Điều trị nghiện ma tuý tại Thái Lan - Kỳ 2: Kinh nghiệm và những mô hình hiệu quả
04/03/2015 Lượt xem: 1045 In bài viết
Hình thức cai nghiện tự nguyện là hình thức áp dụng
cho những người tự nguyện đi cai nghiện trước khi bị bắt.
Hình thức cai nghiện bắt buộc là hình thức cai nghiện áp dụng cho những đối
tượng bị công an bắt giữ và khi đó trong người họ đang có ma túy với khối lượng
giới hạn như không quá 5 viên hoặc 500 mg Methamphetamine/Amphetamine.
Hình thức phạm tội sẽ áp dụng trong trường hợp đối tượng bị bắt giữ như hình
thức cai nghiện bắt buộc lại phạm thêm tội nào đó như trộm cắp…
Thái Lan hiện có hàng ngàn cơ sở cai nghiện trên khắp cả nước, với người cai tự
nguyện, họ có thể tham gia vào các khóa điều trị tại các bệnh viện tuyến trung
ương, tỉnh, huyện và các trung tâm cai nghiện do Chính phủ quản lý và các cơ sở
tư nhân. Có 11.464 cơ sở cai nghiện dành cho các đối tượng tự nguyện. Với người
cai nghiện bắt buộc, họ sẽ được đưa vào các trung tâm cai nghiện tập trung và
không tập trung. Có 1.179 trung tâm như vậy ở Thái Lan (trong đó 85 trung tâm
tập trung và 1.094 trung tâm không tập trung). Với tội phạm thì các cơ sở giáo
dưỡng, nhà tù sẽ là nơi quản lý và điều trị cho họ.
Nhưng dù thuộc đối tượng nào, được điều trị ở đâu thì những người nghiện vẫn sẽ
được điều trị theo quy trình cai nghiện chuẩn quốc gia.
Quy trình này bao gồm 4 bước:
Bước 1: Chuẩn bị điều trị. Đây là bước sàng lọc phân loại để xác định người
nghiện là người mới sử dụng, sử dụng ít, nghiện, nghiện nặng hay người nghiện
không thể cai để từ đó có thể xác định hệ thống cai nghiện cho phù hợp.
Với người mới sử dụng, các cán bộ y tế, chuyên gia tâm lý trong các bệnh viện,
các điểm cai nghiện trong cộng đồng sẽ đưa ra lời khuyên, tư vấn để họ thấy được
tác hại của ma túy và từ bỏ. Hình thức trao đổi như vậy khiến người tham gia
điều trị thấy nhẹ nhàng, không tạo cảm giác đang tham gia vào quá trình điều trị.
Với người nghiện không thể cai được thì có thể cho họ dùng Methadone thay thế.
Bước 2: Điều trị bằng thuốc; thực hiện tẩy độc (cắt cơn).
Bước 3: Phục hồi bao gồm phục hồi cả về thể chất và tinh thần; thực hiện các
hoạt động dạy nghề, hướng nghiệp cho người nghiện. Đây là hình thức giúp người
nghiện không tái nghiện và có thể trở về với cộng đồng.
Bước 4: Giám sát, chăm sóc sau cai.
Hiện nay có 5 mô hình phục hồi cho người nghiện ma túy cơ bản đang được triển
khai tại Thái Lan, gồm: Mô hình Matrix, mô hình Jirasa, mô hình Cộng đồng trị
liệu, mô hình FAST và mô hình Care.
+ Mô hình Matrix: Áp dụng theo mô hình Matrix của Hoa kỳ. Theo mô hình này, sau
khi giải độc ma túy, người nghiện sẽ tham gia một chương trình phục hồi kéo dài
trong 16 tuần với các khóa tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm về các kỹ năng phục hồi
cơ bản, các kỹ năng phòng ngừa tái nghiện, các buổi giáo dục tư vấn dành cho
người đối ngẫu, gia đình người nghiện, các hỗ trợ về xã hội kết hợp với thử nước
tiểu tìm chất ma túy. Mô hình này được thực hiện với những bệnh nhân nghiện cần
sa, các loại ma túy tổng hợp, cả bệnh nhân tự nguyện và bệnh nhân bắt buộc.
