Đau lòng đấng sinh thành trong ngôi nhà có 8 người con nhiễm HIV

09/02/2015 Lượt xem: 640 In bài viết

Trong vòng một tháng "tiễn" hai con về thế giới bên kia

Ngôi nhà cấp bốn, vách đất, mái tranh của ông Tiến và bà Vân lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng xung quanh. Trong ngôi nhà ấy ngổn ngang nào xô, nào chậu và cả nồi xoong mang ra hứng nước. Ông Tiến giải thích: "Hễ mưa là nhà tôi dột hết, hứng bao nhiêu cũng chả đủ. Mưa mà to thì ngồi trong nhà cũng chả khác nào đứng ngoài trời đâu cô chú ạ". Bà Vân ngồi khép vào một góc giường để tránh những giọt mưa đang nhỏ xuống phía ngoài giường. Bên hông bà đeo lủng lẳng chiếc túi tiết dịch.

Nhìn sang vợ, ông Tiến chia sẻ: "Bà ấy vừa mới xuất viện được có vài ngày thôi, người gầy như que củi. Trong người thì không biết cơ man nào là bệnh. Mà toàn là những bệnh hiểm nghèo, nào là sơ gan đầu đinh, thoái hóa ruột già, lao phổi đủ cả". Theo như lời ông Tiến nói thì bà Vân đã từng trải qua hai cuộc phẫu thuật, lần thứ nhất mổ để đưa hậu môn lên, lần thứ hai mổ để đưa hậu môn xuống. Bà Vân lại bị bệnh máu loãng nên dù vết mổ đã lâu nhưng vẫn rỉ máu.

Đang ngồi trong góc giường, chợt bà Vân lê người ra phía ngoài, cố nén cơn đau lấy chiếc áo mưa che lên chiếc hòm tôn trên tủ để không bị ướt. Nhìn vợ đau đớn và khó nhọc, ông Tiến làu bàu: "Cứ để đấy tôi làm cho. Khổ, chiếc hòm nào có gì đâu ngoài những tấm ảnh của mấy thằng con trai. Bà ấy bảo, chúng nó mất rồi, giờ chỉ còn những thứ đó để nhớ về chúng nó thôi nên lúc nào cũng giữ khư như giữ báu vật ấy". Nghe ông Tiến nói vậy, bà Vân bật khóc: "Chả ai khổ như vợ chồng tôi đâu. Đẻ được 5 thằng con trai mà chả dựa dẫm được đứa nào. Đứa nào cũng bệnh tật, đứa thì chết rồi, đứa thì đang chờ chết, trôi dạt đất khách quê người. Nhiều lúc tôi chỉ muốn uống một liều thuốc chuột cho hết cái kiếp nạn này, nhưng nghĩ đến ông ấy phải sống một mình, tôi lại không đành lòng".

Vừa nói, bà Vân vừa giở những tấm ảnh cũ mèm ra cho chúng tôi xem. Bà chỉ: "Đây là thằng Ân và vợ hắn này. Bọn hắn mất cả rồi. Còn đây là thằng Tân, hắn là anh cả. Hắn cũng mất rồi. Tính đến nay là được hai giỗ rồi". Nói rồi bà Vân chỉ vào tấm ảnh của người con thứ hai là Lê Ngọc Dân. Anh Dân mắc bệnh giờ cũng đã vào thời kỳ cuối nhưng vì ngại điều tiếng cho bố mẹ, ngại phải đối mặt với những người thân quen nên đã bỏ sang Campuchia làm nghề trông xe. Vợ anh Dân cũng đã mất năm 2010.

