Làm thế nào để bắt kịp tiêu chuẩn quốc tế về dự phòng và điều trị nghiện?

25/08/2015 Lượt xem: 628 In bài viết

ISSUP là một tổ chức toàn cầu về nghiên cứu và thực hành trong hỗ trợ dự phòng nghiện chất, điều trị những rối loạn do nghiện chất và phục hồi; đào tạo đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp trong lĩnh vực dự phòng và điều trị chất gây nghiện, xây dựng mạng lưới toàn cầu cán bộ xã hội trong dự phòng và điều trị chất gây nghiện nhằm hỗ trợ công tác điều trị cai nghiện trên toàn cầu.

Trung tâm quốc tế đào tạo và cấp chứng chỉ về điều trị chất gây nghiện (ICCE) là một cơ quan nằm trong hệ thống của Colombo Plan, đảm nhiệm nhiệm vụ đào tạo và cấp chứng chỉ nghề trong lĩnh vực điều trị nghiện chất theo 3 cấp độ ICAP I, ICAP II, ICAP III. Bên cạnh đó, Trung tâm này cũng cấp chứng chỉ chuyên gia phục hồi cho những học viên đã có chứng nhận chuyên gia phục hồi đồng đẳng. Hiện nay, trung tâm này đã phát triển được bộ giáo trình dự phòng nghiện chất với 2 cấp chứng chỉ là chứng chỉ chuyên gia quốc tề về dự phòng nghiện chất cấp 1 và 2. Chứng chỉ về dự phòng được cấp bởi ICCE và Trung tâm nghề xã hội Mỹ. Để được nhận chứng chỉ của Trung tâm phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể về lượng lý thuyết và thời gian thực hành trong công tác điều trị và dự phòng nghiện chất . Sau đây là giới thiệu cụ thể về bộ giáo trình của Trung tâm này:

Chương trình đào tạo điều trị cai nghiện:

Chương trình giảng dạy cơ bản gồm 8 quyển (232 giờ) gồm:

1. Sinh lý học và dược học trong điều trị nghiện chuyên nghiệp (24 giờ).
2. Điều trị rối loạn nghiện chất- bước tiếp theo của chăm sóc chuyên nghiệp người nghiện (40 giờ).
3. Tổng quan điều trị chuyên nghiệp về những vấn đề xảy ra về tinh thần, đồng thời với các rối loạn liên quan đến y tế (24 giờ).
4. Những kỹ năng cơ bản về tư vấn chuyên nghiệp cho người nghiện chất (40 giờ).
5. Lượng giá, sàng lọc, đánh giá, kế hoạch điều trị và tài liệu cho cán bộ xã hội về nghiện chất (40 giờ).
6. Quản lý trường hợp trong cai nghiện (16 giờ).
7. Xử lý khủng hoảng trong cai nghiện (16 giờ).
8. Đạo đức học trong điều trị chuyên nghiệp (32 giờ).


Chương trình giảng dạy trung cấp gồm 10 quyển (278 giờ) gồm:

9. Dược liệu học và các rối loạn do lạm dụng chất (33 tiết).
10. Quản lý thuốc- hỗ trợ của Chương trình điều trị (33 tiết).
11. Nâng cao kỹ năng phỏng vấn tạo động lực (20 tiết).
12. Liệu pháp hành vi nhận thức (20 tiết).
13. Quản lý các chỉ báo (20 tiết).
14. Làm việc với gia đình (33 tiết).
15. Kỹ năng sàng lọc các rối loạn xảy ra đồng thời (20 tiết).
16. Kỹ năng xử lý các vấn đề về lâm sàng (33 tiết).
17. Kỹ năng và thực hành quản lý trường hợp (33 tiết).
10. Giám sát lâm sàng chuyên nghiệp cho lạm dụng chất (33 tiết)

Chương trình đào tạo dự phòng nghiện chất

Chương trình đào tạo cấp độ 1 và cấp độ 2 (UPC 1 và UPC 2). Cấp độ 1 bao gồm 9 cuốn với 288 giờ giảng dạy, được sử dụng để cung cấp cho những học viên làm trong lĩnh vực giám sát và phối hợp thực hiện trong phòng ngừa nghiện chất hoặc trong lĩnh vực đề xuất chính sách.

