Hơn 74 nghìn người tử vong vì HIV/AIDS, nguồn viện trợ giảm mạnh

07/10/2015 Lượt xem: 765 In bài viết

74 nghìn người chết do HIV/AIDS

Theo ông Nguyễn Hùng Long – Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết số liệu đến tháng 6/2015, toàn quốc có 227.114 trường hợp nhiễm HIV, trong đó bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 71.115 người. Tính từ đầu vụ dịch bệnh HIV/AIDS đến nay đã có hơn 74 nghìn người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm trong 8 năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao. Dịch HIV/AIDS đã xảy ra ở các tỉnh thành phố với 99,8% số quận, huyện và trên 80,3% số xã phường có người nhiễm HIV. 

Số người nhiễm HIV chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, khu vực có số người nhiễm HIV cao là các tỉnh miền nũi tây bắc, các huyện miền núi Nghệ An và Thanh Hóa. Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh có số lượng người nhiễm HIV với diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ giới ngày càng tăng từ 24.2% năm 2007 đến 33,4% trong năm 2013. Tỷ lệ người lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn so với lây truyền qua đường máu. Trong năm 2014 tỷ lệ người nhiễm lây truyền qua đường tình dục chiếm tới 47,9 %, đường máu chiếm 37,5 %, lây nhiễm từ mẹ sang con chiếm 3%, có 12% người nhiễm HIV không rõ đường lây truyền.

Người nhiễm HIV được phát hiện vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm tuổi 20 đến 39. Tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện trong nhóm 30 -39 tuổi có xu hướng tăng lên. Đến năm 2014 tỷ lệ này đã tăng lên 44%. Trong đó người nhiễm phát hiện trong nhóm tuổi 20-29 tuổi đã có xu hướng giảm chiếm 30,8 % trong năm 2014.

Dịch tập trung chủ yếu ở ba nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao: Người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm. Dùng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích khác là phương thức lây nhiễm HIV chủ yếu. Trong thời gian gần đây bạn tình của người nghiện chích ma túy được coi là quần thể có nguy cơ cao mới, được bổ sung vào các can thiệp dự phòng. Viêc gia tăng các trường hợp phụ nữ nhiễm HIV mới được báo cáo năm 2013 chỉ có 32.5 % nhưng đến năm 2014 đã tăng lên 33,8 % đã phản ánh sự lây truyền HIV từ nam giới có hành vi nguy cơ cao sang bạn tình.

Khó khăn nguồn kinh phí

Hiện nay, nguồn kinh phí để duy trì cho hoạt động phòng chồng HIV/AIDS đang bị giảm sụt. Nguồn kinh phí cho xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai đang cắt giảm. Các nhà tài trợ cắt giảm việc hỗ trợ xét nghiệm này, BHYT chưa thanh toán, điều đó sẽ hạn chế đến quy mô can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Mặc dù việc chẩn đoán muộn trong khi sinh đã cải thiện đó vẫn là một tác nhân lớn của việc lây truyền từ mẹ sang con.

Không chỉ thế, hệ thống phòng chống HIV/AIDS dựa nhiều vào nguồn viện trợ mà còn một số bộ phận chưa hòa nhập và lồng ghép và hệ thống y tế như công tác điều trị ARV, Methadone, gây khó khăn cho việc triển khai và thanh toán qua BHYT. Nhân sự, cơ sở vật chất trang thiết bị và phòng xét nghiệm còn thiếu. 

Sắp tới, một số nhà tài trợ khác cũng sẽ dừng, quỹ toàn cầu viện trợ đến hết năm 2015, quỹ PEPFAR viện trợ đến hết 2018 nhưng quy mô viện trợ sẽ giảm nhanh trong các năm tới. 

Hiện, kinh phí trong nước dành cho việc điều trị bệnh nhân bằng thuốc ARV rất thấp, chỉ chiếm 5%, còn lại 95% từ nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu. Trong khi đó, nguồn kinh phí tài trợ này đang bị cắt giảm xuống mức thấp khiến việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS gặp khó khăn. 

Mặc dù đã có những cam kết của chính phủ trong việc đầu tư kinh phí cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên vấn đề đầu tư bền vững vẫn đang là một thách thức. Đáp ứng với dịch HIV dựa trên nguồn tài trợ quốc tế là chính.

Phúc Mai

Nguồn: infonet.vn

[TT: TBC]