Quyết liệt đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt - Trung

05/10/2015 Lượt xem: 576 In bài viết

Việt Nam và Trung Quốc có biên giới đường bộ dài 1.470 km thuộc địa bàn 7 tỉnh là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Thời gian qua, các lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung Quốc thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, triệt phá một số điểm, tụ điểm ma túy phức tạp; xác minh truy bắt và vận động được nhiều đối tượng truy nã ra đầu thú…

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục C47 cho biết, tội phạm ma túy hoạt động ở tuyến biên giới này không theo truyền thống mà chúng đã nâng tầm cao hơn với thủ đoạn tinh vi, mang tính quốc tế và có sự cấu kết chặt chẽ giữa những đối tượng trong nước và đối tượng nước ngoài. Ma túy được mua bán, vận chuyển với số lượng đặc biệt lớn (hàng chục, hàng trăm bánh heroin, hàng chục kg ma túy tổng hợp). Tội phạm ma túy có sự liên quan mật thiết với tội phạm hình sự, kinh tế, buôn lậu, chúng tìm cách trang bị vũ khí, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc tìm cách vượt bên sang Trung Quốc để lẩn trốn.

Tuyến biên giới Việt - Trung vẫn được xác định là tuyến trọng điểm về tội phạm ma túy, tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Qua thực tiễn đấu tranh, tình hình ma túy và tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới Việt - Trung ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận, giá thành MTTH dạng tinh thể (ketamine) được sản xuất từ Trung Quốc thấp (khoảng 230 - 250 triệu đồng/kg) trong khi giá tiêu thụ khi về đến Việt Nam khoảng 600 - 700 triệu đồng/kg.

Hơn nữa tuyến biên giới Việt - Trung trải dài, địa hình hiểm trở; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp; số lượng người nghiện ma túy tại các tỉnh trên tuyến biên giới còn cao (chiếm 12,18% so với cả nước), trong khi đó hiệu quả công tác cai nghiện còn thấp; cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa kiên quyết trong công tác chỉ đạo; các lực lượng chuyên trách còn thiếu về biên chế, kinh phí, phương tiện hỗ trợ; quan hệ phối hợp giữa các lực lượng như Công an, Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển chưa thường xuyên, vẫn còn theo vụ việc chưa thực sự đi vào chiều sâu…

Bên cạnh đó, việc xác minh, chứng minh hành vi phạm tội của bên này lẩn trốn sang phía bên kia biên giới và ngược lại còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, hiện nay chưa có hiệp định dẫn độ tội phạm giữa 2 quốc gia nên lực lượng chức năng của hai bên phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước về việc qua lại biên giới. Sự khác biệt về chính sách và quy định pháp luật giữa 2 nước trong phòng chống ma túy nói riêng là những trở ngại chủ yếu đối với các lực lượng chức năng…

Dự báo thời gian tới, hoạt động của tội phạm ma túy tại các nước trong khu vực và trên thế giới nói chung sẽ tiếp tục là áp lực lớn, tác động trực tiếp đến tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam nói chung và tuyến biên giới Việt - Trung nói riêng. Tuyến đường sông hai biên giới và tuyến đường biển tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Số lượng người nghiện tại các tỉnh trên tuyến chưa có xu hướng giảm, đặc biệt là số người nghiện ma túy phía Trung Quốc quá lớn sẽ tạo ra nguồn cầu tương đối lớn về ma túy và là một trong những nguyên nhân làm phức tạp thêm tình hình trên tuyến này.

Do vậy, cuộc chiến chống ma túy trên tuyến biên giới Việt - Trung sẽ còn rất căng thẳng, quyết liệt, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng và những biện pháp mạnh, hữu hiệu của các cơ quan chức năng.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vướng, Thứ trưởng Bộ Công an, qua đợt cao điểm này, cùng với thông tin thu thập được qua các hoạt động nghiệp vụ để tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ về các giải pháp ngăn chặn tình trạng ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam, đặc biệt là không để tội phạm lấy nước ta làm địa bàn trung chuyển ma túy.
Vì thế, lực lượng Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nói riêng phải nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tuần tra kiểm soát công khai nhằm phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy; kiểm soát người và hàng hóa tại cửa khẩu và tuần tra khu vực biên giới; thống nhất và duy trì chế độ trao đổi thông tin (định kỳ, đột xuất) liên quan đến tình hình tội phạm ma túy. Đồng thời chú trọng công tác vận động quần chúng; xây dựng các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự nói chung và đấu tranh phòng, chống về tội phạm ma túy nói riêng.

Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt - Trung đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hơn 2.800 vụ với gần 4.000 đối tượng (chiếm 10,2% về số vụ trên cả nước); thu giữ 286 kg heroin; 16,8 kg thuốc phiện; 128 kg và hơn 43.000 viên MTTH; 30 kg cần sa cùng nhiều tài liệu, tài sản, phương tiện liên quan.

Hoàng Anh

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]