Kinh nghiệm quốc tế trong điều trị nghiện ma túy

01/04/2015 Lượt xem: 1007 In bài viết

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết như trên tại Hội thảo chuyên gia “Điều trị nghiện ma túy - Các tiến bộ khoa học và kinh nghiệm thực tế từ Pháp và Mỹ” do Ủy ban về các vấn đề xã hội - Văn phòng Quốc hội phối hợp Trung tâm Sáng kiến Phát triển Cộng đồng tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội.

Tập trung phương pháp “3 giảm”

Theo Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong, tình hình phòng, chống ma túy đang là thách thức lớn đòi hỏi hoạch định chính sách, điều hành, tổ chức thực hiện phải đồng bộ, từng bước tiến tới đạt hiệu quả cao nhất trong công tác này. Thời gian qua, chúng ta chú trọng phương pháp “3 giảm” bao gồm: Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Bên cạnh đó, nhiều cam kết trong công tác phòng, chống ma túy, tội phạm ma túy xuyên quốc gia cũng đã được thiết lập, mặc dù vậy, công tác phòng, chống ma túy là vấn đề cần đẩy mạnh.

Đối với giải pháp cai nghiện, đã có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, hàng loạt các biện pháp cắt cơn, điều trị ma túy được đề xuất, triển khai. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được các vấn đề lớn đặt ra trong công tác cai nghiện ma túy. Để đạt được hiệu quả cao trong công tác giảm tác hại, Việt Nam đang hướng tới mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Hiện chương trình điều trị nghiện đang chuyển hóa dần theo đề án mới do Bộ Lao động ,Thương binh Xã hội trình Chính phủ, tiến tới cai nghiện tự nguyện để đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Những nỗ lực này đang thể hiện trong việc thay đổi chính sách để đáp ứng các nhu cầu nhằm đạt được những mục tiêu do Chính phủ đề ra.

Chú trọng các chiến lược điều trị hiệu quả

TS. John Hamilton, Giám đốc điều hành, Mạng lưới các Chương trình Hồi phục đến từ Mỹ cho biết, nghiện là một bệnh của não bộ thể hiện thành hành vi mang tính ham muốn. Tiến triển và hồi phục khỏi nghiện phụ thuộc vào hành vi và bối cảnh xã hội. Căng thẳng của xã hội tác dụng lên thụ cảm thể DA D2 của não và khuynh hướng sử dụng ma túy. Chúng ta cần nhìn nhận và điều trị nghiện như một bệnh mãn tính, tái phát. Tỷ lệ tái phát là như nhau giữa lệ thuộc ma túy và các bệnh mãn tính khác. Do đó, cần chú trọng các chiến lược điều trị hiệu quả nhất liên quan tới các mặt của nghiện sinh học, hành vi và bối cảnh xã hội.



TS. John Hamilton, Giám đốc điều hành, Mạng lưới các Chương trình Hồi phục chia sẻ kinh nghiệm - Ảnh Thùy Chi


Chia sẻ kinh nghiệm về điều trị nghiện, Bs. Laurent Michel, Giám đốc Trung tâm Pierre Nicoles, Paris đến từ Pháp cho biết, tại Pháp, Hội đồng Liên bộ Phòng chống Ma tuý và Hành vi Nghiện (MILDECA) chịu trách nhiệm xây dựng và điều phối các chính sách về ma tuý và các chất gây nghiện hợp pháp.

Có hai hệ thống liên quan đến điều trị nghiện bao gồm: Hệ thống điều trị nghiện chuyên khoa trong các cơ sở y tế - xã hội; Hệ thống chăm sóc tổng hợp bao gồm bệnh viện và bác sỹ đa khoa; Một số dịch vụ thông qua hệ thống giảm hại.

Từ năm 2003, điều trị nghiện được cung cấp tài chính bởi hệ thống an sinh xã hội. Hệ thống điều trị nghiện ở các bệnh viện được tổ chức tại 3 cấp: Quản lý cai và tổ chức tham vấn; cung cấp chăm sóc nội trú phức tạp hơn và mở rộng các dịch vụ tới nghiên cứu, tập huấn và điều phối khu vực.

Tại Pháp, điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện (OST) là hình thức điều trị chính cho người sử dụng chất dạng thuốc phiện từ năm 1995, được lồng ghép vào chiến lược trị liệu chung cho những người bị phụ thuộc ma túy, bao gồm cả những người nghiện trong nhà tù.

Pháp sử dụng Methadone và Buprenorphine điều trị cai cho người nghiện ma túy. Trong đó, Buprenorphine là chất thay thế được kê đơn rộng rãi nhất từ năm 1996. Buprenorphine được cung cấp chủ yếu bởi các bác sỹ đa khoa, còn Methadone chủ yếu bởi hỗ trợ và dự phòng nghiện chuyên khoa. Ngoài ra, morphine sulphate là chất được cung cấp như thay thế nhưng rất hiếm trường hợp.

Đối với phương pháp can thiệp giảm hại, các dịch vụ được cung cấp gồm: Cung cấp bơm kim tiêm tại 283 máy phân phát và từ 42 hiệu thuốc bán được nhà nước trợ giá; Bán bơm kim tiêm tại các hiệu thuốc từ năm 1987; trao đổi bơm kim tiêm tại 135 với địa điểm cố định; 39 điểm cung cấp các dịch vụ cấp cứu và xe buýt Methadone; 84 đội tiên phong và tiếp cận nhằm cải thiện hơn nữa các dịch vụ cho người sử dụng ma túy…

Bên cạnh đó, một chính sách “nhanh chóng” được triển khai từ năm 2008. Theo đó, quy định người sử dụng ma túy trong các trường hợp “đơn giản” có thể bị cảnh cáo và được yêu cầu tham dự khóa học bắt buộc, nhận thức về ma túy. Trong một số trường hợp, những người vi phạm nghiện có thể bị phạt lên tới 450 euro (tương đương hơn 10 triệu đồng).

Thùy Chi

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]