IPU 132: Quốc hội Việt Nam hiến kế phòng chống HIV/AIDS

13/04/2015 Lượt xem: 521 In bài viết

Đại diện của Việt Nam cho biết từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tính đến ngày 31/12/2014, toàn quốc hiện có 226.819 trường hợp báo cáo hiện nhiễm HIV.

Tuy nhiên, theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS thì năm 2014 ước tính toàn quốc có khoảng 256.500 người nhiễm HIV trong cộng đồng. Số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS: 71.050. Đến nay có 71.332 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong.

Số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm trong 7 năm gần đây, tuy nhiên vẫn ở mức cao khoảng 12.000-14.000 ca mỗi năm. Mặc dù số nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm, nhưng tổng số người đang nhiễm HIV ngày càng gia tăng. Hiện đã có 80,3% số xã, phường, thị trấn và 98,9% số quận, huyện đã báo cáo có người nhiễm HIV.

Hình thái dịch đang tập trung chủ yếu ở ba nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao: người nghiện chích ma túy (NCMT), nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và phụ nữ bán dâm (PNBD). Số bệnh nhân đang tham gia chương trình điều trị ARV (thuốc kháng virus): 92.843 người.




Nhiều hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS


Trước thực trạng này, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các biện pháp tăng cường các hoạt động dự phòng, đặc biệt là tuyên truyền và các biện pháp can thiệp giảm tác hại (chương trình Methadone, bơm kim tiêm sạch, bao cao su,..).

Trước nhu cầu từ thực tế, đại diện của đoàn Việt Nam nhấn mạnh vai trò của quốc hội các nước cần xây dựng luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS; Ban hành nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống AIDS; Giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS làm cơ sở để có các quyết sách về nguồn lực đầu tư cho phòng, chống AIDS.

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam cũng đã tiến hành thẩm tra và phê duyệt ngân sách cho phòng chống AIDS khi quyết định chi tiêu ngân sách quốc gia hàng năm.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Việt Nam khẳng định vai trò của các đại biểu Quốc hội trong việc vận động lãnh đạo các cấp và toàn xã hội trong công tác phòng chống HIV/AIDS đặc biệt là chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và tăng cường nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng tham gia, ủng hộ những nỗ lực chung của toàn cầu về phòng, chống AIDS và sử dụng các kênh song phương, đa phương để kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của quốc tế đối với công tác phòng, chống AIDS của quốc gia.

Trước đó, ngày 31/3, trong phiên họp của IPU 132, các đại biểu quốc tế đã đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc phòng chống HIV/AIDS.

Trong cuộc thảo luận, các đại biểu từ hơn 10 nước đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm cũng như bài học thực tiễn rút ra từ hoạt động hợp tác ba bên giữa IPU, Liên hợp quốc và Nghị viện thành viên.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Minh Huệ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ kết quả của hai chuyến thăm thực địa do IPU tổ chức vào năm 2009 và 2014 nhằm khảo sát việc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Các chuyến thăm có sự tham gia của người đứng đầu các cơ quan giám sát về HIV/AIDS của IPU, đại diện các cơ quan phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc tại Việt Nam và đại biểu Quốc hội các nước quan tâm đến vấn đề này như Lào, Campuchia, Myanmar, Tanzania, Zimbabue, Nam Phi...

Ông Hà Minh Huệ cho biết sau hai chuyến thực địa đến Từ Liêm (Hà Nội) năm 2009 và Điện Biên năm 2014, thăm các cơ sở khám chữa bệnh HIV/AIDS, các đại biểu đã được tìm hiểu về mô hình mở rộng điều trị cho người có HIV/AIDS mà Việt Nam đang thực hiện rất tốt.

Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu thanh toán hoàn toàn dịch bệnh này vào năm 2030.

Các đại biểu quốc tế nhận thấy Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ các nỗ lực chung của thế giới trong việc phòng chống HIV/AIDS và có ý chí chính trị trong việc phòng ngừa đại dịch này.

Những thông tin và kinh nghiệm thu được từ các chuyến đi là bài học, thông tin quý báu dành cho cộng đồng quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS.

 

Phạm Thịnh

Nguồn VTC News

[TT: TBC]