Vấn đề phòng chống ma túy trong học đường
08/08/2012 Lượt xem: 1788 In bài viết1. Ma túy là gì? Và có bao nhiêu loại đang lưu hành?Ma túy nếu tách ra từng từ “ma” và “túy” thì có nghĩa là “tê liệt” và “say sưa”. Nói một cách khác bất kỳ chất nào khi dùng nó, người sử dụng có trạng thái hưng phấn và bị lệ thuộc vào chúng hay còn gọi là “nghiện”, cuối cùng bị tê liệt ý chí, hủy hoại cơ thể, đó là ma túy. Tạm thời có thể chia ma túy thành 3 nhóm: - Ma túy thiên nhiên: Thuốc phiện, Cần sa (bồ đà) - Ma túy bán tổng hợp: Heroin - Ma túy tổng hợp (Hóa học): Ecstasy (thuốc lắc) Cùng với hàng trăm loại tân dược có khả năng gây nghiện nếu tùy tiện sử dụng (không có sự hướng dẫn của bác sĩ). Hiện không ít thanh thiếu niên (TTN) nghiện ma túy là tân dược: Morphine, Immenoctal, Seconal, Diazepam, Seduxen...
2. Nguyên nhân nào đưa các em TTN vào con đường nghiện ngập?
Tuổi TTN là độ tuổi có hai nhu cầu học và chơi rất lớn và luôn ở tâm trạng tìm tòi, khám phá để khẳng định mình trước bạn bè, do vậy những sinh hoạt trong nhóm bạn bè rất dễ tác động đến các em. Nếu được cha mẹ quan tâm hỗ trợ đúng mức, các em có điều kiện và cơ hội phát huy bản năng “tìm tòi – khám phá - tự khẳng định mình” trong môi trường học tập tốt. Nhu cầu chơi lúc này cũng tập trung trong việc phát triển trí lực, thể lực.
Ngược lại khi các em không còn tin gia đình là điểm tựa, sự hụt hẫng tình cảm này sẽ phá vỡ ước mơ với suy nghĩ vô tư trong sáng trẻ thơ. Điểm bị xâm hại đầu tiên là mất thăng bằng trong học tập → nguy cơ bỏ học xuất hiện → đi tìm nơi gởi gấm nương tựa → sẽ gặp bạn đồng cảm. Tất nhiên nhóm bạn này có chung những điểm tương đồng: ngại học tập – ưu tư - trầm uất - thiếu tự tin - sự gặp gỡ từ đồng cảm này khó tránh khỏi quan hệ tình dục sớm. Từ đây một chấn động (tinh thần) vừa và rất lớn xuất hiện. Nếu không ngăn chặn kịp thời các em dễ buông xuôi phó mặc và lao vào cuộc chơi với quỹ thời gian quá dư thừa. Các em rơi vào tầm ngắm của bọn xấu tình dục và ma túy với vô số ngõ ngách vồ lấy các em từ sự nông nổi buồn chán nhưng không chịu thua thiệt của các em. Giờ thì việc tìm tòi khẳng định chỉ là con đường sành điệu trong ăn chơi.
Những đồng cảm đáng ngại ấy là: - Hụt hẫng tình cảm đối với gia đình - Nhầm lẫn tình cảm với tình yêu → Quan hệ tình dục sớm → Hối hận, cảm giác tội lỗi → Không còn khả năng học tập → Bỏ - Trốn học. - Chạy trốn thực tại cuộc sống - Vội vã khẳng định mình. - Chịu ảnh hưởng nặng tư tưởng thực dụng từ thông tin lệch lạc của bạn bè, bị mê hoặc kiểu cách “sành điệu”. - Dễ thách thức xã hội, chống đối cha mẹ. 3. Vì sao sử dụng ma túy lại bị nghiện? - Nếu vô tình ăn uống, hút phải ma túy mà không biết thì không thể nghiện. Chỉ khi chính người dùng nó muốn biết cảm giác do ma túy tạo ra và chủ động sử dụng nhiều lần thì mới trở nên lệ thuộc vào ma túy, nói cách khác là đã nghiện. - Lệ thuộc ma túy (nghiện ma túy): có hai hướng cùng tác động trong con người nghiện: - Lệ thuộc về cơ thể (sinh học): không có ma túy sẽ trở nên bứt rứt khó chịu, uể oải, đau nhức. - Về tinh thần: trở nên trống vắng, buồn chán, bi quan, bên cạnh đó, dư hương sự hưng phấn, ảo ảnh đẹp về cảm giác ma túy luôn hiện về và thôi thức (mãnh liệt) phải đến với nó. 4. Dấu hiệu nào giúp nhận biết một người nghiện ma túy?
