Đấu tranh với tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài
05/10/2015 Lượt xem: 1460 In bài viếtBằng những chiêu thức tinh vi, các đối tượng người nước ngoài mua bán ma túy và các chất cấm khác đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chức năng ở các quốc gia, vùng lãnh thổ mà chúng đi qua. Tại Việt Nam, các đối tượng thường lợi dụng yếu tố hàng không, đường biển để vận chuyển trái phép chất ma túy.
“Tuồn” hàng tỷ đồng cocain
Từ vụ việc bắt giữ vào giữa tháng 5 mới đây, khi lực lượng chức năng phá vụ vận
chuyển cocain tại cảng Cát Lái, (Q.2, TP.HCM), nhiều ý kiến cho rằng, đường dây
buôn bán ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng xảo quyệt khi vận chuyển ma
túy qua đường tàu biển đến TP.HCM, rồi tiếp tục di chuyển hàng hóa cất giấu tinh
vi qua đường hàng không ra Hà Nội.
Đêm 15/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công An (C47)) cùng Chi
cục Hải quan cửa khẩu cảng Cát Lái thuộc Cục Hải quan TP.HCM tiến hành thực kiểm
lô hàng hóa vừa “đáp” đến khu vực cảng này bằng đường tàu biển.
Lô hàng được một doanh nghiệp khai báo là một container loại 20 feet là pallet
lót sàn, nhập từ nước ngoài về Việt Nam.
Đây là lô hàng chờ thông quan theo dạng “luồng đỏ”, tức doanh nghiệp nhập khẩu
xuất trình giấy tờ liên quan, rồi cán bộ hải quan kiểm hóa hàng hóa có đúng với
thực tế khai báo hay không.
Lực lượng chuyên án dùng dụng cụ tháo gỡ các thanh gỗ ép và phá bỏ để kiểm tra
thì phát hiện bên trong có cất giấu tinh vi rất nhiều thanh thép được bịt kín
hai đầu. Bên trong các thanh thép này qua kiểm tra, giám định là có chứa cocain.
Hàng chục kg concain được thu giữ trong đêm 15/5 từ hoạt động kiểm hóa lô hàng
nói trên.
Sau đó gần 1 tuần, ban chuyên án đã tiến hành khám xét 1 kho hàng của 1 công ty
vận tải có trụ sở ở TP Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 10kg
cocain được cất giấu trong 4 trục lăn máy xay lúa, được vận chuyển qua đường
hàng không từ Argentina đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. Mở rộng vụ án, Cục C47 đã
trao đổi với Cảnh sát, Hải quan Hồng Kông chặn bắt 2 đối tượng người Colombia và
El Salvado cùng 16,9kg cocain được cất giấu trong một container chứa valy, túi
xách vận chuyển qua cảng biển từ Hải Phòng sang Hồng Kông. Số lượng cocain thu
giữ tổng cộng trong chuyên án lên tới gần 60kg, là số lượng cocain thu giữ lớn
nhất từ trước đến nay.
Ngoài vụ vận chuyển “khủng” bằng đường biển này thì còn đó rất nhiều vụ bị bắt
giữ do người nước ngoài tuồn số hàng lớn vào Việt Nam bằng đường hàng không.
Điển hình như tháng 7 năm 2014, một nữ hành khách tên Pantimoong Narisara, 25
tuổi, quốc tịch Thái Lan đi trên chuyến bay QR964 của hãng hàng không Qatar
Airways đi từ Doha (Qatar) nhập cảnh qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã mang
theo gần 4kg cocain. Lô hàng này được cất giấu trong hai chiếc ba lô để trong
một túi xách gửi theo hành lý ký gửi. Đối tượng khai nhận đã đưa lô hàng này đi
qua một số quốc gia và đến Việt Nam thì bị bắt giữ. Theo ước tính, trị giá
khoảng 25 tỷ đồng.
Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng chức năng cũng bắt giữ hành khách
Sriwalai Yuwadee, quốc tịch Thái Lan, nhập cảnh trên chuyến bay EY441 từ Abu
Dhabi tới Tân Sơn Nhất, vận chuyển trái phép gần 3kg cocaine. Số cocaine này
được đóng trong một gói ni lông giấu dưới tấm lót đáy va li.
