27 triệu người trên thế giới đang bị lệ thuộc ma túy

01/07/2014 Lượt xem: 489 In bài viết

Theo bà Zhuldyz Akisheva - Giám đốc Quốc gia UNODC tại Việt Nam, thông qua công bố báo cáo tình hình ma túy thế giới năm 2014, UNODC kêu gọi chú trọng nhiều hơn vào sức khỏe và quyền con người của tất cả những người sử dụng ma túy, đặc biệt là nhóm tiêm chích ma túy.

Buôn bán và vận chuyển ma túy vẫn là mối lo ngại lớn của thế giới

Để đạt được sự thành công trong nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ma túy đòi hỏi phải có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Trong đó, tập trung cách tiếp cận cân bằng và toàn diện nhằm giải quyết vấn đề cung, cầu và phải được bổ trợ bằng các biện pháp chứng thực với trọng tâm là ngăn ngừa, điều trị, phục hồi và hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, thông điệp của ngày Thế giới phòng chống ma túy năm nay là “Hãy hy vọng: Có thể phòng ngừa và điều trị các rối loạn do sử dụng ma túy".

Bà Zhuldyz Akisheva cho biết, thế giới vẫn đang lo ngại về việc buôn bán, vận chuyển ma túy, đặc biệt là các chất hướng thần hiện đang khá phổ biến ở các quốc gia châu Âu, châu Á và một số quốc gia ở Châu Phi.

Có nhiều người sử dụng ma túy đã sử dụng chất hướng thần, heroin như để thay thế cho các loại y dược giảm đau, hành động của họ chủ yếu do yếu tố giá rẻ và khả năng tiếp cận. Trong khi đó, những người lệ thuộc thuốc phiện (opiod) tại Mỹ chuyển từ opiod dược phẩm sang heroin và người sử dụng ma túy tại một số quốc gia châu Âu đang dần thay thế heroin bằng opiod tổng hợp.

Đáng lưu ý, sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động sản xuất thuốc phiện tại Afghanistan là một thách thức khi diện tích canh tác đã tăng 36% từ 154.000 héc-ta vào năm 2012 lên 209.000 héc-ta vào năm 2013. Afghanistan sản xuất khoảng 5.500 tấn, tương đương với 80% sản lượng thuốc phiện toàn cầu.

Tại Myanmar, diện tích trồng cây thuốc phiện bao phủ 57.800 héc-ta và tiếp tục gia tăng hoạt động canh tác kể từ khi bắt đầu từ năm 2006. Trong năm 2013, sản lượng heroin toàn cầu tăng trở lại mức của những năm 2008 và 2011.

Lượng cocain sẵn có trên toàn cầu đã giảm trong bối cảnh hoạt động sản suất cocain suy giảm kể từ năm 2007. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng cocain tại Bắc Mỹ vẫn cao, tỷ lệ tiêu thụ và hoạt động buôn lậu cocain gia tăng tại Nam Mỹ. Bên cạnh đó, tỉ lệ sử dụng cocain tại châu Phi gia tăng do hoạt động buôn lậu cocain lan vào lục địa này. Do khả năng chi tiêu được cải thiện, một số quốc gia châu Á phải đối mặt với khả năng làn sóng sử dụng cocain xâm nhập vào nội địa.

Xét trên bình diện toàn cầu, việc sử dụng cần sa có hướng giảm nhưng do tồn tại những quan điểm cho rằng sử dụng cần sa sẽ có ít nguy cơ với sức khỏe hơn nên tại Bắc Mỹ, sức tiêu thụ lại gia tăng. Mặc dù còn quá sớm để nhìn hết được những tác động mà những khung pháp lý mới mang lại trong việc hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa phục vụ mục đích giải trí tại một số bang của nước Mỹ và tại Uruguay với một số điều kiện nhất định nhưng tại nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả Bắc Mỹ, ngày càng có nhiều người phải điều trị vì các chứng rối loại liên quan đến cần sa.

