Những bản chết bên dòng sông Nậm Mộ

09/02/2015 Lượt xem: 760 In bài viết

Con đường mà xe máy chỉ đi được số 2

“Ma túy ở đây phức tạp lắm chú ơi!, nói dân hấn có nghe mô. Huyện, rồi xã xuống nói nhiều lắm rồi, bắt nhiều lắm rồi, nhưng tình trạng nghiện ngập vẫn tái diễn. Cách đây mấy bữa, công an huyện và xã đã phối hợp, phục kích 4 ngày bắt được đối tượng buôn ma túy ở bản Xốp Nhị” - ông Vi Thái Dương, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập cho chúng tôi biết về tệ nạn ma túy ở địa phương.

Đề nghị dẫn chúng tôi vào bản Noọng Ó, là địa bàn nóng nhất về ma túy, ông Lô Văn Tăng, trưởng công an xã bảo “Xa lắm chú ạ, vào đó những 9 cây số đó, mà đường rừng khó đi lắm, đầu giờ chiều vào là tối mới ra được bản”. Vốn đi đường rừng đã quen nên trước quyết tâm phải đi cho bằng được của tôi, ông trưởng công an xã cũng đành đi cùng. Trên đường đi lên Noọng Ó, ông trưởng công an xã phải ghé vào điểm bán lẽ xăng duy nhất, nhưng hết xăng nên đành gửi xe vào nhà một người quen để đi cho kịp, vậy là hai chúng tôi đành “leo núi” trên một chiếc xe máy. Theo như lời ông trưởng công an xã thì trước đây lên Noọng Ó chưa có đường nên phải đi bộ một ngày theo đường rừng mới lên đến nơi.

Đường đi không một bóng người, men theo bìa rừng giữa những lưng chừng đỉnh núi, nhiều con dốc lên mà có lúc về cả số 1 mà xe không thể đi nổi, phải hết năm lần, bảy lượt người ngồi sau phải xuống xe thì tôi mới qua được dốc. Được gần nửa đường, những dãy núi Trường Sơn dần hiện lên hùng vĩ khiến ai cũng khó lòng cưỡng lại. Trông xa xa là dãy núi Phu Xai Lai leng cao nhất tỉnh Nghệ An nằm mờ ảo trong sương mù, và bên dưới con đường mòn chúng tôi đi là vực sâu hun hút mà nếu lơ là sẽ mất mạng như chơi. Trên đường đi, tôi hỏi: Phong tục người dân ở đây còn lạc hậu nữa không bác? – Ông trưởng công an xã cho biết: “Bây giờ dân ở đây tiến hóa rồi, không lạc hậu như trước nữa đâu chú ạ”. Câu trả lời làm tôi phì cười. Theo ông Tăng thì người dân Noọng Ó chủ yếu làm rẫy và làm lúa, và 100% là đồng bào dân tộc Thái. Tình trạng người nghiện ma túy rất nhiều, chiếm gần 2/3 số người nghiện toàn xã.

Gần hai tiếng đồng hồ sau, bản Noọng Ó cũng đã dần hiện ra trước mắt tôi với những ngôi nhà lợp bằng tôn đã hoen rỉ phai màu xen lẫn những ngôi nhà lán nằm khá gần nhau giữa triền núi. Không như xã Lóng Luông (một điểm nóng ma túy huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, mà tôi từng đến), người dân ở Noọng Ó vốn là những nông dân hiền lành, chân chất và mến khách, chính điều này làm tôi thoải mái và yên tâm hơn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lương Văn Mắn, công an thường trực, Phó trưởng bản Noọng Ó cho biết, cả bản có 96 hộ, với 498 khẩu, thì đã có tới 66 hộ là hộ nghèo, tất cả đều là đồng bào dân tộc Thái. Kể từ năm 2000 trở lại đây, tình trạng trồng cây thuốc phiện ở Noọng Ó đã bị xóa bỏ. Có nhiều đối tượng buôn bán, tàng trữ đã bị bắt giữ, nhưng tình trạng nghiện ma túy thì vẫn còn rất nhiều. Trước tình hình ma túy gia tăng đang ăn dần, ăn mòn các bản làng, chính quyền đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền cho người dân, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.

Những ngôi nhà vắng chủ

Theo thống kê chưa đầy đủ của Công an xã Hữu Lập, bản Noọng Ó có 44 người nghiện. Đây là số người đã đi cai nghiện ở trung tâm, còn số người nghiện thực tế thì không thể biết chính xác. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi thì riêng bản Noọng Ó đã có không dưới 150 người nghiện ma túy. Điều đáng nói là không những đàn ông, mà cả phụ nữ cũng nghiện ma túy rất nhiều, và độ tuổi cũng rất trẻ, nhiều nhất là thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 14 trở lên. Nhiều người nghiện đã bỏ đi nơi khác, để lại cha mẹ già, vợ con. Có trường hợp tất cả đều nghiện ma túy như gia đình ông Lương Búa Hoong, đã rời bản ra đi đến nay vẫn chưa về. Hay như gia đình anh Lương May Khim, cả hai vợ chồng bỏ bản đi để con nhỏ cho ông bà chăm sóc.



