Diện tích trồng cây thuốc phiện ở Myanmar và Lào
đứng ở mức 63.800 ha vào năm 2014, tăng gần 3.000 ha so với 61.200 ha vào năm
2013, đây là năm thứ 8 tăng liên tiếp. Từ đó, khu vực “tam giác vàng” sản xuất
khoảng 762 tấn thuốc phiện, mà từ đó có thể chế ra 76 tấn heroin, văn phòng LHQ
về ma túy và tội phạm cho biết khi tiến hành khảo sát thuốc phiện trong khu vực
Đông Nam Á năm 2014.
Trong đó, Myanmar là nước sản xuất nhiều thuốc phiện nhất. Hầu hết việc sản xuất
thuốc phiện ở Myanmar tập trung tại bang Shan nằm ở miền bắc, giáp biên giới với
Trung Quốc, và các nhóm sắc tộc thiểu số tại đây dựa vào nguồn thu từ thuốc
phiện để tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài nhiều năm qua.
"Những cuộc khảo sát nông dân Myanmar chỉ ra rằng thu nhập chính của họ có được
chủ yếu từ việc trồng cây thuốc phiện", Giám đốc điều hành Cơ quan phòng chống
Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc(UNODC) Yury Fedetov cho biết.
Theo báo cáo của UNODC, tình trạng sản xuất thuốc phiện ở Myanmar rất khó dập
tắt triệt để vì người dân coi loài cây bất hợp pháp này là nguồn thu nhập chính,
dễ dàng giúp người nông dân chống chọi lại các vấn đề an ninh lương thực và đói
nghèo. Những người này sống tại các khu vực hẻo lánh và không có lựa chọn công
việc nào khác.
Bản báo cáo cho biết đã có một sự gia tăng trong việc sử dụng heroin ở Trung
Quốc, Lào, Singapore và Thái Lan vào năm 2014, đặc biệt là dùng thuốc phiện khi
lái xe.
“Tam giác vàng” là khu vực rừng núi hiểm trở huyền thoại nằm giữa biên giới 3
nước Lào, Myanmar và Thái Lan nổi tiếng là nơi trồng và sản xuất heroin lớn nhất
thế giới. Bằng những nỗ lực của chính phủ 3 nước, nơi này đã không còn dấu tích
của những cánh đồng anh túc từ năm 1990 và bắt đầu trồng trọt hoa màu từ năm
2000.
Tuy nhiên, giới chức trách nhận thấy sự hồi sinh của cây thuốc phiên vào năm
2006, do nhu cầu thị trường tăng cao cũng như sự phát triển của hạ tầng giao
thông, thúc đẩy thương mại bất hợp pháp loại cây này.
Hiện Afghanistan là quốc gia sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.
Thu Hà
Nguồn tiengchuong.vn
[TT: TBC]