Phòng, chống ma túy ở Campuchia

09/07/2014 Lượt xem: 953 In bài viết

Ma túy được vận chuyển trái phép vào Campuchia theo cả ba tuyến: đường bộ, đường hàng không và đường biển. Trên toàn tuyến biên giới đường bộ, khu vực biên giới phía Đông Bắc được coi là điểm nóng nhất. Tại tuyến này, phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy tổng hợp dạng viên, dạng tinh thể (methamphetamine dạng viên, ma túy tổng hợp dạng “đá”), heroin từ khu vực “Tam giác vàng” qua biên giới Campuchia – Lào vào nội địa. Tuyến đường hàng không quốc tế trong một số năm gần đây đang được các băng nhóm tội phạm ma túy quốc tế triệt để khai thác để vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Campuchia. Tuyến đường biển quốc tế, tập trung tại hai cảng lớn của Campuchia là Sihanúc Vine và Cảng biển Phnông Pênh phát hiện tội phạm vận chuyển hàng tấn tiền chất và nhiều dụng cụ để điều chế các loại ma túy.

Do lợi nhuận béo bở từ hoạt động phạm tội ma túy đem lại, lợi dụng một số hạn chế trong công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy và sự thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật, tội phạm ma túy đang có kế hoạch tổ chức sản xuất ma túy ngay trên lãnh thổ Campuchia. Tuy không còn phát hiện những cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp với quy mô cực lớn như giai đoạn trước năm 2009 nhưng năm 2012, lực lượng thi hành pháp luật của Campuchia vẫn còn phát hiện và triệt xóa một số vụ sản xuất trái phép ma túy, thu giữ các dụng cụ thủ công và máy móc tinh xảo. Các bằng chứng thu thập được cho thấy, tội phạm ma túy chưa từ bỏ ý định tổ chức sản xuất ma túy trên quy mô lớn. Tiền chất được sử dụng trong quá trình sản xuất chủ yếu vẫn là dầu Safrole là loại tiền chất rất khó kiểm soát ở khu vực rừng núi thuộc địa bàn biên giới Por Sat, Koh Kong và Battambang.

Trước thực trạng diễn biến tình hình ma túy tại Campuchia, Chính phủ Hoàng gia Campuchia mà cụ thể là Ủy ban Kiểm soát ma túy Campuchia đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó hoạt động phòng ngừa lạm dụng ma túy đã có sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội, tôn giáo. Nhiều cuộc ra quân, diễu hành đã diễn ra trong dịp hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống ma túy 26/6”. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy cũng đạt kết quả khả quan. Trong năm, các lực lượng đã triệt xóa 818 vụ, bắt 1.788 đối tượng, trong đó có 42 vụ đặc biệt nghiêm trọng, bắt 102 đối tượng phạm tội, thu 81 kg ma túy và 51 tấn tiền chất cùng nhiều phương tiện sản xuất các chất ma túy. Hoạt động kiểm soát tiền chất được các bộ: Công nghiệp, Quản lý mỏ, Năng lượng, Y tế thường xuyên phối hợp chỉ đạo và thực hiện việc giám sát trong suốt quá trình xuất, nhập và sử dụng các loại tiền chất. Hoạt động điều trị nghiện ma túy có sự kết hợp giữa việc điều trị nghiện dựa vào cộng đồng và điều trị cai nghiện tập trung. Hình thức cai nghiện dựa vào cộng đồng đã đáp ứng nhu cầu điều trị cho 1.292 người nghiện (1.085 người nghiện các loại ma túy tổng hợp). Trong đó có cả dịch vụ điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Mạng lưới điều trị dựa vào cộng đồng tiếp tục được mở rộng và đã có mối quan hệ chuyển gửi tới 323 bệnh viện hoặc trung tâm y tế trong cả nước. Hình thức điều trị cai nghiện tập trung chủ yếu dựa vào 7 cơ sở điều trị do nhà nước quản lý, hiện đang quản lý và tổ chức điều trị cho 2.553 người nghiện. Trong đó, có 1.162 người vừa kết hợp nội trú với hoạt động tái hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, hình thức cai nghiện tập trung cũng đang bộ lộ một số nhược điểm như hiệu quả không cao, tỷ lệ thành công thấp. Trong quá trình điều trị đã có 113 đối tượng bỏ điều trị hoặc tái nghiện. Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị do tư nhân quản lý hiện đang tổ chức cai nghiện cho 667 người nghiện.

Hoạt động giảm tác hại liên quan đến ma túy gần đây thu hút sự quan tâm của xã hội với sự tham gia tích cực từ phía các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức này chủ yếu điều hàng các dự án liên quan đến hoạt động tiếp cận cộng đồng, cung cấp bơm kim tiêm hoặc điều trị thay thế bằng methadone.

Là quốc gia thành viên của 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc, Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đặc biệt là Ủy ban quốc gia kiểm soát ma túy của Campuchia đã triển khai có hiệu quả 3 Công ước đồng thời kết hợp việc triển khai các hiệp định song phương và đa phương với các nước. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước về lĩnh vực phòng, chống ma túy. Chính quyền các địa phương dọc biên giới với Việt Nam đã tích cực hợp tác với các tỉnh phía Việt Nam trong trao đổi thông tin và phối hợp điều tra truy bắt nhiều vụ vận chuyển ma túy qua biên giới hai nước.

Trong thời gian tới, Ủy ban Kiểm soát ma túy của Campuchia tập trung chỉ đạo thực hiện một số định hướng lớn, gồm:

- Khuyến khích các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống ma túy nhằm vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao và động viên mọi nguồn lực và sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác phòng ngừa ma túy, đồng thời tiến hành các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nòng cốt để tạo một mạng lưới tuyên truyền viên rộng khắp đất nước.

- Tiếp tục nâng cao năng lực cho các chương trình điều trị dựa vào cộng đồng, các cơ sở cai nghiện tập trung để việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ngày càng có hiệu quả hơn.

- Tập trung các biện pháp nhằm ngăn chặn âm mưu tổ chức sản xuất bất hợp pháp ma túy trên lãnh thổ Campuchia; tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng phòng, chống ma túy nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn các hoạt động phạm tội về ma túy.

- Tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy với các nước, chú trọng đến mối quan hệ với các nước có chung đường biên giới, cụ thể là phát huy vai trò của các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO).

 

Nguồn phongchongmatuy.com

[TT: TBC]