Năm 2012, vợ chồng ông Tiến đã phải trải qua một nỗi đau quá lớn khi chỉ trong vòng 1 tháng ông bà mất tới hai người con trai. Bà Vân nhớ lại: "Lúc thằng Ân mất, tôi và thằng Tân đã phải vào tận miền Nam để đưa thi thể nó về. Khổ lắm cô chú ạ, chết nơi đất khách quê người không ai thân thích. Khi vào nhìn thấy con chỉ còn da bọc xương mà đau lòng. Tôi còn nghe người ta nói, trước khi chết, hắn gỡ ảnh con gái treo trên tường rồi nhét vào trong ví. Hắn bảo muốn mang con về quê cùng. Vừa lo cho thằng em được mồ yên mả đẹp thì thằng Tân cũng bắt đầu phát bệnh. Hắn nằm liệt một chỗ, đau đớn quằn quại, nước chảy ra từ cơ thể, không ăn được gì. Đói lắm cũng chỉ mút được tí nước rồi thôi. Hắn nằm thế gần nửa tháng thì mất".

Mặc dù biết các con mang căn bệnh thế kỷ, trước sau gì cũng ra đi, nhưng khi phải trực tiếp chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, ông Tiến, bà Vân vẫn không thể không choáng váng. Sinh được 5 người con trai thì cả 5 người con cùng nhiễm HIV. Hồi đó, ở Xuân Bái, chuyện thanh niên trai tráng mắc nghiện rồi nhiễm HIV là chuyện thường như cơm bữa. Những người con trai của ông Tiến cũng không đứng ngoài cơn lốc ma túy ấy. Anh nghiện trước rồi lần lượt đến các em nghiện theo. Bà Vân chia sẻ: "Lúc phát hiện ra chúng nó dắt díu nhau nghiện cả, tôi như đứt từng khúc ruột. Người ta vẫn bảo nhà có một người nghiện thì coi như khuynh gia bại sản, đằng này nhà tôi tới 5 đứa thì làm gì còn của nả nữa. Lúc mới nghiện thì chúng còn ý thức dùng riêng kim tiêm, sau rồi chả còn tiền mà mua nổi kim riêng nữa, cứ dùng chung chạ tùm lum nên nhiễm HIV hết cả".

Những "án tử" đang chờ…

Ông Lê Ngọc Tiến - một người đã từng vào sinh ra tử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chưa một trận chiến nào làm ông run sợ và chùn bước. Vậy mà trong "cuộc chiến gia đình", ông Tiến đã gục ngã. Đó là khi ông biết tin từng đứa con mắc nghiện. Đó cũng là khi ông phải chứng kiến từng đứa con cả trai lẫn dâu cứ lần lượt ra đi. Cảnh người đầu bạc cay đắng tiễn kẻ đầu xanh đã khiến ông có cảm tưởng không sao gượng dậy nổi. Nhiều khi thần kinh ông căng thẳng quá nên phát bệnh. Bà Vân kể, ông hay lảm nhảm một mình, mỗi lần bệnh phát, ông không làm gì hết, cũng chả quan tâm tới bà nữa.



Ông Tiến có lúc phát bệnh thần kinh vì không chịu nổi những mất mát quá lớn.

Về phần bà Vân, dù biết trước "án tử" đang treo lơ lửng trên đầu những đứa con còn lại của mình nhưng bà vẫn không thôi hy vọng. Đêm nào người mẹ bất hạnh cũng thắp hương cầu nguyện cho những đứa con còn lại của mình được kéo dài sự sống. Dù rằng ngay cả khi họ còn sống thì họ cũng không ở cùng, chăm sóc phụng dưỡng vợ chồng bà, thế nhưng bà vẫn có được cái cảm giác an tâm. Ba người con trai của bà Vân giờ cũng mỗi người phiêu dạt mỗi nơi. Người con trai thứ hai lang thang tận đất nước Campuchia xa xôi. Người con thứ tư đang sống ở Đắc Min, người con út thì đang sống ở quê vợ miền Tây. Từ khi nó nhiễm bệnh và bỏ đi, vợ chồng bà hầu như không bao giờ có cơ hội gặp mặt con. Chỉ đến một ngày nào đó, ông bà nhận được điện thoại của người ta gọi về báo rằng con của ông bà đã qua đời thì khi ấy ông bà mới được nhìn mặt con lần cuối.

