"Bản không chồng" bên dòng Nậm Giói

14/04/2015 Lượt xem: 599 In bài viết

Ma túy đi qua...

Cuối tháng 7 vừa qua, trước khi vào công tác tại xã Luân Giói, tôi được nghe kể về Luân Giói - một thời từng là “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và những “kỷ lục” buồn do “cái chết trắng” để lại. Tuy nhiên, phải đến khi mắt thấy, tôi mới thực sự cảm thấy kinh hoàng, rợn tóc gáy vì những gì ma túy đã gây ra ở một xã có diện tích chưa đầy 5.000m2. Đó là câu chuyện của Chủ tịch Hội Phụ nữ Luân Giói - chị Lò Thị Thoạn kể cho chúng tôi nghe: Vào những năm 1993 - 1995, “cơn lốc” ma túy tràn vào Luân Giói, nhiều người đã “mờ mắt” vì siêu lợi nhuận của ma túy, tham gia buôn bán, “xách” thuê ma túy. Ngay cả ông Lò Ngọc Hùng (Trưởng công an xã cũ) cũng bị bắt vì buôn bán trái phép chất ma túy. Nhờ lực lượng chức năng truy quét, triệt phá, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở Luân Giói không còn hoành hành như trước, nhưng hậu quả nó để lại thì đúng như cái tên gọi “cái chết trắng”.

Như để minh chứng câu chuyện của mình, chị Thoạn mở tủ lấy danh sách những người nghiện và chết vì ma túy, HIV/AIDS từ năm 2008 đến nay, cho chúng tôi xem. Nhìn vào bản danh sách, chúng tôi không khỏi rùng mình, toát mồ hôi vì con số người chết khá lớn, cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi phải thốt lên: nhiều đến vậy cơ à! Từ năm 2008 đến nay, toàn xã có 155 người chết vì ma túy, HIV/AIDS, trong đó, 95% là đàn ông đã có gia đình. Không chỉ vậy, hiện tại, Luân Giói có tới 176 người dương tính với HIV/AIDS; hơn 70 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Đó là trên giấy tờ, còn thực tế thì con số đó còn lớn hơn nhiều.

Năm 2008, ở Luân Giói chỉ có vài người chết vì con “ết” nên có gia đình đã cố giấu, không cho cán bộ, chính quyền địa phương và người dân biết vì sợ bị xóm làng xa lánh. Nhưng rồi, số người chết vì HIV ngày càng gia tăng nên không thể che giấu được nữa, có tuần trong xã có đến 3 - 4 người chết, toàn đàn ông, thanh niên quãng 20 - 35 tuổi. Vừa nghe đầu xã có người chết, thì cuối xã lại có nhà chuẩn bị tang ma; bản này vừa hôm qua có đám tang, hôm sau bản bên cạnh có nhà lại tính chuyện đưa ma... Lý giải về chuyện nhiều người chết trong một thời gian ngắn, chị Thoạn nói: Trước kia, khi ma túy tràn qua, nhiều người cùng hút, chích, đến khi một người mắc bệnh thì tất cả những người khác cũng bị theo. Con “ết” cứ từ người này mà chạy sang người khác. Rồi chị Thoạn nhớ lại câu nói của anh Lò Văn Lơn (SN 1988, bản Giói B) nói trước khi “chuyển khẩu” về bên kia thế giới, mà đến giờ hỏi ai cũng biết: “Tôi bị HIV, không cứu được nữa rồi, kiểu gì cũng chết. Nhưng, tôi chết thì cậu này, chú này (những người tham gia hút, chích cùng với Lơn) kiểu gì cũng chết”. Điển hình, gần đây nhất (tháng 8 vừa qua), ở bản Pá Khôm và Na Ngua có tới 5 người đàn ông cùng chết vì HIV. Hỏi ra mới biết, những người này “cùng hội cùng thuyền” với nhau.