Bản Noọng Ó


Anh Lương Văn Mắn, Công an viên bản Noọng Ó cho rằng, phần lớn là họ đi làm ăn bên Lào, một số thì đi vào Nam làm ăn, nhưng cụ thể đi đâu thì cũng không nắm rõ. Hiện cả bản có khoảng 250 người rời địa phương không rõ lý do. Phần lớn là đàn ông con trai, lao động chính trong gia đình. Chỉ khi nào nhà có việc cưới xin, giỗ chạp và những dịp Tết mới về. Tuy nhiên khi tôi hỏi những người đi làm ăn xa về có khá hơn không, thì nhiều người cho biết vẫn không khá hơn như lúc ở nhà là mấy. Cũng có nhiều người bỏ bản mà đi là cũng vì muốn thoát ly để có cuộc sống tốt hơn, cũng có người vì muốn thoát khỏi ma túy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Thái Dương, Chủ tịch UBND xã cho biết, Hữu Lập là xã nghèo, đường giao thông đi lại rất khó khăn, tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái chiếm 80%, Khơ Mú 15%, còn lại là người Kinh ít ỏi. Cả xã có 600 hộ thì đã có đến 281 hộ nghèo, thu nhập bình quân chỉ có 3,7 triệu đồng/ năm. Kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, sống chủ yếu dựa vào rừng.



Ông Vi Thái Dương, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập


Trong hai ngày 19-20/2, tại bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập, công an huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với công an xã triệt phá hai vụ buôn bán, tàng trữ ma túy, bắt giữ ba đối tượng là Vi Văn Tuyền, Kha Văn Hiển, Kha Văn Đại, đều trú tại bản Xốp Nhị. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thì bản Xốp Nhị có không ít người nghiện ma túy, và là một trong những bản có nhiều người nghiện nhất trong xã. Riêng đối tượng Vi Văn Tuyền trước đó đã đánh đập vợ con, lấy của cải, tài sản trong nhà bán để lấy tiền mua ma túy về bán và sử dụng.

Năm 2013, công an xã Hữu Lập xã đã vận động bà con trong các bản giao nộp vũ khí, thu 89 khẩu súng kíp tự chế. Theo ông Vi Thái Dương, thì việc làm và thu nhập ổn định là là điều quan trọng nhất. Hiện nay, trình độ, nhận thức của người dân rất hạn chế, trong khi đó ngoài làm rẫy ra thì người dân không biết làm gì để kiếm sống. Có nhiều người đã nhận thức được tác hại của ma túy, đã tự giác đi cai, nhưng cũng có không ít người lẩn trốn, không muốn hợp tác với chính quyền. Tuy nhiên, do việc làm không ổn định, thu nhập thấp nên đi cai nghiện về chưa được bao lâu thì lại bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo nên lại nhanh chóng tái nghiện.

Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng công an huyện Kỳ Sơn cho biết: “Kỳ Sơn là huyện miền núi, có 192 km đường biên giới chung với nước bạn Lào, đường núi hiểm trở, điều kiện KT-XH khó khăn, nhận thức của người dân chưa cao nên dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo. Đặc biệt đây từng là quê hương của thủ phủ thuốc phiện, việc trồng và buôn bán thuốc phiện đã có truyền thống từ lâu nên tội phạm ma túy hoạt động phức tạp. Hiện tại tổng số người nghiện trên địa bàn huyện là 655 người đang được đi cai tại các trung tâm. Cũng theo Đại tá Đề, năm 2013, trên địa bàn huyện đã bắt giữ 68 vụ với 77 bị can liên quan đến ma túy. Hiện nay, một số xã có tình hình phức tạp thuộc địa bàn trọng điểm về ma túy là các xã Chiêu Lưu, Hữu Lộc, Nậm Cắn, Bắc Lý, Mỹ Lý. Đối tượng chủ yếu là người địa phương, nguồn ma túy chủ yếu là từ Lào về. Với phương thức, thủ đoạn tinh vi, lợi dụng công nghệ thông tin liên lạc, tội phạm ma túy thường buôn nhỏ lẻ và liên tục thay đổi địa điểm giao nhận nên rất khó khăn cho lực lượng cơ quan chức năng khi truy bắt.

 

Chu Lương

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]