- Sa sút trong học tập nhanh chóng. Bài vở không ghi đầy đủ, sách tập trở nên bê bối khác thường, có hiện tượng ngăn cản phụ huynh liên lạc nhà trường. - Trầm tư – khi cáu gắt, bất cập vội vã, đặc biệt rất ngại khi bị kiểm tra vì không lý giải được việc sử dụng quỹ thời gian hàng ngày. - Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày có dấu hiệu biệt lập với người thân – không thiết tha với các loại hình sinh hoạt cộng đồng tập thể, mất hứng thú với thể thao, báo chí. - Ăn uống thất thường, hay về trễ sau 23 giờ, thường tìm kiếm đồ đạc sau khi đi về và thường lui tới những tụ điểm quán xá không dành cho học trò. Sáng dậy rất trễ, vệ sinh cá nhân lâu khác thường (do táo bón - tiểu gắt). Dần dần da mặt không còn trong sáng, hồng hào. Nhìn kỹ đồng tử (con ngươi) khi giãn to, khi teo nhỏ. - Xuất hiện một trong vài cố tật: cắn móng tay sát phao tay, cạo mặt thỉnh thoảng để lộ dấu cắt da, rái tay, nặn mụn, cầm một vật mân mê như không chủ định (các biểu hiện này sau khi đi về, đã no thuốc= “phê”).
5. Những tác hại do ma túy gây ra:
- Những biểu hiện trên (phần 5) là do di chứng ức chế hệ thần kinh gây ra sau khi sử dụng ma túy. - Ma túy trực tiếp tác động hệ thần kinh trung ương, nếu sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ, suy sụp ý chí, mất phương hướng, thậm chí bị rối loạn tâm thần. - Ma túy gây rối loạn hệ bài tiết, hệ tiêu hóa. - Ma túy khi vào trong máu sẽ có một phần không thải được tích tụ ở gan dẫn đến xơ gan, sưng lách, dễ bị teo tĩnh mạch. - Nguy cơ bệnh lây truyền qua đường tình dục khá cao, sử dụng lâu năm có thể bị liệt dương, vô sinh. 6. Việc chữa trị cho người nghiện như thế nào?
Trước hết, cần biết rằng người nghiện cùng lúc mang trong người ít nhất hai thứ bệnh: bệnh lệch lạc đạo đức, sa sút nhân cách, mất phương hướng trong cuộc sống và bệnh thèm nhớ cảm giác do ma túy tạo ra, còn cơ thể lệ thuộc chất gây nghiện chỉ là cái cớ để họ đi mãi trong vòng xoáy của ma túy. Do vậy, việc chữa trị cho người nghiện vừa phức tạp nhưng cũng vừa đơn giản: Phức tạp vì: - Đòi hỏi sự hợp tác toàn diện của người nghiện, bởi họ phải vượt qua chính họ trong khi họ rất yếu đuối dễ dãi cho chính mình - tự lừa dối mình, vừa thù ghét ma túy, vừa tôn thờ ma túy. - Họ không còn được sự nhìn nhận cuộc sống tích cực như bao người bình thường khác. - Họ bị tha hóa bởi nhóm bạn nghiện, môi trường tiếp xúc hàng ngày. - Họ vốn dĩ đã yếu đuối, sai lệch lại càng sa sút theo những năm tháng nghiện (vì khởi đầu tuổi nghiện thường 14 – 15 = lớp 6, lớp 7). - Việc chữa trị cho người nghiện cần chuyên biệt hóa, cá biệt trong thời gian dài, đây là giai đoạn tác động, hồi phục đạo đức, nhân cách. Trong khi đó tính kiên nhẫn, sức chịu đựng của họ không cao, chưa kể họ bị suy sụp đạo đức đáng kể. Đơn giản bởi: - Trên 95% người nghiện đều sợ và muốn bỏ ma túy. - Cắt cơn nghiện tương đối đơn giản nếu người nghiện và thân nhân họ đã sẵn sàng, có thể thực hiện tại gia đình mà người nghèo cũng có thể làm được dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc và nhà chuyên môn. - Cần lưu ý: cắt cơn nghiện nghĩa là giúp người nghiện thoát khỏi sự đói ma túy, khỏi cơn đau ma túy, thật ra chỉ là bước khởi đầu của quá trình cai nghiện. Bước tiếp sau cắt cơn nghiện, là giai đoạn tiếp tục điều trị duy trì để chống tái nghiện, giai đoạn này đòi hỏi người nghiện và người đứng ra điều trị phải thật quyết tâm, kiên nhẫn, tạm gọi là tiến trình tác động phục hồi tâm lý, điều chỉnh những suy nghĩ lệch lạc. Mục tiêu phải đạt được là làm cho người nghiện quên cảm giác của ma túy bằng việc thay thế bằng một đam mê mới lành mạnh, yêu thương cuộc sống này, gắn liền với thân nhân người nghiện và gia đình họ trên cơ sở năng lực họ có thể thực hành được qua việc đọc, học, chơi và làm việc. Đây là những việc làm đòi hỏi người tham gia có những kỹ năng chuyên môn về tư vấn tâm lý nhất định, và đây chính là những tác động “chống tái nghiện”. - Lưu ý khác: người nghiện có thể chủ quan và tái nghiện với suy nghĩ cai nghiện (cắt cơn) đơn giản và kích thích việc sử dụng lại ma túy, khi không muốn nữa thì cai vì cai dễ dàng không tốn kém, đây là suy nghĩ bệnh hoạn dễ xuất hiện trong cơn thèm nhớ ma túy.
7. Vậy chúng ta cần làm gì để các em tránh xa ma túy?
Ngoài việc cần lưu ý các tình huống đẩy trẻ đến với ma túy, gia đình và nhà trường cần lưu ý: - Trẻ TTN kể cả thành niên rất cần hơi ấm gia đình và những lời động viên, khuyến khích, chia sẻ cảm thông đối với trẻ để giúp trẻ thêm tự tin rằng mình có nơi nương tựa vững vàng. - Thầy cô, nhất là ba mẹ có thể làm tổn thương trẻ khi giáo dục áp đặt quá nhiều mà thiếu sự yểm trợ tinh thần. Ba mẹ thường cho rằng trẻ là sản phẩm của mình, mình có quyền đặt để. Nên cho trẻ cơ hội phát triển suy nghĩ, bộc lộ ước mơ, khó khăn với ba mẹ và thầy cô. - Giúp trẻ phát huy tính tranh đua học tập, và khả năng tự khẳng định mình bằng những hoạt động tích cực, độc lập, đồng thời âm thầm yểm trợ giám sát các em từ phía sau. - Ba mẹ nên có qui ước để các em rèn luyện, tránh chìu chuộng quá mức. Cần giúp các em có trách nhiệm với chính mình và gia đình, ví dụ các em đòi xe gắn máy đắt tiền, ba mẹ lại yêu cầu thi đậu sẽ mua, mà không cho các em thấy thi đậu là việc phải hoàn thành nghĩa vụ là con, học trò và không đi xe đắt tiền là hành vi tiết kiệm, đỡ đần ba mẹ, (tất nhiên ba mẹ phải gương mẫu). - Nên trang bị kiến thức về tình dục và ma túy cho các em trong dịp thuận lợi một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, không rao giảng. Giúp các em xử lý một số tình huống giả định thường xảy ra ở tuổi học trò về tình bạn, sự ngộ nhận, đổ vỡ, hụt hẫng...
Ykhoanet