1. Giới thiệu về khoa học dự phòng (40 giờ).
2. Sinh lý học và dược học cho chuyên gia dự phòng (24 giờ).
3. Giám sát và đánh giá trong chính sách và can thiệp dự phòng (40 giờ)
4. Can thiệp dự phòng dựa trên/trong gia đình (32 giờ)
5. Can thiệp dự phòng dựa trên/ trong nhà trường (40 giờ)
6. Can thiệp dự phòng dựa trên/trong tại nơi làm việc (32 giờ)
7. Can thiệp dự phòng dựa trên/trong môi trường (24 giờ)
8. Can thiệp dự phòng dựa trên truyền thông (24 giờ)
9. Hệ thống thực hiện can thiệp dự phòng dựa vào cộng đồng (40 giờ)


Chương trình đào tạo cấp độ 2 cung cấp những kiến thức và kỹ năng sâu hơn cho các chuyên gia dự phòng, những người làm trong lĩnh vực thiết kế chính sách và thực hiện can thiệp dự phòng. Phần này đưa ra những kiến thức sâu về nội dung, cấu trúc, cung cấp dịch vụ, giám sát và đánh giá trong ngắn hạn và dài hạn về dự phòng và chính sách. Cấp độ 2 bao gồm 7 phần liên quan tới các chủ đề Nhà trường (140 giờ, 7 quyển), Gia đình (140 giờ, 6 quyển), Môi trường (110 giờ, 6 quyển), Truyền thông (115 giờ, 6 quyển), Nơi làm việc (130 giờ, 7 quyển), Hệ thống dịch vụ dự phòng (150 giờ, 8 quyển) và Giám sát & Đánh giá (100 giờ, 5 quyển).

Hiện nay, đã có 39 nước trên thế giới hợp tác với ICCE để sử dụng bộ giáo trình kể trên, học viên của các nước này sau khi tham gia đào tạo thì đăng ký với ICCE để thi và nhận chứng chỉ. Chứng chỉ này có giá trị quốc tế và được chấp nhận ở tất cả các nước hiện đang tham gia vào hệ thống đào tạo của ICCE và Colombo Plan.

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới công tác cai nghiện. Số người nghiện ma túy tổng hợp đang có xu hướng tăng nhanh (không điều trị thay thế bằng Methadone cho đối tượng này được). Lâu nay, cả huấn luyện và thực tế, ta mới chú trọng đến lý thuyết và thực hành về cai nghiện mà chưa chú ý đến công tác dự phòng can thiệp sớm trong khi quốc tế đã quan tâm đào tạo từ lâu. Do chưa quan tâm đến các biện pháp dự phòng nên nhiều khi chúng ta lúng túng trong xử lý đối với người mới sử dụng ma túy, người lạm dụng ma túy mà chưa đến mức độ nghiện.

Mặt khác, một trong 5 nhiệm vụ đề ra trong Quyết định 2596/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 là xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ dự phòng và điều trị nghiện nhằm huấn luyện, đào tạo chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện. Không có đội ngũ đầy đủ kiến thức, năng lực về dự phòng và cai nghiện thì sự nghiệp đổi mới cai nghiện không thể thành công. Do vậy, các cơ quan chức năng cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức Colombo Plan, ICCE, ISUP để tham khảo, nghiên cứu một cách cặn kẽ khung đào tạo cơ bản của ICCE (đã trình bày ở trên) để xây dựng khung đào tạo cán bộ làm công tác liên quan tới dự phòng và điều trị cai nghiện của theo yêu cầu của Quyết định 2596/TTg. Điều đó sẽ giúp đội ngũ cán bộ bắt kịp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về dự phòng và điều trị nghiện.

Về đào tạo cán bộ, Chương trình và tài liệu huấn luyện của ICCE về dự phòng và cai nghiện rất đồ sộ. Do vậy, cơ quan chức năng của Bộ LĐTBXH cần phối hợp và đề nghị hỗ trợ, tài trợ của các cơ quan, tổ chức quốc tế như UNODC, WHO, CDC, SAMSA… trong việc dịch, biên soạn tài liệu, thí điểm áp dụng tập huấn, huấn luyện, hoàn thiện tài liệu nói trên để đào tạo cho cán bộ Việt Nam. Ngay cả phương pháp đào tạo của ICCE cũng cần được nghiên cứu áp dụng.

Tăng cường phối hợp và cử cán bộ tham gia các chương trình tập huấn của ICCE ở những nước gần với Việt Nam như các nước trong ASEAN hiện đang tham gia trong hệ thống của ICCE như Malaysia, Thái Lan, Philippines… Số cán bộ này cần được cử tham gia một cách có hệ thống và tạo điều kiện cho họ trở thành người xây dựng chương trình và giảng viên chính tại Việt Nam.

Lê Hiền

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]