Nỗi lo vùng “bão trắng”

17/12/2014 Lượt xem: 491 In bài viết

Nỗi đau con trẻ…

Từ trung tâm huyện Quan Hoá, chúng tôi không khó để tìm đến địa chỉ xã Hồi Xuân khi vị trí địa giới của xã này nằm giáp ranh với thị trấn. Con đường mà anh Hà Văn Trường - Trưởng công an xã dẫn chúng tôi đi, hai bên đường san sát hàng quán dịch vụ. Nhưng những gì chúng tôi nhìn thấy chỉ phản ánh một phần đời sống khá giả "đột biến” bất thường của một bộ phận người dân xã vùng cao này. Được xem là ngã ba trung tâm từ Mai Châu (Hoà Bình) sang; từ huyện Mường Lát xuống và tiếp giáp huyện Bá Thước nên đây là lý do chính dẫn tới tình hình trật tự - xã hội nơi đây trở nên phức tạp, với nhiều tệ nạn xã hội. Trong đó, vấn đề buôn bán ma tuý, nghiện hút cho tới căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS là một trong những thực trạng nhức nhối.

Đến thăm gia đình bà Hà Thị Hiếm (76 tuổi, bản Khằm), chúng tôi như thấu hiểu phần nào nỗi đau của bà khi con cái lầm đường, lạc lối. Vẻ khắc khổ hiển hiện trên gương mặt gầy, đôi mắt sâu hoắm bà rưng rưng bảo: "Với tôi nỗi đau chưa bao giờ nguôi dứt. Tôi thương con tôi 1 phần thì thương đứa cháu nhỏ côi cút 10 phần”.

Nhìn qua khung cửa, bà chỉ ngôi nhà mà vợ chồng Đạt (con thứ 4 trong gia đình - đã mất vì nhiễm HIV/ AIDS) được xây lên gần đó. Ngôi nhà chưa ở được bao lâu thì vợ Đạt bỏ đi, để lại cho anh đứa con còn bi bô tập nói. Đạt chán chường cũng theo bạn bè đi làm ăn xa với niềm hy vọng "cuộc sống khá hơn thì vợ sẽ về với anh và con”. Nhưng niềm mơ ước ấy đã đổ sập trước những cám dỗ của xã hội mà Đạt không thể vượt qua, lao vào nghiện ngập, rồi nhiễm HIV/AIDS. Căn nhà nhỏ hoang lạnh do vợ chồng anh xây cất bỏ không, nay lại càng trở nên lạnh lẽo hơn khi Đạt nằm co ro tới chết (tháng 2-2014).

Đứa trẻ bi bô năm nào, ngồi trước chúng tôi nay đã 11 tuổi, được cắp sách tới trường nhờ sự đùm bọc của người thân, của tình làng, nghĩa xóm. Thế nhưng, nỗi đau không mẹ, không cha, đứa trẻ mồ côi ấy trở nên lầm lì, ít nói, rụt rè hơn trong giao tiếp xã hội… "Rồi tương lai sau này của cháu sẽ ra sao khi tôi không còn?” là nỗi lo lắng của bà Hiếm.

Trường hợp gia đình bà Hiếm cũng chỉ là một trong số cả trăm trường hợp đau xót diễn ra nơi vùng "bão trắng” HIV/AIDS như: Cảnh hộ gia đình bà Hà Thị Dung (65 tuổi) một mình nuôi 2 cháu nhỏ mồ côi cả cha và mẹ; trường hợp bà Cao Thị Thi nuôi đứa cháu gái mồ côi cả cha và mẹ… mà chúng tôi ghi lại được từ những con số thống kê do xã Hồi Xuân cung cấp.

Trong số cả chục người chết vì HIV/AIDS, cả trăm trường hợp nghiện hút ma tuý thì đa phần những đối tượng này đều đang gánh trên vai trọng trách của những bậc làm cha, làm mẹ. Mặc dù, đã có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ đối với các em nhưng những thiếu hụt to lớn ấy đang tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai, sự phát triển, cũng như sự hoà nhập xã hội của các em sau này.


Tiềm ẩn nhiều nỗi lo

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng huyện Quan Hoá, đến tháng 5/2014 toàn huyện có 597 người nhiễm HIV (trong đó 110 trường hợp là phụ nữ, 487 trường hợp là nam giới); 223 trường hợp đã chết vì căn bệnh thế kỷ, còn sống 379 người; hơn 200 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và cả cha mẹ (trong đó hơn 20 trẻ em đã chết, 2 trường hợp đang điều trị ARV). Riêng tại xã Hồi Xuân 5/2014 số người nhiễm HIV/AIDS là 87 người, 35 người đã chết, còn sống 53 người (40 người đang được điều trị ARV, chưa điều trị 12 người, chết 2 người)…

Mặc dù những người nhiễm HIV/AIDS đã được quan tâm, phát hiện (đặc biệt là đối tượng trẻ em và phụ nữ) với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng nhằm hạn chế tối đa sự lây nhiễm HIV/AIDS cũng như tình trạng nghiện hút ma tuý trên địa bàn. Thế nhưng, những tiềm ẩn nguy cơ nghiện hút, nhiễm HIV/AIDS nơi đây vẫn rất cao khi mà tình trạng nghiện hút vẫn xuất hiện, số người tái nghiện vẫn còn.

Theo ông Lữ Đình Bưu - Phó chủ tịch UBND xã Hồi Xuân cho biết, mặc dù số người nghiện hút có giảm nhưng số người chết lại tăng lên; quy mô không chỉ tập trung ở bản Khằm mà đã lan rộng sang các bản khác như bản Ban, bản Mướp, bản Nghèo, bản Khó. Ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng bản Khằm thì lo lắng: "Đa phần những người nghiện sau khi cai nghiện trở về gia đình đều có tỷ lệ tái nghiện cao do có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, công ăn việc làm không ổn định”.

Mặc dù, hiện nay tình hình " bão trắng” ở Hồi Xuân đã được kiểm soát nhưng nỗi đau vẫn hiện hữu ở mỗi gia đình, trên mỗi gương mặt trẻ thơ khi thiếu đi hình bóng người cha, người mẹ.

Đình Giang

Nguồn daidoanket.vn

[TT: TBC]