+ Mô hình Jirasa: Được phát triển dựa trên các nguyên lý phục hồi về tâm lý xã
hội ứng dụng cho phù hợp với đặc điểm văn hóa của Thái Lan, kết hợp với việc dạy
các giáo lý đạo Phật cho người nghiện ma túy. Bên cạnh đó, các cán bộ y tế, giáo
dục, các chức sắc của đạo Phật cũng được vận động và tập huấn để tham gia thực
hiện việc phục hồi cho người nghiện theo mô hình này.
+ Mô hình Cộng đồng trị liệu (TC): Thực hiện theo nguyên mẫu mô hình cộng đồng
trị liệu tại Hoa Kỳ, mô hình TC tại Thái Lan kéo dài 1-2 năm và thực hiện theo 3
nguyên lý: tạo môi trường gia đình giữa những người nghiện tham gia chương trình,
sử dụng áp lực tích cực của bạn bè và sử dụng các gương điển hình (hình mẫu) cho
người nghiện noi theo. Các hoạt động của mô hình TC được thực hiện theo 4 nhóm;
đó là các hoạt động quản lý và sửa đổi hành vi, các hoạt động phục hồi về tâm lý
và tình cảm, các hoạt động mang yếu tố tâm linh và các hoạt động về dạy nghề -
hướng nghiệp.
+ Mô hình FAST: Đây là một mô hình TC cải biên với 4 thành phần chính, gồm Gia
đình (F- Family); các hoạt động điều trị thay thế (A-Alternative Treatment
Activities); Tự giúp đỡ (S - self help) và Cộng đồng trị liệu (T - Theraputic
Community). Mô hình này được chia làm 3 hình thức: ngắn hạn (4-6 tháng); trung
hạn (6-8 tháng) và dài hạn (8-12 tháng).
+ Mô hình Care (CARE Model): Là một mô hình cai nghiện được vận dụng từ mô hình
Cộng đồng trị liệu cho phù hợp với điều kiện quản thúc phạm nhân trong nhà tù và
thành lập “Nhà tình thương” để chữa trị cho các phạm nhân nữ nghiện ma túy trong
nhà tù.
Với mục tiêu là thay đổi quan niệm, hành vi của người nghiện để giảm ma túy và
từ bỏ, nâng cao chất lượng cuộc sống và trở về hòa nhập cộng đồng, vì vậy, mô
hình này chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng tư tưởng đạo đức,
sinh hoạt tập thể để cùng chia sẻ, dạy cho học viên các kỹ năng xã hội. Sau khi
cai nghiện, học viên sẽ được hướng nghiệp, học nghề.
Hiện nay, ở Thái Lan, chi phí cai nghiện nhìn chung do nhà nước chi. Ví dụ, điều
trị ngoại trú là 2.500 bath (khoảng 80 USD)/đợt, nội trú 10.000 bath (hơn 300
USD)/đợt. Thời gian mỗi đợt tối đa là 4 tháng. Các cơ sở tư nhân làm dịch vụ này
được thu phí. Nếu bệnh viện làm dịch vụ thì thu phí của người cai khoảng 700-800
USD/đợt. Gia đình có thể đóng thêm tiền cho bệnh nhân ăn uống, mua thuốc chữa
bệnh.
Tuy nhiên, đến nay, Thái Lan cũng chưa có hệ thống đánh giá chuẩn xác kết quả
cai nghiện. Khi cần đánh giá, Ủy ban Kiểm soát ma túy Vương quốc Thái Lan (ONCB)
sẽ thuê tổ chức và cán bộ khoa học ở ngoài đánh giá. Do vậy, không có con số
tổng thể. Ví dụ, mỗi năm cai nghiện cho mấy trăm nghìn người nhưng chỉ đánh giá
được khoảng 100.000 người và có khoảng 3% tái nghiện vào thời điểm đánh giá. Và
có khoảng 30% số tái nghiện quay lại cai nghiện của các cơ sở. Hiện nay, Thái
Lan cũng đang nghiên cứu thí điểm quản lý sau cai như Việt Nam.
Hiện tại, các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đã làm việc với ONCB về cai nghiện
tập trung. Thái Lan đã giải thích cho họ quy trình cai nghiện, không quá cứng
rắn, cưỡng bức lao động mà theo phác đồ của Bộ Y tế. Đồng thời, Thái Lan đang
thay đổi, theo dõi sau cai nhiều hơn.
Lê Hiền - Ánh Tuyết (sưu tầm)
Nguồn tiengchuong.vn
[TT: TBC]