Những điểm nổi bật trong công tác phòng, chống ma túy của Thái Lan
09/07/2014 Lượt xem: 712 In bài viếtThái Lan nằm trong khu vực Tam giác vàng, nơi đang cung cấp một lượng lớn ma túy bất hợp pháp của thế giới. Cũng như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, tệ nạn lạm dụng các chất ma túy đã trở thành vấn đề xã hội rất nghiêm trọng, tác động đến an ninh và ổn định xã hội ở Thái Lan. Từ năm 1955 Thái Lan đã triển khai giải quyết và đấu tranh quyết liệt với tệ nạn này. Qua đó đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và trở thành một trong những nước đi đầu trong nhiều lịnh vực, đáng để các nước tham khảo.
Về vấn đề tổ chức, hệ thống tổ chức phòng, chống ma
túy (PCMT) của Thái Lan tương đối hoàn chỉnh và hoạt động có hiệu quả. Thái Lan
đã thành lập Văn phòng Ủy ban kiểm soát ma túy ở 9 khu vực, tạo nên một hệ thống
vững chắc trong việc điều phối hoạt động kiểm soát trên phạm vi cả nước và có sự
phân công, phân nhiệm rõ ràng theo đặc thù của từng vùng và tính chất phức tạp
của từng vụ việc. Văn phòng kiểm soát ma túy trung ương (ONCB) có các cục nghiệp
vụ chuyên sâu theo từng lĩnh vực như: Pháp chế, hành pháp, giám định, trung tâm
xử lý tin tức tình báo, giảm cầu, giảm hại, hợp tác quốc tế với trên 1.000 nhân
viên chính thức và hợp đồng đã tạo điều kiện để Thái Lan một mặt triển khai tổng
thể các giải pháp về PCMT mặt khác làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tình hình
và mở rộng hợp tác với trên 30 quốc gia trên thế giới.
Thái Lan là một trong những nước thành công trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về
kiểm soát ma túy. Hệ thống cơ sở dữ liệu được kết nối với Bộ Ngoại giao, cơ quan
xuất nhập cảnh, Bộ Lao động và các vấn đề xã hội, Trại giam, cho phép Văn phòng
Ủy ban kiểm soát ma túy Thái Lan có thể giám sát một cách thuận lợi các đối
tượng đã từng vào Thái Lan, giám sát được các đối tượng đã có tiền án về ma túy
kể từ khi bị bắt, cải tạo giam giữ đến khi hòa nhập cộng đồng.
Về lĩnh vực truy nguyên nguồn gốc ma túy, Thái Lan đã đi trước nhiều nước trong
việc lập bản đồ nguồn gốc các chất ma túy và thường xuyên giám sát các loại ma
túy mới xuất hiện, đánh giá mức độ tăng giảm của từng loại ma túy trên thị
trường bất hợp pháp và dự đoán nguồn cung cấp cũng như các tuyến buôn bán, vận
chuyển, phân phối của từng loại ma túy. Đồng thồi gián tiếp đánh giá hiệu quả
của hoạt động kiểm soát đối với các loại ma túy.
Trong lĩnh vực pháp chế về kiểm soát ma túy, Thái Lan đã có một bộ tương đối đầy
đủ các luật như: Luật kiểm soát các chất ma túy, các chất hướng thần; Luật tịch
thu tài sản; Luật cai nghiện phục hồi; Luật dẫn độ tội phạm; Luật tương trợ tư
pháp về kiểm soát ma túy và hiện đang đề xuất xây dựng quy chế phối hợp thực
hiện chiến thuật vận chuyển có kiểm soát là một chiến thuật rất hiệu quả giúp
bóc gỡ và bắt giữ các thành viên của các băng nhóm tội phạm ma túy chứ không chỉ
đối tượng vận chuyển.
