhưng thật
ấm cúng, hạnh phúc.
Thế rồi, cuối năm 2005, ma túy tràn về xã Tân Sơn như một cơn lốc. Những người
dân ở đây vốn chỉ biết ruộng lúa, nương ngô, nay cũng bị cuốn vào cơn lốc ma túy.
Người đi buôn, đi vận chuyển thuê, kẻ chích hút... Vợ ông Long, cô giáo Đinh Thị
Liên, cũng lao vào vòng xoáy của cơn lốc ma túy. Bà Liên tham gia đường dây buôn
bán hêroin liên tỉnh Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội. Ngày 10/5/2006, bà Liên bị bắt
và bị kết án tù chung thân.
Ít lâu sau, con gái ông Long là Hà Thị Loan, mới tốt nghiệp đại học, lấy chồng
và đi làm ở Hà Nội cũng bị bắt về tội buôn bán hêroin và bị kết án 20 năm tù.
Vợ, con gái vào tù, con trai là Hà Ngọc Lương bỏ nhà đi. Hơn 3 năm sau (9/2009),
Lương bị bắt khi đang vận chuyển ma túy từ Mộc Châu (Sơn La) về Hà Nội tiêu thụ.
Lương bị kết án tử hình. Gia đình hạnh phúc nhất nhì bản người Thái xã Tân Sơn
đã bị cơn lốc ma túy vò nát.
Gần 10 năm nay, ông Hà Ngọc Long một mình thui thủi như bóng ma trong ngôi nhà
rách nát, xiêu vẹo.
Ông Bàn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: Ở Tân Sơn có hàng chục
gia đình lâm vào cảnh tan cửa nát nhà, vợ chồng, con cái vào tù vì ma túy như
gia đình ông Long.
Gia đình ông Bàn Văn Sông, bản Bò Liêm, có 5 khẩu, trước khi cơn lốc ma túy đổ
về, thuộc diện có “của ăn của để”. Con trai là Bàn Văn Xuân, con dâu là Triệu
Thị Sáng đều chịu thương chịu khó. Trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Vậy
mà, ma túy đổ về bản chưa đầy 2 năm, cả hai vợ chông đều bị bắt, vào tù về tội
ma túy, bỏ lại đứa con nhỏ cho ông nội.
Gia đình ông Hà Văn Quynh, bản Tam Hòa, trước đây có nhà sàn to, đẹp nhất bản.
Nay, ông Quynh đang sống trong ngôi nhà như túp lều. Trong nhà không có tài sản
gì đáng giá vài chục nghìn đồng. Ông Quynh than thở: Hai thằng con trai phá hết
rồi. Nhà cửa, cuộc sống đang yên lành, nghe chúng bạn đi buôn ma túy. Giàu không
thấy, bây giờ bị bắt, vào tù, hận thì đã muộn.
Ông Bàn Văn Phong cho biết: Ở xã Tân Sơn có 278 hộ, gần 1.100 khẩu nhưng có tới
26 người đang thụ án về tội ma túy, 2 đối tượng đang bị truy nã, gần 30 người
nghiện ma túy. Đây là đối tượng có hồ sơ quản lý. Trên thực tế sẽ nhiều hơn,
nhất là đối tượng nghiện và buôn bán ma túy.
Chết vì HIV/AIDS
Chúng tôi giật mình khi ông Phong cho biết, toàn xã có gần 20 người chết vì
HIV/AIDS. Còn có những trường hợp chết nhưng gia đình nói là chết do ốm đau,
bệnh tật. Phải nói rằng, ma túy đã gây nên những cái chết rất thương tâm. Nhiều
gia đình, trước năm 2006, khi cơn lốc ma túy chưa đổ bộ vào xã Tân Sơn, có cuộc
sống rất đầm ấm, vui vẻ, con cái đề huề. Liên tiếp từ năm 2006 đến nay, xóm bản
tiêu điều, hoang tàn. Không khí tang thương bao trùm lên từng nóc nhà, xóm bản.
Có năm, một bản có tới 6 - 7 người chết vì ma túy. Số đối tượng này đều ở lứa
tuổi 25 - 35. Có những đứa trẻ sinh ra không biết mặt bố.
Đến gia đình ông Hà Văn Thông, bản Bò Liêm, mới thấy tác hại của ma túy như thế
nào. Trước đây, vợ chồng ông Thông rất hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Vợ chồng ông
có 4 người con trai, đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Ông đã tính "đường đi"
cho từng đứa khi chúng học hết THPT. Nhưng khi cơn lốc ma túy tràn về, mọi dự
tính của ông Thông tan như bong bóng xà phòng. Cả 4 đứa con đã bị ma túy lôi
chân, kéo tay. Để rồi cả 4 đều "dính" HIV/AIDS và chết. Người xã Tân Sơn còn nhớ,
trong cùng 1 năm, 3 lần hàng xóm phải đào mộ chôn cất 3 đứa con ông Thông.
Gia đình ông Triệu Ngọc Bình, xóm Bò Liêm có 5 người con thì cả 5 đều chết vì ma
túy. Còn nỗi đau nào lớn hơn thế. Ông Bình nói: Đến bữa, ngồi vào mâm cơm, nhìn
từng đứa con mà không nuốt nổi hạt cơm qua cổ. Mắc cái bệnh HIV/AIDS là đeo cái
án tử hình rồi. Thế rồi, chúng cứ lần lượt bỏ ông mà đi.
Bà Hà Thị Thảo, năm nay đã ngoài 70 tuổi, hiện một nách nuôi 2 cháu nhỏ. Bà Thảo
nói: Bố chúng nó đi làm thuê rồi mắc bệnh HIV/AIDS. Về nhà không biết lại "đổ
bệnh" sang cho vợ. Chồng chết chưa hết tang, vợ đã "đi theo" chồng. Bà cháu sống
với nhau, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Cái bản Bò Liêm này, số người chết về
ma túy nhiều lắm. Hết đàn ông rồi, mọi công to việc nhỏ trong bản đều do đàn bà,
phụ nữ làm.
Bà Thảo đưa chúng tôi đến lớp mầm non bản Bò Liêm. Trong lớp cô giáo đang hướng
dẫn các cháu xếp đồ chơi. Lớp có 6 cháu từ 2 - 4 tuổi. Cô giáo cho biết: Trong 6
cháu thì 4 cháu không có bố. Bố các cháu đang đi tù, có cháu bố đã chết vì ma
túy. Các cháu sống với bà nội hoặc bà ngoại nên thiếu thốn mọi bề. Mùa đông mặc
không đủ ấm, không có giày đi. Bản Bò Báu, Tam Hòa cũng có một số cháu có hoàn
cảnh như vậy. Không có mái ấm gia đình, mai sau học lên tiểu học, trung học cơ
sở, không biết các cháu có điều kiện để theo học nữa không.
Nỗi lo này không riêng cô giáo mầm non bản Bò Liêm mà là nỗi lo chung của chính
quyền xã Tân Sơn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn đau đáu: Vấn đề cấp bách nhất
phải làm là chặn đứng, triệt tận gốc tệ nạn ma túy. Có như vậy, xóm bản Tân Sơn
mới trở lại bình yên. Gia đình người Thái, người Dao, người Mường, người Kinh
trong xã mới đầm ấm, yên vui, hạnh phúc...
Nguồn thanhtra.com.vn
[TT: TBC]