Lào thúc đẩy các chương trình phát triển nhằm xóa bỏ cây thuốc phiện

25/08/2015 Lượt xem: 881 In bài viết

Lào, vốn được coi là thuộc một phần trong vùng Tam giác Vàng gồm cả Myanmar và Thái Lan - trung tâm mua bán ma túy ở Đông Nam Á, đã từng được coi là mẫu mực thành công trong việc xóa bỏ việc trồng cây thuốc phiện.

Trồng cây thuốc phiện ở Lào đã sụt giảm từ mức đỉnh là 26.800 hecta năm 1998 xuống còn 1.800 hecta vào năm 2005, nhờ vào một chương trình thanh toán cây thuốc phiện. Năm 2006, chính phủ Lào đã công bố đất nước “không còn ma túy” nữa.

Trong cuộc khảo sát về thuốc phiện năm 2014 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (gọi tắt là UNODC), cho biết, việc trồng cây thuốc phiện ở Lào đã tăng lên khoảng 6.200 hecta. Nhưng không giống như ở Myanmar, nơi đa số thuốc phiện được gửi ra người ngoài hay được chế biến thành heroin để xuất khẩu, phần lớn số thuốc phiện ở Lào được tiêu thụ ngay tại địa phương.

UNDOC nói việc sản xuất, nghiện thuốc phiện và nghèo khó, tất cả đều liên quan đến tình trạng thiếu các chọn lựa về sinh kế thay thế.

Ông Cheikh Ousmane Toure, giám đốc UNDOC ở Lào, cho rằng nhiều khi dân làng chỉ trồng cây thuốc phiện để thỏa mãn các nhu cầu cơ bản thay vì để buôn bán.

“Những người trồng cây thẩu không phải là người xấu. Họ là những người nghèo khó, muốn cho con đi học. Họ thực sự không phải là những người buôn lậu. Đối với một số lớn, họ chỉ sử dụng thuốc phiện cho riêng mình.”

Ở các tỉnh vùng cao, các cộng đồng sắc tộc Akha, Hmong và Khmu nằm trong số những người chủ yếu trồng thuốc phiện. Họ thuộc về các tỉnh nghèo khó nhất ở Lào với hơn 40% cư dân sống dưới mức nghèo khó, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc. Thu nhập đầu người thấp ở mức 300 đôla một năm, so với mức trên 1.000 đô là ở những nơi khác của Lào.

Đôi khi những cuộc vận động khai quang cánh đồng trồng thuốc phiện một cách gấp gáp lại khiến cho các gia đình rơi vào tình trạng tuyệt vọng hơn vì không có các nguồn thu nhập thay thế. UNODC cho rằng việc hỗ trợ các cộng đồng bằng tiền mặt rất “bấp bênh”, quan trọng là phải giúp đỡ họ lựa chọn sinh kế thay thế.

“Tại tỉnh Oudomxai ngày nay ta sẽ thấy công tác do chính phủ thực hiện với sự hợp tác của UNODC và các dự án của Hoàng gia Thái giới thiệu các kỹ thuật mới, các loại thực phẩm khác nhau và các gia đình trước đây vẫn trồng cây thuốc phiện có thể làm thế nào để gia tăng thu nhập.”

Nhà nhân chủng học Mỹ David Feingold với 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu về thuốc phiện ở Đông Nam Á, cho rằng thành công hay thất bại trong các chương trình phát triển thay thế tùy thuộc vào các hoa màu có đến được thị trường hay không. Bất kỳ thất bại nào sẽ đẩy nông gia trở lại với việc trồng cây thuốc phiện.

Các cơ quan viện trợ quốc tế nói để duy trì việc giảm thiểu cây thuốc phiện đòi hỏi các chính sách giảm nghèo và một quan điểm toàn diện về phát triển bao gồm các lãnh vực như giáo dục, y tế và các chương trình hạ tầng cơ sở.

 

Thu Hà

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]