Điều trị nghiện ma tuý tại Thái Lan - Kỳ 3: Khuyến nghị cho công tác cai nghiện tại Việt Nam

04/03/2015 Lượt xem: 1300 In bài viết

Hơn 10 năm trước đây, đa số người nghiện ma túy ở Thái Lan là người nghiện heroin. Khi Chính phủ Thái Lan phát động cuộc chiến chống lại ma túy với việc kiểm soát chặt chẽ sản xuất và sử dụng heroin bất hợp pháp, thị trường tiêu thụ ma túy bất hợp pháp ở Thái Lan chuyển sang các loại ma túy kích thích dạng Amphetamine với hơn 80% người nghiện ma túy tại Thái Lan hiện nay sử dụng loại ma túy này.

Xu hướng biến động về mặt dịch tễ học của sử dụng ma túy bất hợp pháp tại Thái Lan là một cảnh báo cho các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát cung cũng như cầu ma túy tại Việt Nam.

Cũng tương tự như tại Thái Lan trước đây, thị trường tiêu thụ ma túy bất hợp pháp ở Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn sử dụng thuốc phiện là loại ma túy chủ yếu sang heroin. Tuy nhiên, với việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên và cư dân thành thị ngày càng gia tăng, đồng thời với việc Việt Nam ngày càng hòa nhập với thế giới, thu nhập của người dân tăng lên, cường độ lao động tăng theo, diện tích cây thuốc phiện ngày càng giảm... thì nguy cơ của việc bùng nổ sử dụng ma túy tổng hợp tại Việt Nam là điều cần được các cơ quan kiểm soát ma túy ở Việt Nam tính đến. Bởi vậy, song song với kiểm soát chặt chẽ nguồn cung ma túy, đặc biệt ma túy tổng hợp, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực cai nghiện phục hồi như Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có các chuẩn bị kịp thời về các bài thuốc, mô hình điều trị và phục hồi có phù hợp và có hiệu quả đối với người nghiện ma túy tổng hợp.

Thái Lan đã nhấn mạnh vào công tác cai nghiện tự nguyện và trên thực tế từ năm 2012 đến nay, số lượng cai nghiện tự nguyện đã tăng lên đáng kể. Một trong những chính sách mà Thái Lan đã áp dụng để khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai là không ghi vào lý lịch tư pháp là người từng sử dụng ma túy nếu họ tự nguyện đi cai. Mặt khác với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người dân về quan điểm coi nghiện là một loại bệnh, bệnh kinh niên cũng đã làm giảm sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nghiện ma túy.

Có thể thấy, ở Việt Nam hiện nay đang có sự chuyển dần từ mô hình trung tâm cai nghiện bắt buộc sang mô hình trung tâm mở, tuy nhiên, số lượng người nghiện tự nguyện đi cai là rất thấp. Do vậy, cách làm của Thái Lan cũng là một gợi ý hay cho những nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể nghiên cứu đưa ra chính sách phù hợp tình hình thực tế, khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai.

Viện cai nghiện và phục hồi cho người nghiện ma túy tổng hợp Thanyarak là cơ sở điều trị - phục hồi nghiện ma túy hàng đầu của Thái Lan. Không chỉ điều trị, Viện cũng là cơ sở đào tạo các nghiệp vụ, kỹ năng điều trị về cai nghiện phục hồi. Viện cũng đã xây dựng được phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.

Việc phân loại người nghiện qua đó xác định hệ thống điều trị đối tượng trước khi tiến hành điều trị. Đối với người mới sử dụng có thể chỉ đưa ra lời khuyên tư vấn giúp họ từ bỏ ma túy sẽ không tạo cảm giác tham gia vào quá trình điều trị cũng là cách làm hết sức khoa học.

Bên cạnh đó, việc phát triển các cơ sở chuyên về phục hồi cho người nghiện ma túy sau khi đã được cắt cơn, giải độc ở các cơ sở y tế, đặc biệt việc huy động sự tham gia của các cơ sở tư nhân, tôn giáo và và cơ sở của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vào công tác phục hồi cho người nghiện ma túy để tận dụng các điều kiện về cơ sở vật chất, con người và kỷ luật quân đội, là một kinh nghiệm cần được các cơ quan hoạch định chính sách cai nghiện phục hồi ở Việt Nam nghiên cứu, tham khảo trong việc xây dựng chính sách xã hội hóa công tác cai nghiện phục hồi. Mặt khác, quy mô các trung tâm điều trị và phục hồi cho người nghiện ma túy tại Thái Lan thường có sức chứa không quá 1.000 đối tượng. Quy mô nhỏ và vừa sẽ phù hợp với đặc điểm điều trị, quản lý đối tượng đặc thù là người nghiện ma túy, giúp cho các trung tâm, cơ sở điều trị linh hoạt hơn trong việc triển khai các mô hình điều trị - phục hồi.