Ngồi tần ngần bên chiếc bàn uống nước cũ kỹ, ông Tiến kể: "Hôm trước, vợ thằng Ái gọi điện về cho chúng tôi, nó khóc nức nở thông báo là nó cũng bị nhiễm bệnh như chồng. Nó kể, vì sắp sinh nên vô bệnh viện làm xét nghiệm, người ta nói nó bị nhiễm HIV. Giờ nó lo lắng không biết đứa con trong bụng có làm sao không? Tội nghiệp, những đứa con dâu chúng chả có tội gì. Chỉ vì yêu phải chồng có bệnh nên cũng bị bệnh theo".




Bà Vân vừa mới trải qua một cuộc đại phẫu thuật.


Không chỉ lo lắng cho đứa cháu sắp sinh, mà ông Tiến, bà Vân cũng canh cánh nỗi lo cho người con dâu út. Dù biết anh Bình nhiễm HIV nhưng cô gái miền Tây ấy vẫn một lòng yêu và muốn xây dựng hạnh phúc trăm năm. "Tôi chỉ sợ một ngày nào đó nó cũng lại gọi điện về thông báo cho chúng tôi là nó cũng lây bệnh từ chồng. Nếu thế thì tôi khổ tâm lắm" - bà Vân nghẹn ngào chia sẻ.

Người vợ duy nhất chắc chắn không bị lây bệnh từ chồng đó là con dâu cả của bà Vân. Bà Vân bảo, trong cái rủi lại có cái may. Trong một lần hai vợ chồng người con trai cả của bà xô xát nhau, anh Tân đã đánh vợ và vợ anh ấy đã bỏ về nhà ngoại. Hai người sống ly thân. Cũng vì thế mà chị này không bị nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Hai người con của anh Tân và anh Dân hiện đang sống ở nhà ngoại. Riêng cô con gái của anh Ân là sống cùng ông bà nội. Vì gia cảnh ông bà nội quá khó khăn, ăn còn chưa đủ nên không thể cho cháu học hành tới nơi tới chốn. Không được tới trường, bố mẹ lại mất sớm nên bé Linh lúc nào cũng buồn rười rượi. Linh ít nói, lặng lẽ như một cái bóng. Nếu đi học thì Linh cũng đã học tới lớp 8 rồi.

Mang tiếng sinh tới 5 người con trai nhưng chưa một ngày ông Tiến và bà Vân được dựa dẫm vào họ. Người mà ông bà có thể trông cậy duy nhất cho tới thời điểm này là cô con gái. Bà Vân tâm sự: "Nếu không có nó, chắc tôi cũng không sống được tới ngày hôm nay. Hai lần tôi đi mổ là hai lần nó chạy vạy tiền nong, chăm sóc. Lúc nào nó cũng động viên tôi phải cố gắng".

Nhìn hai thân già hiu quạnh trong căn nhà đang sực lên mùi ẩm thấp vì nước mưa và vì người ốm khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Người ta vẫn bảo "đông con, đông của", nhưng với ông Tiến, bà Vân thì đông con là đầy hơn nỗi đau, dày hơn nỗi tuyệt vọng. Không biết ở vào cái tuổi gần đất xa trời, ông bà sẽ còn chịu đựng được bao nhiêu lần nữa cảnh "kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh?".

Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân cho biết: Cách đây vài năm thì Xuân Bái là địa bàn nóng nhất về ma túy của huyện Thọ Xuân. Nhưng đến thời điểm này thì số người nghiện đã giảm, vì số người nghiện mới không xuất hiện thêm nhiều mà số người nghiện cũ thì cũng chết đi nhiều. Trong xã có gia đình ông Tiến thực sự rất hoàn cảnh, thuộc hộ nghèo của xã. Địa phương khó khăn nên cũng không thể hỗ trợ thường xuyên được. Nhà cửa dột nát thì sẽ nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới nên chúng tôi sẽ hỗ trợ theo quy định chung là ba triệu đồng và 5 tạ xi.


Phong Anh

Nguồn cand.com.vn

[TT: TBC]