Không được điều trị, virus HIV sẽ nhân lên đến 10 tỷ bản sao

09/11/2015 Lượt xem: 1985 In bài viết

95% tiền thuốc ARV từ nguồn viện trợ

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hiện có khoảng 100.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV (chiếm khoảng 40% tổng số người nhiễm HIV). Khoảng 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là được viện trợ từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Toàn cầu, PEPFAR, World Bank… 100% tiền thuốc methadone và 95% tiền thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) là từ viện trợ. Mỗi năm, số tiền chi trả cho thuốc khoảng 420 tỉ đồng, đa phần từ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế.

Trong năm 2015, nguồn ngân sách Nhà nước chi cho thuốc ARV đã tăng lên 60 tỉ đồng (so với các năm là 20 tỉ đồng) còn lại là được các tổ chức thế giới viện trợ. Tuy nhiên, theo lộ trình, từ tháng 4/2016, nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới, trong khi đó mỗi năm Việt Nam có khoảng 800 - 1.000 bệnh nhân nhiễm HIV mới phải điều trị bằng thuốc ARV. Đến hết năm 2017, khoản viện trợ này sẽ chấm dứt hoàn toàn, đồng nghĩa người bệnh sẽ phải tự bỏ chi phí điều trị nếu không có bảo hiểm y tế. Việc điều trị của người nhiễm HIV/AIDS vì thế sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thuốc ARV giúp ức chế sự nhân lên của HIV, do đó kìm hãm sự phát triển của virus, giảm nguy cơ chuyển sang AIDS và tử vong, bảo đảm sức khỏe. Nhờ dùng thuốc này, chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV được cải thiện, có khả năng lao động và làm việc như người bình thường. Theo ước tính của các chuyên gia, với việc mở rộng điều trị ARV, gần 150.000 người Việt Nam đã tránh được tử vong do AIDS trong giai đoạn 2001-2015.

Ngoài ra, điều trị bằng thuốc ARV còn giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Thuốc ARV kìm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp, do vậy làm giảm khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Điều trị bằng ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để đạt được những kết quả đó, TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, người nhiễm HIV bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị và duy trì điều trị thường xuyên, suốt đời. Nếu không tuân thủ nguyên tắc điều trị hay điều trị gián đoạn sẽ dẫn đến nguy cơ người nhiễm HIV chuyển sang AIDS.

Như vậy, khi thuốc điều trị hết miễn phí, không được uống thuốc đều đặn sẽ tạo ra những chủng HIV kháng thuốc, người bệnh sẽ phải mua thuốc ARV theo phác đồ bậc cao có giá thành cao gấp nhiều lần, rất tốn kém. Trong trường hợp không được điều trị, số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng sẽ tăng nhanh, dịch HIV/AIDS không còn chỉ tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như hiện nay mà sẽ lan nhanh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Dịch sẽ bùng phát nếu không được dự phòng

Cho ý kiến về nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi nguồn viện trợ cắt giảm, GS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, nếu không được dự phòng thì chắc chắn dịch sẽ bùng lên, bởi điều trị tốt tức là dự phòng tốt vì mỗi một ngày nếu bệnh nhân không được điều trị thì virus HIV sẽ nhân lên đến 10 tỷ bản sao, tức là lượng virus trong cơ thể rất lớn và nguy cơ lây từ người này sang người khác cũng rất lớn. Nếu được điều trị tốt, liên tục thì trong cơ thể bệnh nhân chỉ còn khoảng 1.000 bản sao, như vậy tỷ lệ lây lan rất thấp. Chính vì vậy, nếu không được điều trị thì nguy cơ thứ nhất là dịch sẽ bùng phát trở lại như năm 2005.

GS. Trịnh Quân Huấn cho biết: “Năm 2005, mỗi năm chúng ta phát hiện hơn 30.000 ca nhiễm mới, trong khi hiện nay chúng ta phát hiện khoảng hơn 10.000 mỗi năm, như vậy việc điều trị rất tốt. Nguy cơ thứ hai là số bệnh nhân do không được điều trị chết tăng rất nhanh, bởi không được điều trị nên nguy cơ chết do nhiễm trùng cơ hội do toàn bộ hệ thống miễn dịch cơ thể không còn đáp ứng được nữa. Vì vậy, trong số 100.000 bệnh nhân không được điều trị chắc chắn sẽ chết. Nguy cơ thứ 3 là nguy cơ kháng thuốc, vì điều trị lúc được lúc không. Việc điều trị lúc được lúc không thì lượng virus trong bệnh nhân sẽ kháng lại tất cả loại thuốc mà hiện nay việc tìm ra loại thuốc mới chưa có. Đấy là 3 nguy cơ mà chúng tôi nghĩ rằng nếu không được điều trị tốt”.

