Về mặt sức khỏe, nghiện hêrôin cũng là một bệnh và khi mắc bệnh này thì dễ dẫn đến các bệnh khác. Người nghiện chán ăn dẫn đến gầy sút, sợ lạnh nên lười vệ sinh thân thể, dễ mắc các bệnh da liễu, lao và nhiễm khuẩn do tiêm chích không vô trùng. Những người này luôn có nguy cơ bị sốc do tiêm thuốc nhanh và quá liều. Nếu dùng chung bơm kim tiêm và tình dục không an toàn sẽ dễ bị lây truyền các bệnh hoa liễu, viêm gan B, C, HIV/AIDS.
Xét trên phương diện công việc và kinh tế, do phần lớn thời gian dành cho việc tìm kiếm và sử dụng hêrôin để thỏa mãn cơn nghiện, người nghiện luôn chểnh mảng với công việc và học tập, dẫn đến bị đuổi việc hoặc phải bỏ học dở dang. Người nghiện phải bán đồ đạc cá nhân, gia đình, lừa dối mọi người để có tiền mua ma túy sử dụng.
Ở góc độ gia đình, người nghiện hêrôin thường xuyên đi sớm về muộn, không hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Nhiều gia đình đã tan nát khi có chồng, con nghiện ngập.
Còn về mặt xã hội, nhiều người nghiện bằng mọi giá làm mọi việc để đủ tiền mua hêrôin, từ mại dâm, ăn cắp, trộm cướp đến tham gia các nhóm tội phạm, cướp giật, giết người, buôn bán ma túy. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến trật tự xã hội, làm hủy hoại nếp sống lành mạnh của cộng đồng.
Như vậy, xét ở tất cả mọi khía cạnh, hêrôin không những làm ảnh hưởng đến chính nhân cách, sức khỏe của người nghiện mà còn tác động tiêu cực đến gia đình, cộng đồng và tệ nạn này đang là gánh nặng cho toàn xã hội.
Báo Hà Nội mới