“Bão HIV” hoành hành khiến hàng trăm người “trụ cột”, tuổi đời còn rất trẻ đã phải “ra đi”, để lại những người vợ tuổi còn đang xuân sắc và nhiều đứa trẻ không một lần được gọi tiếp... Bố ơi...! ... để lại những “góa phụ”

Từ trung tâm xã Luân Giói, qua cầu treo bắc qua suối Nậm Giói, bản Na Cai hiện ra trước mắt chúng tôi với những cái lều không ra lều, nhà chẳng ra nhà. Ở đây người ta vẫn hay gọi bản Na Cai là “bản không chồng”. Hiện bản Na Cai có hơn 30 hộ dân nhưng có tới 21 hộ do phụ nữ làm chủ. Chỉ tay về ngôi nhà xiêu vẹo, tưởng chừng như sắp đổ của gia đình chị Vì Thị Đôi, trưởng bản Lò Văn Liên cho biết: hàng chục năm nay, vợ chồng chị Đôi sống trong căn nhà này. Trong ngôi nhà không có tài sản gì quý giá, ngoài mấy cái xoong nồi vứt chỏng chơ trên nền. Gương mặt khắc khổ, chị Đôi ngậm ngùi cho biết: “Trước đây, gia cảnh cũng không đến nỗi như vậy chú ạ. Tuy nhiên, từ khi “bão ma túy” tràn về, cuộc sống gia đình cũng bị đảo lộn theo nó. Chồng lao vào ma túy theo bạn bè nên nhà có thứ gì bán được cũng lặng lẽ theo người ra đi. Có lần vừa bắc nồi cơm lên bếp, quay đi quay lại đã thấy mất nồi, gạo thì tung tóe ra bếp. Khổ lắm chú ạ...”.

Cũng như ở Na Cai, bản Giói A, có tới 21 phụ nữ góa chồng. Chị Tòng Thị Dân mới hơn 40 tuổi mà đã góa 4 năm nay. Ngôi nhà của chị Dân trống trải không có bất cứ tài sản gì quý giá. Cuộc sống dựa vào ít đất nương không đủ ăn, chị chỉ biết trông vào số tiền ít ỏi trợ cấp đơn thân nuôi con.




Hệ quả của ma túy để lại là hàng trăm trẻ em ở Luân Giói chịu cảnh mồ côi cha vì HIV.

Tôi còn nhớ mãi đôi mắt đen lấp lánh của chị Lò Thị Thơi, bản Che Phai mới 27 tuổi nhưng đã góa bụa 3 năm nay. Khi chồng mất, chị Thơi đang mang thai đứa con thứ 2, may mắn cho chị và các con không bị lây “H” từ chồng, nhưng cuộc sống vô cùng khó khăn. Chồng mất, một mình chị Thơi phải cáng đáng công việc, kiếm tiền nuôi con đồng thời phải lo khoản tiền để trả nợ cho chồng khi còn sống vì những cơn nghiện. “Buồn lắm, nhiều lần nghĩ quẩn nhưng rồi thương con nhỏ nên phải cố gắng chịu đựng. Chỉ mong sao các cháu được thành người có ích đừng như bố chúng nó”, chị Thơi tâm sự. Nhìn chị còn trẻ, tôi đánh liều hỏi một câu: Chị có định đi bước nữa không? Trầm ngâm một lúc, chị Thơi mới đáp lời: Cả bản này còn mấy người là đàn ông lành lặn đâu? Câu nói ấy gợi cho chúng tôi nhiều điều cần phải suy nghĩ.

Chúng tôi rời Luân Giói trở ra trung tâm huyện khi màn đêm đã bao trùm, hai bên đường rừng cây u ám khiến khung cảnh càng thêm vắng lặng. Những câu chuyện về ma túy, HIV ở Luân Giói cứ ám ảnh tôi trên suốt chặng đường về. Thi thoảng có con gì đó lao qua đường vùn vụt khiến chúng tôi không khỏi rùng mình, suy nghĩ vẩn vơ. Mãi đến khi thấy ánh điện của những chiếc đèn cao áp, những ngôi nhà cao tầng tỏa sáng cả một vùng trời, chúng tôi mới phần nào an tâm hơn.

 

Phong Vân

Nguồn diendanhiv.vn

[TT: TBC]