Trong vòng 3 năm qua, lượng Methamphetamine bị thu giữ đã tăng gấp đôi trên phạm vi toàn cầu. Hoạt động sản xuất Methamphetamine mở rộng tại Bắc Mỹ với số lượng lớn các phòng thí nghiệm bị giải thể tại Mỹ và Mexico. Trong số 144 tấn chất kích thích dạng amphetamine (ATS) bị thu giữ trên toàn cầu thì 1/2 thu giữ tại Bắc Mỹ và 1/4 tại Đông Á và Đông Bắc Á. Từ năm 2009 đến năm 2013, số lượng các chất kích thần không được quản lý trên thị trường toàn cầu đã tăng hơn hai lần.

Thị trường ma túy có dấu hiệu mở rộng mạnh ở Đông Á và Đông Nam Á

Tại Đông Á và Đông Nam Á, việc sử dụng Methamphetamine tiếp tục gia tăng tại hầu hết các quốc gia. Năm 2013, gần 230 triệu viên Methamphetamine và 11,6 tấn Methamphetamine dạng đá đã bị thu giữ.

Heroin vẫn là loại ma túy “phải quan tâm” tại một số quốc gia trong khu vực bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Myanmar và Việt Nam. Sau giai đoạn tăng đột biến từ năm 2008 đến 2011, lượng heroin bị bắt giữ năm 2012 và 2013 tương đương nhau và điều này cho thấy xu hướng ổn định nhưng vẫn ở mức cao với trên 9 tấn bị thu giữ mỗi năm. Việc thu giữ này trùng hợp với hiện tượng canh tác cây thuốc phiện gia tăng trở lại tại khu vực Tam giác vàng, khu vực có tỷ lệ tăng theo từng năm kể từ năm 2006 và hiện diện tích canh tác ở con số 60.000 héc-ta.

Ông Jeremy Douglas - Trưởng Đại diện khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC cho rằng: “Thị trường ma túy tại Đông Á và Đông Nam Á có dấu hiệu cho thấy đang mở rộng mạnh mẽ. Các quốc gia trong khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong công tác thực thi pháp luật, công lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe cần được cộng đồng quốc tế hỗ trợ”.

Đông Á và Đông Nam Á và Nam Á tiếp tục là nguồn cung cấp các tiền chất pseudoephedrine và ephedrine sử dụng phi pháp vào việc sản xuất methamphetatamine trong khu vực và tại các khu vực khác trên thế giới. Cùng với đó, số lượng các công ty trung gian tạo cơ hội cho hoạt động chuyển đổi đang gia tăng ở khu vực châu Á. Các nước đứng đầu về lượng xuất khẩu tiền chất tại châu Á là Hàn Quốc, sau đó đến Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ. “Các quốc gia trong khu vực và các đối tác trên thế giới cần tăng cường mạnh mẽ hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát tiền chất”, ông Douglas nhận định.

Trong bối cảnh nỗ lực truy quét tiền chất đạt được nhiều thành công, hiện nay các đối tượng tội phạm đã và đang sử dụng các thủ đoạn mới như thiết lập các công ty ma và chuyển đổi mục đích sử dụng tiền chất ngay trong nước để tránh hoạt động kiểm soát quốc tế. Một loại chất “tiền-tiền chất” mới chưa được quản lý đã mau chóng xuất hiện thay thế cho các tiền chất đã bị quản lý để sản xuất ma túy tổng hợp như Methamphetamine. Chính vì vậy UNODC đề nghị các quốc gia phải cảnh giác hơn bằng việc “giám sát các luồng hóa chất toàn cầu có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hoạt động buôn lậu và sản xuất các loại ma túy tổng hợp đang gia tăng và nằm ngoài khả năng kiểm soát bằng các biện pháp giảm cung truyền thống", ông Douglas nói.

 

Thùy Chi

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]