Điều trị nghiện ma tuý tại Thái Lan - Kỳ 1: Kinh nghiệm phòng, chống ma tuý tại Thái Lan
04/03/2015 Lượt xem: 1293 In bài viếtPhòng chống ma túy đang là vấn đề nổi cộm ở Thái Lan nói riêng và cũng là vấn đề quan trọng của các nước ở Đông Nam Á nói chung. Theo số liệu ước tính, ở Thái Lan hiện có gần 2 triệu người có liên quan đến sử dụng ma túy trên tổng số 60 triệu dân. Gần 91% người nghiện là nam giới; 24,1% có độ tuổi từ 20-24; 23,1% có độ tuổi từ 15-19. Trong đó, khoảng 60% người nghiện là những người thất nghiệp và làm công nhật.
Trong tổng số những người sử dụng ma túy bất hợp
pháp có hồ sơ quản lý tại Thái Lan, thì 61,9% là người lạm dụng ma túy, 35,5% là
người nghiện ma túy và 2,5% là người nghiện nặng. Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ
nhưng người nghiện nặng đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề phức tạp đang làm
đau đầu các cơ quan kiểm soát ma túy tại Thái Lan
Ma túy tổng hợp Methamphetamine đang là loại ma túy được sử dụng phổ biến tại
Thái Lan và có xu hướng ngày càng tăng lên. 80,7% người nghiện sử dụng ma túy
này; 6,8% sử dụng cần sa, 5,4% sử dụng các chất dung môi bay hơi (như keo dán,
keo xịt…), 2,3% sử dụng thuốc phiện, 1,3% sử dụng heroin và 1,3% sử dụng các
loại ma túy khác. Methamphetamine được dùng dưới dạng thuốc viên, dạng bột mà ở
Việt Nam gọi là hồng phiến hoặc dưới dạng tinh thể là ice - ma túy đá.
Thái Lan không có nơi sản xuất ma túy, phần lớn ma túy được sản xuất ở các nước
xung quanh Thái Lan và các nước xa Thái Lan. Ma tuý được vận chuyển vào Thái Lan
chủ yếu qua con đường phía Bắc, Đông Bắc, qua đường bộ, đường biển, đường hàng
không. Ma túy được cất giấu dưới nhiều hình thức: đóng hộp như thực phẩm, mỹ
phẩm, giấu trong nguyên liệu nông nghiệp, phương tiện vận chuyển, quần áo, điện
thoại hoặc cho vào bao cao su nuốt vào trong người... Sau khi vận chuyển vào
Thái Lan, họ dùng người dân tộc thiểu số để vận chuyển sâu vào trong nội địa như
người Dao, Mông, người A chà, Liso, Lahu…
Trong năm 2014, Công an Thái Lan đã bắt được nhiều vụ buôn bán ma túy lên đến 1
triệu viên hồng phiến. Ngay tại cửa khẩu biên giới, trong nội địa, số vụ buôn
bán ma túy bị bắt từ 10.000 viên đến 1 triệu viên rải rác khắp nơi. Theo số liệu
thống kê, số vụ bắt giữ về ma túy có chiều hướng tăng dần qua các năm cụ thể năm
2013 là 250.000 vụ, năm 2014 tính đến thời điểm hiện tại là 60.000 vụ. 80% số tù
nhân bị bắt là tội phạm ma túy.
Để ngăn chặn việc vận chuyển ma túy, Thái Lan đã tăng cường thêm một loạt các
biện pháp như lập trạm kiểm soát cơ động ở biên giới, tổ chức các lớp tập huấn
đào tạo về bắt giữ các vụ buôn bán ma túy, thực hiện tuyên truyền giáo dục,
thành lập các đội đặc nhiệm ở sân bay bao gồm đại diện của Ủy ban Kiểm soát ma
túy Vương quốc Thái Lan, Công an, Hải quan, Ủy ban Phòng chống rửa tiền, Ủy ban
Kiểm soát các loại thực phẩm, thuốc và hợp tác với các nước khu vực ASEAN; kết
hợp sửa đổi Luật, điều Luật cho phù hợp với tình hình hiện tại, tạo điều kiện
thuận lợi cho cán bộ phòng chống ma túy thuận lợi hơn.
