Methadone hy vọng cho người nghiện ma túy, hiệu quả trong phòng chống HIV/AIDS

28/10/2014 Lượt xem: 541 In bài viết

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được chính thức triển khai thí điểm tại Việt Nam từ tháng 4/2008 tại thành phố Hài Phòng và thành phố Hồ Chí Minh. Với những thành công bước đầu tại 2 thành phố, từ năm 2011 đến nay, chương trình liên tục được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Tính đến 30/6/2014, chương trình đã được triển khai tại 32 tỉnh/thành phố với 101 cơ sở, điều trị cho 18.157 bệnh nhân. Một số địa phương có chương trình điều trị bằng Methadone đạt độ bao phủ cao (tính trên số người nghiện chích ma túy được quản lý) như: Hải Phòng (43,2%), Nam Định (42,6%), Quảng Ninh (30,5%), Cần Thơ (29,9%)... Tuy nhiên, vẫn còn có 31 tỉnh chưa triển khai và 5 tỉnh đã triển khai nhưng đạt mức bao phủ thấp dưới 5%.

Thực tế đã chứng minh các phương pháp cai nghiện chất dạng thuốc phiện bắt buộc ít có hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện cao. Điều trị nghiện bằng thuốc thay thế từ lâu đã được coi là một biện pháp can thiệp giảm tác hại có hiệu quả cho nhóm đối tượng nghiện chích ma túy. Một số thuốc thay thế đang được sử dụng trên thế giới như: Methadone, Buprenorphin, LAAM... Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ rằng, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone giúp người nghiện chích ma túy giảm việc sử dụng ma túy, giảm các hành vi gây hại liên quan đến việc sử dụng ma túy. Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, chương trình Methadone được triển khai đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm được điều trị. Trước khi tham gia điều trị, 100% đối tượng đã sử dụng Heroin. Sau 6 tháng điều trị, số bệnh nhân tiếp tục sử dụng ma túy giảm xuống còn 19,29% và sau 24 tháng chỉ còn 15,87%. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV. Nếu trước khi điều trị có trên 86,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, thì sau 6 tháng điều trị, tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4%. Sau 24 tháng điều trị, trong 1000 bệnh nhân chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm mới HIV. Việc giảm tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm, tăng tỷ lệ sử dụng bao cao su trong nhóm bệnh nhân tham gia chương trình đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ nhóm đối tượng tiêm chích ma túy sang bạn tình của họ và cộng đồng. Chương trình điều trị bằng Methadone còn giúp nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân, mang lại lợi ích kinh tế, an ninh, xã hội. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: “nếu không tham gia điều trị, trung bình một người nghiện tiêu tốn khoảng 230.000 đồng/ngày, khoảng 84 triệu đồng/ năm. Trong khi đó, chi phí điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone chỉ từ 6-8 triệu đồng/năm. Với việc đang điều trị cho 18.157 bệnh nhân, chúng ta sẽ tiết kiệm được khoảng 1.524 tỷ đồng mỗi năm”.

Công tác triển khai điều trị thay thế bằng Methadone đang gặp nhiều khó khăn

BS.Phan Trọng Khánh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng cho biết, hiện nay, cơ sở đang tiếp nhận điều trị cho gần 500 người bệnh. Phần lớn người bệnh là người nghiện ma túy lâu năm, từng cai nghiện ma túy nhiều lần mà không thành công. Sau giai đoạn dò liều, trung tâm sẽ chuyển người bệnh sang giai đoạn điều trị duy trì. Kết quả là đến nay, nhiều người đã từ bỏ được ma túy, qua kiểm tra cho thấy kết quả hơn 90% số người bệnh có phản ứng âm tính với ma túy, trong số đó có đến 76% số người có việc làm (trước khi điều trị chỉ 30% số người có việc làm). Người bệnh hồi phục sức khỏe, tinh thần ngày càng thoải mái, cải thiện được các mối quan hệ gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện các cơ sở điều trị Methadone tại Hải Phòng đều bị quá tải. Nhiều gia đình người bệnh sẵn sàng trả thêm tiền để được ưu tiên vào điều trị.

Đề đạt được mục tiêu điều trị cho 81.047 bệnh nhân vào năm 2015 theo quy định tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone năm 2014-2015. Thì từ nay đến cuối năm 2015, tại 61 tỉnh/thành phố cần mở thêm 101 cơ sở điều trị , nâng số cơ sở điều trị trên toàn quốc lên 296 cơ sở. Để đạt chỉ tiêu điều trị cho trên 80.000 bệnh nhân vào cuối năm 2015, các tỉnh cần tăng thêm 62.000 bệnh nhân, tức là gấp 4 lần so với hiện nay. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình điều trị thay thế bằng Methadone đang gặp nhiều khó khăn do sự thiếu quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Một số UBND tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch triển khai chương trình, nhưng không kèm theo nguồn lực, hoặc nguồn lực không đảm bảo. Đặc biệt là về việc bố trí cơ sở vật chất và nhân lực. Do vậy, nhiều cơ sở nằm trong kế hoạch 2014 nhưng trên thực tế không được triển khai; nguồn nhân lực cho điều trị Methadone gặp khó khăn do hầu hết cán bộ tham gia công tác là kiêm nhiệm hoặc do dự án viện trợ nước ngoài trả lương; thiếu kinh phí hoạt động do công tác điều trị bằng Methadone chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ. Hiện nay, các nhà tài trợ đã công bố lộ trình cắt giảm kinh phí viện trợ. Trong khi đó, nhiều địa phương coi chương trình Methadone thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS nên không bố trí kinh phí triển khai, mà yêu cầu ngành y tế lo nguồn lực để thực hiện. Vì vậy, một số địa phương đã không mở thêm được điểm điều trị, hoặc đã có thì khó có thể tăng được số lượng bệnh nhân, ngay cả khi có nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, cấp chứng chỉ điều trị Methadone cũng gặp khó khăn, do trong 5 cơ sở được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo, cấp chứng chỉ điều trị Methadone chỉ có duy nhất trường Đại học Y Hà Nội đang triển khai thực hiện.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng, chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014, định hướng 2015, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, UBND tỉnh/thành phố phối hợp với ngành y tế bố trí, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có để thực hiện mục tiêu đã đề ra; Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẩn trương phối hợp với các cơ sở đào tạo nhanh chóng mở rộng mạng lưới đào tạo cấp chứng trị điều trị Methadone. Thứ trưởng nhấn mạnh, Sở Y tế, UBND các tỉnh/thành phố có thể linh hoạt trong việc mở mới các trung tâm điều trị Methadone - “ Bất cứ một cơ sở y tế của địa phương là bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm y tế dự phòng…, nếu có đủ điều kiện thì có thể quy hoạch, triển khai xây dựng thành cơ sở điều trị Methadone”. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có những chỉ đạo, can thiệp quyết liệt nhằm đạt được chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao và để người nghiện ma túy có được cơ hội tiếp cận với biện pháp cai nghiện hiệu quả hàng đầu hiện nay.

Diệu Linh (Sưu tầm)

Nguồn soyte.hanoi.gov.vn

[TT: TBC]