Phòng, chống tội phạm ma túy trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở Việt Nam

12/10/2015 Lượt xem: 2337 In bài viết

Đánh giá của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 - Bộ Công An) cho thấy, thời gian gần đây, hoạt động phạm tội về ma túy có chiều hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ thể hiện ở số vụ, số đối tượng phạm tội về ma túy và lượng ma túy thu giữ. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội về ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thường xuyên thay đổi nhằm trốn tránh pháp luật, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ để tẩu thoát, thậm chí tự sát để bịt đầu mối.

Tình hình mua bán, vận chuyển ma túy qua các tuyến biên giới đường bộ giữa Việt Nam với các nước láng giềng đặc biệt là tuyến biên giới Việt- Lào, Việt - Trung vẫn rất nóng bỏng. Bên cạnh đó, nhằm đối phó với các biện pháp kiểm soát gắt gao của cơ quan chức năng ở các khu vực biên giới, cửa khẩu, TPMT tìm cách điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp để tiêu thụ ngay trong nội địa. Hoạt động của các điểm, tụ điểm bán lẻ và tổ chức sử dụng ma túy có biểu hiện tái diễn và phức tạp trở lại tại một số địa phương và các thành phố lớn như: Hà Nội, Hà Nam, Yên Bái, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Thuận lợi đi kèm với khó khăn

Đại tá Phạm Trọng Điềm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 - Bộ Công An) cho biết, khi Việt Nam hội nhập quốc tế thì công tác phòng, chống tội phạm ma túy có những cơ hội thuận lợi để triển khai thực hiện như: có thể mở rộng các hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm ma túy (TPMT) từ bên ngoài; mở rộng công tác nắm tình hình chủ động phòng ngừa, tấn công, bóc gỡ triệt để các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Việt Nam có điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng chống TPMT. Nhất là việc nghiên cứu và tiếp thu ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, sử dụng các phương tiện hiện đại phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống với TPMT. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy có điều kiện nâng cao trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ, pháp luật và học tập trao đổi kinh nghiệm của các nước trong điều tra TPMT.

Tuy nhiên, hội nhập quốc tế cũng làm cho tình hình ma túy và TPMT ở nước ta phức tạp hơn. Hoạt động của TPMT tại các nước trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ tạo áp lực lớn và tác động trực tiếp đến tình hình TPMT ở Việt Nam. Việt Nam rất dễ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ 3.

Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, TPMT có tổ chức, yếu tố nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng và liên quan chặt chẽ với tội phạm rửa tiền, lợi dụng công nghệ cao, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại để liên lạc móc nối với nhau để hoạt động. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng hoặc lấy danh nghĩa phòng, chống ma túy để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây phức tạp về tình hình an ninh chính trị.

Các loại ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp (MTTH) dễ có điều kiện thâm nhập vào nước ta thông qua hợp tác đầu tư kinh tế, văn hóa, giáo dục, các thế lực thù địch có điều kiện để tuyên truyền quảng bá mô hình phát triển, văn hóa, xã hội theo lối sống phương Tây vào các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong giới trẻ về các lối sống thực dụng, tha hóa tiềm ẩm nguy cơ sử dụng MTTH trong thanh thiếu niên, học sinh làm cho việc sử dụng các loại MTTH sẽ ngày càng gia tăng.

Hội nhập quốc tế cũng làm cho sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng miền; tình trạng vỡ nợ, phá sản làm tăng nạn thất nghiệp dẫn đến tệ nạn nghiện các chất ma túy phát triển,…

Nội lực chống ma túy chưa đủ mạnh

Theo Đại tá Phạm Trọng Điềm, hiện nay, các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy nói chung và lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy nói riêng vẫn còn thiếu về số lượng, trình độ pháp luật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ đôi khi còn hạn chế và không đồng đều, đặc biệt là tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Hiệu quả tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, nhất là việc tiến hành công tác nghiệp vụ cơ bản còn chưa thường xuyên, chất lượng, hiệu quả thấp; các loại trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tuy đã được bổ sung nhưng còn thiếu, một số đã lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác.

Mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển cũng như giữa các cơ quan chức năng Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về đấu tranh phòng, chống ma túy tuy đã được nâng cao nhưng chưa tương xứng với thực tế tình hình.

Công tác quản lý xuất, nhập cảnh đối với người nước ngoài cũng như công tác xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn còn kẽ hở để TPMT lợi dụng hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy đã có hiệu quả nhưng chưa được thường xuyên và sâu rộng. Các cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới còn chưa quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy đã được bổ sung nhưng vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

Những khó khăn, thách thức trên là nguyên nhân chính gây ra những hạn chế trong công tác đấu tranh với ma túy và tội phạm ma túy trong thời kỳ hội nhập quốc tế của nước ta.

Nâng cao sức chiến đấu

Đứng trước những thời cơ và thách thức như vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trong thời kỳ hội nhập quốc tế phải đặt ra và thực hiện mục tiêu là: Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống, không để đột xuất, bất ngờ trong công tác phòng chống ma túy; ngăn chặn có hiệu quả việc buôn bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy, nhất là MTTH. Nâng cao sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy thâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Để đạt được mục tiêu đó, Đại tá Phạm Trọng Điềm cho biết, trong thời gian tới lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy nâng cao chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ cho phù hợp với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy để tập trung đánh mạnh các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy phức tạp.

Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy với các lực lượng khác trong và ngoài ngành Công an, nhất là các lực lượng chuyên trách phòng, chống TPMT của Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống TPMT ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển. Tăng cường công tác hợp tác quốc tề về phòng, chống ma túy bằng việc tiếp tục phát triển quan hệ phối hợp với lực lượng phòng chống ma túy các nước có chung đường biên giới, các nước tiểu vùng sông Mê kông; đa dạng hóa công tác phòng, chống ma túy với các nước, các tổ chức Interpol, Aseanpol,.. nhất là những nước là bạn bè truyền thống, các nước lớn có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy.

Theo Đại tá Phạm Trọng Điểm, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác đấu tranh với tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài, cần nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền ký kết thêm các Hiệp định tương trợ tư pháp cũng như Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam với các nước trong đó chú trọng vào các nước hay xảy ra tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy vào Việt Nam hoặc ngược lại. Bên cạnh đó, huy động được sự tham gia, vào cuộc của tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống TPMT.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch cũng như các biện pháp công tác nghiệp vụ tại các tuyến và địa bàn trọng điểm nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm ma túy.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 7.764 vụ với hơn 12 nghìn đối tượng liên quan đến TPMT. Thu giữ 522 kg heroin; 7,4 kg thuốc phiện; 65 kg cần sa khô; 1.200 kg cần sa tươi; 281 kg và hơn 91 nghìn viên MTTH cùng nhiều phương tiện, tài sản liên quan.

Hoàng Anh

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]