Sử dụng nguồn tài chính hiệu quả

Để giải quyết vấn đề về nguồn lực và ứng phó với dịch HIV/AIDS khi nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cắt giảm, từ góc độ cơ quan lập pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, việc đầu tiên cần làm là rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống HIV/AIDS và tính toán các lộ trình để thay đổi dần. Từ hướng nhận viện trợ ở chỗ khác để làm cái này thì bây giờ phải tăng nội lực của chính mình, tức là từ nguồn ngân sách quốc gia, sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội đối với công tác phòng, chống HIV.

Quốc hội đã có các văn bản pháp luật như ở kỳ họp thứ 3, Quốc hội XII năm 2008 đã có nghị quyết 18, trong đó đẩy mạnh chính sách pháp luật về xã hội hóa nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân, quy định trích 30% ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng.

Theo đánh giá ở địa phương, khảo sát vấn đề này thì chỉ có một vài tỉnh làm được điều này như Hải Phòng, TP.HCM, một số điểm nóng. Tuy nhiên, tập trung dự phòng này không hẳn nghiêng về HIV mà cho ma túy, cho các loại bệnh truyền nhiễm khác cho nên gần như các địa phương khác không tham gia được.

Quốc hội đã ủng hộ các cam kết của Chính phủ về các chỉ tiêu 90 -90 -90, nhưng cam kết thì hành động thể hiện bằng việc phân bổ tính toán ngân sách. Cho nên, hy vọng rằng Chính phủ sẽ trình cho phân bổ ngân sách năm 2016, được biết là Chính phủ đã rút 16 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại 2 chương trình là Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững. Như vậy, chương trình HIV/AIDS không còn là chương trình mục tiêu quốc gia nữa, nó thể hiện ở chỗ Chính phủ cam kết mạnh nhưng chương trình mục tiêu quốc gia đã rút đi và đưa thành chương trình mục tiêu của ngành y tế. Như vậy, ngân sách, nguồn lực phải là tính toán hàng đầu, nguồn từ ngân sách trung ương và địa phương phải cân đối phù hợp, tập trung vào đối tượng, tập trung vào vùng dịch quan trọng để chúng ta lựa những mục tiêu ưu tiên. Bên cạnh đó, phải tính toàn nguồn từ bảo hiểm y tế, căn bản là yếu tố quyết định giúp cho người nhiễm HIV tiếp cận tất cả các dịch vụ bảo đảm cho điều trị và giảm tác hại.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, thời gian sắp tới có thể nói là thời gian hết sức khó khăn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS. Một mặt, các nguồn việc trợ cắt giảm và sẽ kết thúc nhanh, mặt khác thì ngân sách trong nước cũng có thay đổi chủ trương của Chính phủ, Quốc hội, thế nên phòng chống AIDS ko còn được coi là một trong những mục tiêu quốc gia nữa, mà chỉ là một dự án thuộc chương trình mục tiêu về phòng, chống.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục cố gắng để duy trì, cũng như mở rộng hơn nữa các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, không chỉ duy trì ở mức hiện tại mà phải tăng cường hơn nữa. Đặc biệt, là các hoạt động liên quan đến dự phòng, giám sát dịch bệnh, phát hiện và tăng cường điều trị. Điều trị ở đây hết sức quan trọng, vừa là cứu sống người bệnh, vừa là dự phòng lây nhiễm cho người khác.

Bên cạnh đó, tăng cường lồng ghép, phân cấp, lồng ghép các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào trong hệ thống y tế sẵn có và phân cấp về địa phương, y tế cơ sở để giảm chi phí, tăng cường hiệu quả, đồng thời tăng khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ này.

“Việc cần làm trước mắt nữa là phải chuyển nhanh từ dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài sang sử dụng nguồn tài chính trong nước. Như Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong đã cho biết, có hai nguồn chính mà chúng tôi trông chờ, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước trong đó có ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đặc biệt nguồn thứ hai phải phát triển nhanh là bảo hiểm y tế, đây là vấn đề cốt yếu, đặc biệt với công tác điều trị. Trong thời gian sắp tới mà không mở được bảo hiểm y tế, nhà nước không có tiền đầu tư thì có thể nói là hết sức nguy hiểm, đại dịch có thể quay trở lại ngay”, TS. Nguyễn Hoàng Long nói.

Cuối cùng, cần tập trung vào những vùng, những địa bàn có dịch lớn, tỷ lệ dịch cao để chúng ta sử dụng hiệu quả nguồn tài chính để giảm giàn trải trong thời gian những năm tiếp theo.

 

Thùy Chi

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]