Thực trạng HIV/AIDS tại Yên Bái
17/12/2014 Lượt xem: 665 In bài viếtĐến thời điểm hiện tại, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 4.922 người, trong đó có 2.366 trường hợp chuyển sang AIDS và 1.445 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong, hiện 3.547 người còn sống. Tỷ lệ người nhiễm HIV toàn tỉnh là 0,45%. Tuy số người nhiễm HIV/AIDS không tăng so với những năm trước đây song Yên Bái đang là một trong những tỉnh đứng đầu trong cả nước về số phát hiện nhiễm mới HIV/AIDS.
Giai đoạn 2010 - 2013, số người nhiễm HIV/AIDS trên
địa bàn Yên Bái chững lại và già hóa đối tượng. Đến nay, HIV/AIDS đã có ở 9/9
huyện, thị, thành phố; 155/180 xã, phường (chiếm 86,1% số xã, phường trong toàn
tỉnh), lây truyền chủ yếu qua đường máu chiếm 39,29%, tăng 0,53% so với cùng kỳ
năm 2013 và đường tình dục 15,08%. Đối tượng nhiễm cao nhất là nhóm nghiện chích
ma túy (NCMT) chiếm 36,99%. Người nhiễm HIV được phát hiện là phụ nữ và các đối
tượng quan hệ đồng tính có xu hướng tăng.
Ông Dương Tuấn Anh - Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết:
"Yên Bái phát hiện số người nhiễm mới cao như vậy đã khẳng định công tác tuyên
truyền, vận động phòng chống HIV thực sự hiệu quả. Bởi, sự kỳ thị, phân biệt đối
xử và nhìn nhận người bị nhiễm HIV của người dân đã tích cực, gần gũi hơn. Bản
thân những người nhiễm HIV/AIDS đã chủ động công khai và tự nguyện đến các điểm
xét nghiệm tư vấn để được điều trị đã cho chúng ta những con số thực. Con số
chính xác đối tượng nhiễm HIV tăng lên và được điều trị, được cộng đồng dần chấp
nhận chính là yếu tố tích cực trong khống chế và giảm dần nguy cơ lây lan rộng
ra cộng đồng".
Mặt khác, một nguyên nhân khá cơ bản dẫn đến tình trạng người nhiễm HIV/AIDS của
tỉnh chiếm tỷ lệ cao do dân số Yên Bái thấp hơn so với các tỉnh trong cả nước.
Đồng thời, Yên Bái phát hiện người nhiễm HIV/AIDS vào năm 1998 nhưng phải đến
năm 2006 thì chương trình can thiệp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS đầu tiên mới
được đẩy mạnh.
Việc triển khai muộn, một phần do nhận thức của người dân về HIV/AIDS ban đầu
khá mơ hồ dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử trở nên gay gắt hơn. Bản thân người
nhiễm HIV tự ti, mặc cảm nên tiếp cận các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị
hạn chế, số phát hiện không nhiều và đặc biệt, đã để lây lan rộng ra cộng đồng…
Có thể khẳng định, tuy là một tình miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp
khá nhiều khó khăn song công tác phòng, chống và can thiệp giảm nguy cơ lây
nhiễm HIV/AIDS trong những năm qua đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, vào cuộc
quyết liệt. Hàng loạt các chương trình hỗ trợ, nguồn kinh phí, dự án cho công
tác phòng, chống HIV/AIDS… đã được triển khai. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ
người nhiễm không giảm nhiều.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2014 vừa qua, tại Hội nghị giao ban trực tuyến
của Chính phủ về công tác phòng chống HIV/AIDS, Yên Bái vẫn là một trong những
tỉnh đứng đầu cả nước về phát hiện người nhiễm HIV/AIDS và đây là thực trạng
đáng báo động.
Hiện nay, khi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm; sự
chủ động của các cơ quan chức năng trong tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong
cộng đồng, ý thức của người nhiễm HIV/AIDS trong giảm lây nhiễm ra cộng đồng
được nâng lên; số người nhiễm mới và lũy tích qua các năm dần phản ánh đúng thực
trạng hiện nay là cơ sở tốt trong chủ động triển khai các hoạt động phòng chống
HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh xây
dựng và phê duyệt Đề án "Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống
HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020", tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự
phối hợp của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong triển khai phòng chống và can thiệp
giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng; đẩy mạnh công tác truyền thông, coi truyền
thông là một liều "vắc xin" hữu hiệu nhất hiện nay đối với công tác phòng, chống
HIV/AIDS; tập trung can thiệp giảm nguy cơ lây nhiệm HIV/AIDS ra cộng đồng vào
nhóm đối tượng nghiện ma túy thông qua trao đổi bơm kim tiêm và bao cao su tại
45 xã, phường trọng điểm toàn tỉnh, tham mưu xây dựng kế hoạch mở rộng điều trị
Methadone tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014 - 2015 và tăng số lượng bệnh nhân nghiện
ma túy được sử dụng và điều trị Methadone; làm tốt công tác giám sát HIV/AIDS,
trong đó chú trọng phát hiện các đối tượng nhiễm mới và giám sát tình hình diễn
biến của HIV/AIDS hiện nay…
Trần Ngọc
Nguồn yenbai.gov.vn
[TT: TBC]