Phòng, chống ma túy vùng dân tộc và miền núi

29/06/2015 Lượt xem: 870 In bài viết

Vì sao tăng?

Nguyên nhân dẫn đến tăng số lượng người nghiện ma túy trong cả nước nói chung, vùng dân tộc và miền núi nói riêng là nhận thức của một số đồng bào chưa cao. Phần lớn đối tượng nghiện là thanh niên đua đòi, lười học, bỏ học, hoặc trình độ học vấn thấp, không nghề nghiệp, nghề nghiệp không ổn định... dễ bất mãn, chán chường và sinh ra nghiện ngập. Ðặc biệt các đối tượng nghiện là do cha mẹ bất hòa, có mối quan hệ phức tạp như: bố mẹ bị nghiện, ly hôn, ly thân và gia đình nuông chiều con, buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục về tác hại của ma túy chưa đủ mạnh, chưa sâu, chưa đến từng làng, bản và gia đình. Tuyên truyền nặng về hình thức, chưa đi sâu vào thực tế, cho nên không ít người chưa nhận thức được tác hại của ma túy. Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của lực lượng công an nhiều nơi còn lỏng lẻo, chưa nắm bắt và phát hiện kịp thời để ngăn chặn các đối tượng tội phạm có liên quan đến ma túy...

Trưởng phòng Vận động quần chúng Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng Nguyễn Quốc Việt cho biết: Số người sử dụng ma túy và các loại ma túy tổng hợp mới có xu hướng gia tăng, tập trung vào các đối tượng thanh, thiếu niên người DTTS không hiểu biết, không có việc làm, gia đình nghèo. Một số vùng còn tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa, nếu không có những biện pháp giải quyết đồng bộ thì tệ nạn ma túy có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, để lại hậu quả đáng tiếc cho gia đình và cho toàn xã hội...

Ðẩy lùi tệ nạn ma túy trong vùng DTTS

Những năm gần đây, tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp. Ma túy đã đến từng nhà, từng ngõ ngách, trường học, gây ra những cái chết dần chết mòn. Nghiện ma túy cũng là nguyên nhân gây ra những tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo... Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo Ban Dân tộc các tỉnh tham mưu, phối hợp các sở, ngành, đoàn thể liên quan tích cực tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn ma túy, HIV/AIDS nói riêng đến các vùng đồng bào DTTS nâng cao dân trí, ý thức pháp luật về tác hại và các biện pháp phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn ma túy. Ngoài ra, Ủy ban Dân tộc còn phối hợp các báo, đài, tạp chí thực hiện Quyết định 2472, 1977 của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền sâu rộng phòng, chống ma túy, HIV/AIDS vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng biên giới; phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh triển khai mô hình cai nghiện ma túy "Quân dân y kết hợp"...

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn Triệu Sành Lẫy cho biết: Ðể giảm số người nghiện, Ban Dân tộc tỉnh kết hợp với các ban, ngành tuyên truyền vận động, phát các loại tờ rơi, pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu có nội dung về tác hại của ma túy đến với bà con thôn, bản. Tổ chức ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng, chống ma túy, tích cực đấu tranh tố giác tội phạm và tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự...

Phòng, chống bằng chính sách gắn với tuyên truyền

Công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy gắn với chính sách dân tộc trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ðến nay, bà con đồng bào DTTS đã nâng cao ý thức góp phần không nhỏ cho việc phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội trong vùng DTTS, từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức của bà con trong quá trình tham gia phòng, chống ma túy và các loại tệ nạn xã hội khác.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS trong đồng bào DTTS còn những hạn chế nhất định, chưa đổi mới, hoặc chưa phù hợp với khả năng nhận thức của người dân. Những vấn đề đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội trên địa bàn các tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng. Ðể làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS kết hợp xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ giao các bộ, ngành, nhất là Ủy ban Dân tộc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành tạo việc làm, ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho bà con; xây dựng hương ước, quy ước tại bản, buôn đồng bào DTTS; tăng cường tuyên truyền, vận động phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và HIV/AIDS cho đồng bào. Phòng Dân tộc các huyện biên giới phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình không để cho bọn tội phạm lợi dụng kích động đồng bào tham gia sử dụng, vận chuyển và mua bán ma túy; tăng cường tập huấn về đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cho các già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín chủ động xử lý những đối tượng có dấu hiệu phạm tội buôn bán, sử dụng, tàng trữ ma túy trong cộng đồng.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện cả nước có gần 220 nghìn người nhiễm HIV, trong đó có hơn 15 nghìn người xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và hầu hết ở lứa tuổi từ 20 đến 39, chiếm 82%, lây truyền qua đường máu (46,7%) và tình dục (41,4%).

 

Trọng Chàm

Nguồn: nhandan.com.vn

[TT: TBC]