Hầu như các vụ ma túy đều có yếu tố nước ngoài
Theo Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng C47, Bộ Công An, nếu điều tra thì hầu
như các vụ án ma túy đều có yếu tố nước ngoài bởi hiện nay sản xuất ma túy trong
nước không đáng kể, chủ yếu lượng ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam chiếm khoảng
90 - 95%.
Do ma túy vận chuyển từ Tam giác vàng vào Việt Nam gần nên giá ma túy khá rẻ.
Giá ma túy ở Myanmar, Lào, Campuchia tầm khoảng 2.000 - 3.000 USD/bánh khi mang
về đến nội địa Việt Nam có thể tăng lên từ 10.000 USD/bánh nhưng sau đó nếu “cất
cánh” được đến Úc thì sẽ rơi vào khoảng 45.000 - 50.000 USD/bánh, Đài Loan:
35.000 - 40.000 USD/bánh. Cho nên đa số ma túy được đưa về Việt Nam rồi chuyển
qua nước thứ 3 tiêu thụ.
Qua công tác đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy, trong những năm gần đây,
tội phạm không chỉ lợi dụng địa hình hiểm trở rừng núi để vận chuyển ma túy từ
nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ mà còn tìm những kẽ hở trong khâu kiểm soát
để đưa ma túy qua đường biển, đường hàng không.
Trên tuyến đường bộ, heroin, ma túy tổng hợp được điều chế từ các khu giáp biên
giới các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ
hoặc móc nối với các đối tượng trong nội địa để vận chuyển đi nước thứ 3. Trên
các tuyến hàng không tiếp tục phức tạp nhất là hoạt động của các đường dây ma
túy do đối tượng người gốc Phi, Châu Mỹ, Việt kiểu Úc, Đài Loan cầm đầu, vận
chuyển chủ yếu là cocain, ma túy đá, tiền chất ma túy.
Trên tuyến hàng không, riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất trong 4 năm qua đã phát
hiện, bắt giữ gần 50 vụ liên quan đến tội phạm là người nước ngoài hoặc người
Việt Nam sinh sống, định cư tại nước ngoài vận chuyển ma túy vào Việt Nam hoặc
vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi nước ngoài.
Theo Đại tá Phạm Văn Chình, bên cạnh sự thông thoáng về thủ tục theo chủ trường
mở cửa hội nhập, giảm thời gian thông quan trên hệ thống xuống mức thấp nhất để
tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân thì cũng là áp lực cho các lực lượng
chức năng, trong đó công tác phòng chống ma túy.
Một vấn đề rất quan trọng và hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy qua
đường hàng không, đó là hợp tác quốc tế trong phối hợp trao đổi thông tin về tội
phạm ma túy; tập huấn nâng cao trình độ; ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp
cũng như các hiệp định phòng, chống tội phạm ma túy với các nước... Đồng thời,
việc thực hiện tốt kế hoạch phối hợp giữa lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy với
các lực lượng liên quan như: Biên phòng, Hải quan, An ninh hàng không trong việc
phòng, chống tội phạm ma túy là rất cần thiết và có hiệu quả cao.
Theo kiến nghị của cơ quan điều tra, lực lượng Công An, Biên phòng xây dựng các
phương án, kế hoạch đấu tranh, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng,
tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển nhất là các khu vực
cửa khẩu, cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu, các đường tiểu ngạch qua biên giới,
các tuyến vận chuyển hàng hóa trên biển; kết hợp giữa đấu tranh thường xuyên với
tổ chức các đợt cao điểm; giữa tuần tra, kiểm soát thường xuyên, cố định với
kiểm tra lưu động, đột xuất.
Tại các sân bay, cần trang bị và đưa vào sử dụng các phương tiện hiện đại nhằm
kiểm tra, phát hiện ma túy như máy soi, máy chụp X quang, máy ngửi ion ma túy,
máy chụp cơ thể…
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào
Việt Nam, C47 đang thành lập Phòng Phòng ngừa và đấu tranh tội phạm mua bán vận
chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua đường biển và đường hàng không. Đây sẽ
là lực lượng chuyên trách nghiên cứu sâu về phương thức thủ đoạn của tội phạm,
phối hợp các lực lượng đấu tranh hiệu quả tội phạm ma túy trên tuyến hàng không
và đường biển.
Hoàng Anh
Nguồn:tiengchuong.vn
[TT: TBC]