Thái Lan là nước đã thành công trong việc xóa bỏ diện tích cây có chứa chất ma
túy thông qua nhiều dự án như “Đồi Tung”, “dự án Mae Sai”. Đây là những kinh
nghiệm rất quý cho nhiều nước hiện đang học tập. Trong những năm qua Chính phủ
Thái Lan với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đã đầu tư hơn 1 tỷ đô la để triển
khai đồng bộ các giải pháp, ví dụ như: phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đưa
các loại cây trồng có năng suất cao được thị trường chấp nhận thay thế cây thuốc
phiện. Để tạo sự bền vững, Chính phủ Thái Lan đã vận động các trường đại học,
các viện nghiên cứu tham gia nghiên cứu trong một thời gian dài nhằm đưa các
loại giống cây trồng có hiệu quả như: cà phê, cao su, nhãn, mận, đào, các loại
rau, của, quả… vào địa bàn dự án. Tính phù hợp và tính hiệu quả của các mô hình
phát triển thay thế luôn được đánh giá, rút kinh nghiệm nên dự án ngày càng hoàn
thiện. Nhờ sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu mà các dự án thay cây của Thái Lan
dã tìm được các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, có sự phát triển tốt trên vùng
đất trước đây trồng cây thuốc phiện. Các sản phẩm được tiếp thị rộng rãi trên
thị trường thế giới nên các sản phẩm nông nghiệp từ các dự án đã đem lại nguồn
thu rất lớn cho người dân địa phương, cao gấp 8 lần so với thu nhập từ cây thuốc
phiện trước đây. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp kể trên mà Thái Lan từ một
nước trước đây có hàng ngàn héc ta cây thuốc phiện đến cuối năm 2011 chỉ còn
phát hiện 130 héc ta.
Trong lĩnh vực cai nghiện phục hồi, do trên 90% người nghiện ma túy sử dụng
methamphetamine nên Thái Lan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Thái Lan
đã khuyến khích các tổ chức từ thiện, các tổ chức phi chính phủ tham gia các
hoạt động cai nghiện phục hồi. Do vậy tuy số trung tâm cai nghiện nhà nước quản
lý chưa vượt quá con số 20 song ở Thái Lan lại có trên 500 cơ sở cai nghiện với
quy mô lớn nhỏ khác nhau do các tổ chức phi chính phủ điều hành, đã và đang đáp
ứng nhu cầu cai nghiện ma túy cho hàng trăm nghìn người.
Thái Lan đã dành một khoản kinh phí lớn để đầu tư các trang thiết bị tiên tiến,
hiện đại giúp kiểm soát ma túy tại các cảng biển, cảng hàng không quốc tế. Ví
như hệ thống thiết bị soi chiếu contener tại cảng biển lớn nhất của Thái Lan trị
giá trên 100 triệu USD cho phép kiểm soát một contener hàng không quá 3 phút.
Cùng với 5 máy soi contener di dộng trị giá từ 5 triệu cho đến 20 triệu USD.
Trong lĩnh vực đào tạo và nhân sự, Thái Lan đã thành công trong việc quy tụ
nhiều cán bộ có năng lực chuyên môn sâu, trình độ ngoại ngữ giỏi (tiếng Anh và
tiếng Trung Quốc). Điều này góp phần khẳng định vai trò và vị thế của Thái Lan
tại các diễn đàn PCMT khu vực và quốc tế. Đồng thời giúp cho hoạt dộng hợp tác
trên các lĩnh vực đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia thuận lợi và hiệu quả.
Thái Lan là một nước đi trước và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm soát
tiền chất và các chất hướng thần. Thái Lan không phải là nước sản xuất hóa chất
nên hầu hết hóa chất và tiền chất được nhập khẩu cho mục đích y tế và công
nghiệp. Để kiểm soát tiền chất tránh thất thoát vào sản xuất ma túy bất hợp
pháp, Ủy ban kiểm soát tiền chất và hóa chất của Thái Lan đã được thành lập từ
năm 1993 nhằm xây dựng chiến lược quốc gia về kiểm soát tiền chất. Thái Lan đã
ban hành 5 bộ luật để kiểm soát tiền chất. Bên cạnh đó còn ban hành quy định hạn
chế việc nhập khẩu pseudoephedrine và yêu cầu các hãng sản xuất dược phẩm sử
dụng chất khác để thay thế; quy định cách sản xuất thuốc ho cảm cúm mỗi vỉ không
quá 10 viên, mỗi người không được mua quá 60 viên/lần, cứ 4 tháng các hiệu thuốc
có trách nhiệm thống kê báo cáo cho cơ quan quản lý về số lượng thuốc đã bán và
các giao dịch bất thường. Nếu không chấp hành các cơ sở này sẽ bị thu hồi giấy
phép hoạt động.
Với quá trình phát triển lâu đời trong lĩnh vực PCMT, Thái Lan có những kinh
nghiệm hết sức bổ ích cho các nước học hỏi.
Phạm Tùng Lâm
Nguồn phongchongmatuy.com
[TT: TBC]