Kiểm soát tiền chất: Kinh nghiệm từ Thái Lan
25/06/2014 Lượt xem: 722 In bài viếtThái Lan được Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) và các quốc gia đối tác đánh giá là quốc gia có kinh nghiệm trong công tác quản lý và kiểm soát tiền chất, từ hệ thống luật pháp, cơ cấu tổ chức, hệ thống cấp phép và giám sát đến quan hệ đối tác với các doanh nghiệp hóa chất.
Trong 4 năm trở lại đây, ma túy tổng hợp trở thành
một trong ba loại ma túy “chuộng” hàng đầu ở hầu hết các nước trong khu vực Đông
Á và Đông Nam Á, ước tính có khoảng gần 9 triệu người sử dụng các
loại ma túy tổng hợp ở khu vực này, chiếm 25% tổng số người sử dụng ma
túy tổng hợp của thế giới. Việc quản lý và kiểm soát đối với loại ma túy
này không phải là đơn giản.
Kinh nghiệm trong hệ thống luật pháp và cơ cấu tổ chức
Thái Lan có 5 luật chính liên quan đến kiểm soát tiền chất: Luật thương mại (năm
1952); Luật về các chất hướng thần (năm 1975); Luật về kiểm soát các chất ma túy
(năm 1979); Luật về các chất nguy hiểm (năm 1979); Luật xuất nhập khẩu (năm
1979). Ngay từ năm 1979, trước khi có sự ra đời của Công ước quốc tế của Liên
Hợp Quốc năm 1988 về chống vận chuyển trái phép các chất ma tuý và chất hướng
thần, Luật về kiểm soát các chất ma tuý của Thái Lan đã quy định về việc quản lý
15 hoá chất được dùng để sản xuất ma tuý bất hợp pháp, như Acetic anhydride,
Acetyl acid, Piperonal và Safrole.
Đến nay, qua nhiều lần điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng với tình hình thực tế,
ngoài 23 tiền chất trong bảng 1 và 2 của Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc năm
1988, Chính phủ Thái Lan còn quản lý và kiểm soát thêm 8 tiền chất nữa: Acetyl
chloride, Chloroform, Ethylidine diacetate, Glacial acetic acid, Phosphorus
tricloride, Phosphorus pentachloride, Thionyl chloride, Caffein. Trên cơ sở vai
trò quan trọng của các chất này trong sản xuất ma túy bất hợp pháp, Chính phủ
Thái Lan đã giao cho 3 bộ: Thương mại, Công nghiệp và Y tế quản lý theo 3 cấp độ
khác nhau: kiểm soát rất chặt chẽ, chặt chẽ và bình thường.
Tiểu ban kiểm soát tiền chất thuộc Ủy ban kiểm soát ma túy Thái Lan gồm 12 cơ
quan thành viên: Văn phòng Tổng thư ký Bộ Nội vụ ; Cục Nội thương, Bộ Thương mại;
Cục ngoại thương, Bộ Thương mại; Cục quản lý các hoạt động công nghiệp, Bộ Công
nghiệp; Cục quản lý dược và thực phẩm, Bộ Y tế; Cục khoa học y tế; Cơ quan quản
lý dược; Hải quan Hoàng gia, Bộ Tài chính; Cục cảnh sát phòng chống tội phạm ma
túy, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; Viện khoa học hình sự, Cảnh sát Hoàng gia Thái
Lan; và Văn phòng Ủy ban kiểm soát ma túy, Bộ Tư pháp. Tiểu ban chỉ đạo công tác
kiểm soát tiền chất trong nước và tiến hành các cuộc kiểm tra, thanh tra định kỳ
và bất ngờ các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến tiền chất.
Các cơ quan kiểm soát tiền chất ở Thái Lan được chia làm 3 nhóm chính: Nhóm hành
pháp: Đảm bảo kiến thức về luật pháp và các quy định về kiểm soát tiền chất, xác
định các loại tiền chất, các chất nguy hiểm và quan trọng để sản xuất ma túy. Có
kỹ thuật điều tra để kiểm tra, xác minh tính hợp pháp của loại giấy phép như
giấy phép xuất nhập khẩu, giấy phép vận tải, điều tra việc thất thóat tiền chất.