Hiện, Nhà nước Thái Lan đưa ra 4 chiến lược để phòng chống ma túy gồm: Chiến
lược giảm cầu sử dụng ma túy; Chiến lược về bắt giữ tội phạm ma túy; Chiến lược
về điều trị; Chiến lược quản lý và điều hành.
Trong chiến lược điều trị, Thái Lan đặt ra mục tiêu là làm thế nào người sử dụng
ma túy được điều trị đặc biệt là điều trị tự nguyện, được chăm sóc và phục hồi
nhân phẩm, giúp đỡ sau khi ra khỏi trại. Một vấn đề quan trọng của chiến lược
này là người nghiện ma túy được coi là người bệnh, là bệnh kinh niên, nghĩa là
cai rồi vẫn có thể nghiện trở lại.
Năm 2013, Thái Lan đặt mục tiêu là 400.000 người nghiện được điều trị, kết quả
là đã có 484.610 người được điều trị đạt tỷ lệ 121,15%; trong đó, số điều trị tự
nguyện mục tiêu là 330.000 người, kết quả là đã có 287.759 người cai tự nguyện.
Năm 2014, mục tiêu là 300.000 người kết quả đến thời điểm hiện tại đã có 206.685
người, đạt tỷ lệ 68,9 %, trong đó số cai tự nguyện là 69.334 người, đạt 34,14 %
so với mục tiêu đã đề ra.
Thái Lan đặc biệt coi trọng vấn đề cai nguyện tự nguyện. Do đó, để khuyến khích
những người nghiện tham gia vào việc điều trị tự nguyện thì Chính phủ đã đưa ra
chính sách là sẽ không ghi vào trong lý lịch tư pháp là người từng sử dụng ma
túy nếu họ tự nguyện đi cai, trong trường hợp bị bắt buộc phải cai cũng vẫn tạo
cơ hội cho họ chuyển sang cai tự nghiện.
Hệ thống điều trị cai nghiện tại Thái lan cũng tương đối rộng mở. Việc điều trị
sử dụng hệ thống y tế do Nhà nước quản lý và hệ thống tư nhân, tuy nhiên, dù là
điều trị ở hệ thống nào thì những cơ sở này vẫn phải tuân theo chuẩn do quốc gia
quy định. Viện Thanyarak - Bangkok là đơn vị nghiên cứu ban hành phương pháp
điều trị chuẩn sau đó sẽ chuyển cho các bệnh viện khác để thực hiện như bệnh
viện tỉnh, các trạm y tế, trạm vệ sinh phòng bệnh…
Sau quá trình điều trị, người nghiện vẫn tiếp tục được theo dõi và hỗ trợ trong
thời gian ít nhất là một năm dưới hình thức gửi thư, gọi điện, tư vấn…. Tại mỗi
tỉnh sẽ có một trung tâm dữ liệu để tổng hợp các thông tin về người nghiện, qua
đó, Chính phủ có thể nắm được số lượng người nghiện ở từng khu vực, tình hình
điều trị và phục hồi để từ đó có sự điều chỉnh về ngân sách, kế hoạch hỗ trợ họ
để tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, Thái Lan cũng đặt mục tiêu phải có sự phối hợp của các Bộ, ban ngành
cùng tham gia vào công tác phòng chống ma túy đặc biệt là việc hỗ trợ người
nghiện trở về với cuộc sống sau cai hòa nhập với cộng đồng. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ
trong công tác điều trị, Bộ Giáo dục hỗ trợ về vấn đề học tập, hướng nghiệp, Bộ
Lao động giúp đỡ trong vấn đề việc làm….
Phát huy sức mạnh của cộng đồng, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp cũng
là chiến lược quan trọng của Thái Lan. Cụ thể là Chính phủ đã phát động Phong
trào toàn dân phòng chống ma túy với bốn mục tiêu chính bao gồm: người nghiện
được điều trị; sự hợp tác với các nước láng giềng về phòng chống ma túy và sử
dụng các loại tiền chất; đa dạng hóa các hình thức cai nghiện; chú trọng vấn đề
chăm sóc hỗ trợ sau cai.
Lê Hiền - Ánh Tuyết (sưu tầm)
Nguồn tiengchuong.vn
[TT: TBC]