Kinh nghiệm ở Thái Lan cũng như nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy với những nhóm người nghiện ma túy khác nhau cần có các mô hình điều trị, phục hồi khác nhau. Việc điều trị hướng tới chấm dứt sử dụng ma túy hoàn toàn (tức cai nghiện) là một hướng đi truyền thống được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, phù hợp với những người mới nghiện ma túy và không có việc làm ổn định, thường xuyên. Mặt khác, điều trị thay thế bằng methadone là một hướng điều trị nghiện ma túy phù hợp cho người nghiện nặng các chất ma túy gốc thuốc phiện, những người mà việc từ bỏ hoàn toàn sử dụng ma túy là rất khó khăn, đồng thời có công ăn việc làm ổn định.

Ở Việt Nam, quy trình cai nghiện 5 giai đoạn theo Thông tư số 31/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 20/12/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành, về cơ bản không lạc hậu vì đã đề cập tới những yếu tố cốt lõi của cai nghiện phục hồi gồm quản lý, y tế, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề... Tuy nhiên, quy trình này chủ yếu mang tính định hướng, đưa ra khung hoạt động cai nghiện phục hồi, chưa đưa ra được cách làm cụ thể.

Tại Thái Lan, bên cạnh mô hình cộng đồng trị liệu (TC) thì mô hình Matrix, một mô hình đi sâu vào vào tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, cũng đang được áp dụng rộng rãi. Trong điều kiện hoạt động tư vấn còn là điểm yếu của công tác cai nghiện phục hồi ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt khi nguy cơ số người sử dụng ma túy tổng hợp sẽ tăng lên trong thời gian tới, Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần khẩn trương nghiên cứu và triển khai áp dụng các mô hình phục hồi cho người nghiện như mô hình Matrix vào công tác cai nghiện phục hồi ở Viêt Nam, bên cạnh việc thúc đẩy triển khai áp dụng mô hình TC.

Mặt khác việc đưa các yếu tố tôn giáo, tâm linh vào quá trình phục hồi cho người nghiện ma túy như trong mô hình Jirasa ở Thái Lan là một cách làm hay và có thể áp dụng tại Việt Nam. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có các nghiên cứu sâu và có thể triển khai thí điểm mô hình này ở một số địa phương có tỷ lệ tương đối lớn người nghiện ma túy là người theo đạo Phật, đạo Thiên chúa...

Thái Lan có hiện có hàng ngàn cơ sở cai nghiện nhưng cũng không có một trường đại học hay học viện nào chuyên đào tạo cán bộ cai nghiện trong khi yêu cầu về trình độ, năng lực của người làm công tác này đòi hòi phải được đào tạo, huấn luyện bài bản. Cách làm của nước bạn là sử dụng một số bệnh viện lớn chuyên làm công tác cai nghiện hoặc có khoa về cai nghiện để vừa tổ chức cai nghiện vừa làm nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cán bộ cai nghiện cấp cơ sở cũng như của các ngành quân đội, công an, nội vụ... về mặt chuyên môn điều trị và phục hồi cho người nghiện ma túy. Đây là một cách làm có thể áp dụng tại Việt Nam.

Về công tác giám sát sau cai nghiện, ở Việt Nam hiện nay trách nhiệm giám sát, hỗ trợ sau cai nghiện chủ yếu thuộc chính quyền cơ sở nơi người sau cai nghiện cư trú. Tại Thái Lan, trách nhiệm này thuộc về cơ sở cai nghiện. Lý giải về vấn đề này, Thái Lan cho rằng cán bộ cơ sở cai nghiện, với chuyên môn của mình là người nắm rõ nhân thân của người sau cai nghiện, mức độ phục hồi của người nghiện, tâm tư tình cảm của người nghiện... vì thế sẽ có khả năng nắm bắt tình hình và đáp ứng nhu cầu của người sau cai nghiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Tất nhiên, trong quá trình giám sát, hỗ trợ sau cai nghiện sẽ có sự tham gia của chính quyền cơ sở.

 

Lê Hiền - Ánh Tuyết (sưu tầm)

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]