Nhóm các chuyên gia về hóa chất: Với các kiến thức khoa học về tiền chất và các
chất có kiểm soát. Họ cung cấp những kiến thức cần thiết cho các cơ quan hành
pháp về giám định các tiền chất và các chất có kiểm soát, kỹ thuật khám xét các
cơ sở sản xuất ma túy, kho chứa hóa chất... Nhóm về luật pháp: Hỗ trợ các cơ
quan hành pháp và nhóm chuyên gia hóa chất cập nhật các văn bản pháp luật. Trên
cơ sở tình hình ma túy thực tế, để nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật cần
thiết.
Đảm bảo cấp phép và giám sát chặt chẽ
Bộ Công nghiệp, Bộ Y tế và Bộ Thương mại là ba cơ quan cấp phép xuất nhập khẩu,
buôn bán và sử dụng 31 tiền chất theo quy định của pháp luật Thái Lan. Cục quản
lý dược và thực phẩm, Bộ Y tế cấp phép và quản lý 17 chất, trong đó có 12 chất
trong bảng 1, trừ Potassium Permanganate do Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại quản
lý. Bộ Công nghiệp quản lý 12 chất, 2 chất còn lại do Bộ Thương mại quản lý. Các
chất do Cục quản lý dược và thực phẩm, Bộ Y tế Thái Lan được chia thành 04 Bảng.
Bảng I là hoá chất độc hại cấm xuất, nhập khẩu, Bảng II do cơ quan của Cục quản
lý dược và thực phẩm trực tiếp nhập khẩu để phân phối cho các doanh nghiệp trong
nước sản xuất và cấp phép cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trực tiếp 8 loại
hoá chất thuộc bảng III và Bảng IV.
Việc cấp phép được làm theo trình tự rõ ràng. Đối với đối tượng lần đầu xin cấp
phép, họ phải đến trực tiếp cơ quan chức năng để trình diện, nhưng bắt đầu từ
lần thứ hai, họ có thể đăng ký xin cấp phép qua mạng. Trên cơ sở báo cáo của
chuyến hàng trước, cơ quan chức năng sẽ quyết định việc cấp phép. Do vậy việc
thời gian và nguồn nhân lực cho việc cấp phép được giảm xuống.
Một chuyến hàng tiền chất được quản lý, giám sát từ khi cấp phép cho đến nơi sử
dụng cuối cùng. Việc vận chuyển các chuyến hàng tiền chất được tiến hành với sự
giám sát của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, và đại diện của công ty kinh
doanh tiền chất. Những trường hợp ở xa, đại diện cơ quan đó tại địa phương có
trách nhiệm kiểm tra, thanh tra các hoạt động liên quan đến tiền chất ở địa
phương.
Nâng cao nhận thức về công tác kiểm soát tiền chất
Xác định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong công tác kiểm soát tiền
chất, Chính phủ Thái Lan đã thiết lập và duy trì mối quan hệ đối tác với các
doanh nghiệp dược, hoá chất và vận tải trong phòng ngừa thất thoát tiền chất từ
các hoạt động thương mại hợp pháp vào việc sản xuất ma tuý bất hợp pháp. Ngoài
ra, Chính phủ Thái Lan đã xây dựng các tài liệu như sổ tay, tờ rơi, poster... để
tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho những người làm công tác liên quan đến hoá
chất, tiền chất về các quy định pháp luật, cách nhận biết các hoá chất và các
dụng cụ sản xuất ma tuý... Nhờ vậy, nên nhận thức của các doanh nghiệp về tiền
chất được nâng cao. Họ thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, vừa giúp
phòng chống các hoạt động ma túy bất hợp pháp, vừa đảm bảo môi trường sản xuất
trong lành và nâng cao uy tín trong kinh doanh.
Nhà máy Rhodia Thai Industries LTD, Khu công nghiệp Bangpoo, tỉnh Samut Prakan
là nhà máy sản xuất thuốc Aspirine lớn nhất thế giới với công suất 4.000 tấn/
năm, từ nguyên liệu nhập khẩu là acetic anhydride. Đối với tiền chất này, nhà
máy có quy trình nghiêm ngặt theo dõi việc nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng hoá
chất cho sản xuất để phòng ngừa thất thoát. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm nhà
máy đều có báo cáo về việc sử dụng tiền chất cho Cục quản lý dược và thực phẩm,
Bộ Y tế Thái Lan. Do quy trình kiểm soát chặt chẽ và an ninh cho nhà máy được
bảo đảm, nên chưa bao giờ xảy ra tình trạng thất thóat tiền chất ở đây.
Đức Nguyễn
Nguồn tiengchuong.vn
[TT: TBC]