Những "chiêu độc" của tội phạm ma túy

22/01/2015 Lượt xem: 604 In bài viết

Theo báo cáo của Cục Phòng chống TPMT, BĐBP trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hoạt động của TPMT diễn biến phức tạp tại các tỉnh có biên giới gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Nhiều tụ điểm trung chuyển, mua bán, vận chuyển ma túy với các nhóm đối tượng người Lào, người Việt Nam có vũ trang cấu kết chặt chẽ ở khu vực trong và ngoài biên giới để đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ với số lượng lớn.

Nóng bỏng nhất là Sơn La, nơi được gọi là "tổng kho hê-rô-in", trong đó, tại huyện Mộc Châu, 11 xã có người dân tham gia vào vận chuyển ma túy qua biên giới. Những năm trước, TPMT thường đặt cọc một phần tiền, sau đó các đối tượng cung cấp ma túy người Lào sẽ vận chuyển hàng từ Lào sang tận địa điểm đối tượng mua hàng người Việt Nam yêu cầu.

Thời gian gần đây, các đối tượng người Lào lại áp dụng chiến thuật chỉ trao đổi tiền - hàng tại nhà riêng. Để vận chuyển ma túy về Việt Nam, TPMT chọn đường mòn, tiểu mạch, lối mở, lối tắt qua biên giới; dùng xe máy, ô tô vận chuyển qua các đường mòn, cửa khẩu; tập trung thành đội hình theo từng tốp, trang bị súng quân dụng, sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng vây bắt. Trên đường vận chuyển, chúng bố trí tốp đi trước dẫn đường trinh sát tình hình, tốp đi sau mang ma túy...

Trong mua bán giao dịch, các đường dây đã làm ăn nhiều lần, có độ tin cậy cao thì chỉ cần điện thoại để thống nhất giá cả, sau đó đem tiền, hàng, đặt cọc và tìm cách vận chuyển đến địa điểm giao nhận ma túy. Còn các đối tượng mới làm ăn với nhau lần đầu thường mang tiền sang Lào mua ma túy rồi vận chuyển về Việt Nam.

Đối với đường dây mua bán lớn, các đối tượng người Lào trực tiếp sang gặp đối tượng ở Việt Nam để xem xét khả năng tài chính, thăm nhà cửa, vợ con, sau đó mới "giao kết" làm ăn. Các đối tượng người Lào thường thử thách rất kỹ lưỡng, chúng yêu cầu bên mua phải trả tiền trước rồi mới chuyển ma túy hoặc giữ người lại tại Lào làm con tin, khi giao nhận hàng xong thì chúng mới thả; thời gian, địa điểm không hẹn trước.

Đại tá Phạm Hữu Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục PCTPMT BĐBP cho biết, hiện nay, nhằm trốn tránh sự phát hiện của lực lượng BĐBP, TPMT sử dụng máy thông tin liên lạc hiện đại, điện thoại vệ tinh, ký tín ám hiệu liên lạc với nhau; thay đổi đường hướng hoạt động liên tục...

Các phương tiện vận chuyển thường được gia cố, "mổ" các bộ phận rỗng của xe bỏ ma túy vào, sau đó hàn và sơn lại như cũ. Ngoài ra, chúng còn áp dụng thủ đoạn nhét ma túy vào bụng động vật; giấu lẫn trong các loại hàng hóa, giấu trong người, chỗ kín của phụ nữ. Đặc biệt, chúng còn dùng thủ đoạn lợi dụng những người Việt Nam chết bên đất Lào để cất giấu ma túy trong quan tài, để vận chuyển về Việt Nam.

Trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, TPMT cũng có những diễn biến phức tạp mới. Trên tuyến này, ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam, ngược lại, hê-rô-in, thuốc phiện từ Việt Nam được đưa sang Trung Quốc. Tại địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, chủ yếu là hoạt động vận chuyển ma túy tổng hợp.

Tại Quảng Ninh, TPMT vận chuyển hê-rô-in từ nội địa qua cửa khẩu Móng Cái sang Trung Quốc tiêu thụ, rồi mang ma túy tổng hợp từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Các đối tượng cầm đầu câu kết chặt chẽ với nhau thành đường dây ở nội, ngoại biên, sau đó lợi dụng những người Việt đang thất nghiệp, nợ nần, khó khăn về kinh tế thuê vận chuyển ma túy.

Chúng thường giấu "hàng" trong các thùng hàng hóa, ép vào đế dép, bìa sách, bảng chữ cái, cho vào lon sữa, giấu trong máy vi tính, thú nhồi bông... lợi dụng đường mòn, lối mở biên giới để vượt biên giới trái phép đưa ma túy vào nước ta.

Khi giao nhận, những người trong đường dây thường không biết nhau, người vận chuyển thuê chỉ biết đưa hàng theo từng công đoạn được giao địa điểm không cố định, thay đổi từng chuyến. Khi người vận chuyển thuê bị bắt giữ, thủ đoạn khai báo của chúng là chỉ vác hàng thuê, không rõ về nguồn cung cấp ma túy, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Tại tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, TPMT chủ yếu mua bán, vận chuyển hê-rô-in, ma túy tổng hợp từ Cam-pu-chia vào Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang) và Xà Xía (Kiên Giang) về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Tại đây, TPMT chủ yếu là các con nghiện mua bán ma túy về sử dụng hoặc xé lẻ bán cho các đối tượng nghiện hoặc đối tượng là người Cam-pu-chia đến các sòng bạc, trường gà dọc biên giới móc nối các con nghiện tham gia mua bán ma túy.

Phương thức vận chuyển của TPMT trên tuyến này là dùng điện thoại di động liên lạc, hẹn thời gian, địa điểm để giao dịch. Khi thống nhất được giá cả, địa điểm giao hàng, chúng thuê người hoặc trực tiếp vận chuyển qua biên giới. Quá trình nhận và chuyển hàng, chúng thường có quy ước tín ám hiệu, không đưa ma túy trực tiếp cho người cần giao dịch mà vứt ở gốc cây, hang đá, cạnh lề đường, bìa rừng... rồi người mua đến nhận.

Có thể khẳng định rằng, hiện, hoạt động của TPMT ở nước ta nói chung, ở các khu vực biên giới nói riêng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Trong điều kiện biên giới dài, địa hình rừng núi hiểm trở, phức tạp, lực lượng phòng chống TPMT BĐBP vẫn luôn nỗ lực khắc phục khó khăn quyết tâm điều tra, phát hiện, triệt phá hàng trăm đường dây ma túy lớn, bắt giữ hàng nghìn đối tượng, thu giữ số lượng lớn ma túy.

Kết quả trên đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả ma túy ngay từ tuyến đầu, góp phần giảm "cung ma túy" từ nước ngoài vào Việt Nam.

 

Mai Anh

Nguồn bienphong.com.vn

[TT: TBC]