Myanmar "tấn công" cây thuốc phiện

14/04/2015 Lượt xem: 1149 In bài viết

Những con đường chạy sâu vào những cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn trên những sườn đồi ở bang Shan, miền nam Myanmar. Tuy nhiên, tại một số khu vực, cà-phê và cao su đang mọc lên như nấm. Đây là nỗ lực của LHQ nhằm hướng nông dân khỏi việc sản xuất thuốc phiện và chuyển sang trồng những loại cây trồng bền vững và thu nhập ổn định.

Sau khi quân đội Pa'O ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ năm 1997, hoạt động trồng thuốc phiện bùng nổ tại 3 thị trấn miền núi, cùng với các khu vực xung quanh. Gần đây, nhiều khu vực rộng lớn trở thành mục tiêu của dự án phát triển thay thế của Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC), nhằm đưa các dự án nông nghiệp thành công ở Nam Mỹ thay thế các loại cây ma túy đang lây lan nhanh chóng.

Cần thiết phải thay thế

Sức quyến rũ của cây thuốc phiện nằm ở khả năng kiếm tiền của nó; một héc-ta đất có thể thu hoạch được 15kg thuốc phiện, mỗi ki-lô-gam có giá lên đến 500 USD.

Tuy nhiên, việc trồng cây thuốc phiện khiến sườn đồi bị xói mòn, thoái hóa đất, và một số khu vực gần như bị sa mạc hóa. Theo ước tính của UNODC, năng suất cây thuốc phiện giảm mỗi năm, xuống mức 6 kg/ha. Ngoài ra, chính phủ Myanmar muốn thực hiện cam kết loại trừ ma túy trước cộng đồng quốc tế, do đó họ tìm cách phá hủy các trang trại thuốc phiện. Điều này, cùng mưa lớn trong thời gian thu hoạch, khiến nông dân mất mát lớn. Tiếp xúc liên tục với thuốc phiện cũng làm tăng nguy cơ nghiện ma túy.

Chuyển hướng từ sản xuất thuốc phiện sang các loại cây công nghiệp có thể ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân trong ngắn và trung hạn, vì vậy đậu và chuối được trồng xen kẽ để cung cấp thức ăn cho người dân. Nông dân ở các vùng đồi sẵn sàng sử dụng một phần đất đai để trồng cà-phê, và những người ở vùng thấp hơn được phân đất.

Tìm kiếm thị trường thế giới

Mức tiêu thụ cà-phê của Myanmar không lớn, đặc biệt là đối với những loại cà-phê cao cấp mà UNODC đang dạy các nông dân sản xuất. Theo báo cáo của Tổ chức Cà-phê quốc tế, tiêu thụ cà- phê bình quân đầu người của Myanmar chỉ 0,3 kg/năm, chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/12 của Nhật Bản. Nhưng với sự nổi lên của tầng lớp trung lưu Myanmar và sự tăng lên của du khách nước ngoài, nhu cầu sẽ tăng lên.

Hy vọng dường như được nhắm vào Trung Quốc, thị trường cà-phê ngày càng phát triển và nhu cầu cao su dùng trong công nghiệp cũng tăng lên. Tại cuộc họp giữa UNODC và những nông dân tham gia dự án, người dân địa phương bày tỏ lạc quan và niềm tự hào về cây công nghiệp mới này, nhưng cũng đặt ra những câu hỏi cấp bách về thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, họ tin vào các chuyên gia nước ngoài, những người sẽ giúp họ tìm kiếm thị trường tiêu thụ vào thời điểm thu hoạch. Phải mất nhiều năm nữa cây cà-phê mới cho hạt thu hoạch, và cao su có thể còn lâu hơn. Dự án chỉ mới bắt đầu và nông dân chưa thấy được lợi nhuận từ công việc. Do đó, nhiều người tiếp tục trồng thuốc phiện kiếm thu nhập trước khi cây cà-phê lớn.

Nhưng dự án vẫn đang được mở rộng nhanh chóng, với việc giới thiệu các dự án trồng rừng cũng như cải tiến đường giao thông. Tất cả vì mục tiêu lâu dài, với tham vọng chứng minh cho cộng đồng địa phương rằng, cà-phê là nguồn sinh kế lâu dài hơn so với thuốc phiện.

 

An Bình

Nguồn cand.com.vn

[TT: TBC]