Hội nghị điều phối về phòng chống HIV/AIDS khu vực biên giới thuộc tỉnh Thanh Hóa, Sơn La - Việt Nam và tỉnh Hủa Phăn - Lào
13/06/2014 Lượt xem: 452 In bài viếtNhằm tăng cường hợp tác trong công tác phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới giữa Việt Nam và Lào, trong hai ngày 21 và 22/5/2014, tại thị xã Sần Nưa, tỉnh Hủa Phăn Sở Y tế ba tỉnh Hủa Phăn - Lào, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Sơn La - Viêt Nam đã tổ chức Hội nghị điều phối về phòng, chống HIV/AIDS với sự tài trợ của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển Châu Á (Dự án TA 8204-ADB). Tham dự Hội nghị có gần 100 đại biểu, đến từ Ủy ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh, Ủy ban nhân dân và trung tâm y tế các huyện có chung cửa khẩu quốc tế giữa 2 nước, các đại diện của Sở Ngoại vụ, biên phòng của 3 tỉnh. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, phía Bộ Y tế Việt Nam có ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm Trưởng đoàn. Phía Bộ Y tế Lào có ông Siravath Soutthaniraxay Phó Vụ trưởng CDC làm Trưởng đoàn.
Hội nghị đã được nghe báo cáo về tình hình dịch HIV/AIDS, các yếu tố nguy cơ và kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS của ba tỉnh.
Tính đến tháng 4/2014, toàn tỉnh Sơn La đã phát hiện được 9.624 người nhiễm HIV, trong đó có 2.585 người đã tử vong, hiện còn sống là 7.039 người, trong đó tại địa bàn 5 huyện biên giới giáp Lào của tỉnh Sơn La có 3.339 người nhiễm HIV còn sống. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 14%, nhóm phụ nữ bán dâm là 6%. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại Sơn La đã triển khai khá toàn diện từ hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại bằng bao cao su, bơm kim tiêm đến điều trị bằng thuốc ARV và điều trị nghiện bằng Methadone. Có 2 cửa khẩu quốc gia là Lóng Sập thuộc huyện Mộc Châu và Chiềng Khương thuộc huyện Sông Mã. Hàng ngày có từ 120 - 200 người qua lại, chủ yếu đi làm ăn, buôn bán và thăm thân.
Tại tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 3/2014 hiện có 5.470 người nhiễm HIV, số đã tử vong là 1.070 người. 5 huyện giáp với Lào của tỉnh thuộc 10 huyện có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất toàn tỉnh. Kết quả điều tra dịch tễ học HIV tại các huyện biên giới rất đáng báo động. Điều tra trong cộng đồng người dân tộc Thái năm 2006 có 3% nhiễm HIV, đến năm 2012 là 1%. Điều tra ở người nghiện chích ma túy thuộc huyện Quan Hóa năm 2008, có 56% nhiễm HIV. Kết quả điều tra cặp vợ chồng người nghiện chích ma túy ở huyện Mường Lát, Quan Hóa có 54,5% người chồng nhiễm HIV, ở người vợ là 15%. Với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án Thanh Hóa đã triển khai các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khá đồng bộ, bước đầu đã khống chế sự gia tăng người nhiễm HIV trong mấy năm gần đây. Có cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, trung bình có khoảng 200 người qua lại hàng ngày.
Hủa Phăn là tỉnh đất rộng, người thưa, với mật độ dân số 17 người/km2. Tỉnh phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên năm 2006, đến nay đã phát hiện được 30 người nhiễm HIV, trong đó đã tử vong 10 người. Tuy nhiên, số người mắc các bệnh lây qua đường tình dục được phát hiện hàng năm khá cao từ 450 đến 500 người. Đây là chỉ số cảnh báo về tình trạng quan hệ tình dục không an toàn và có nguy cơ làm lây nhiễm HIV. Tỉnh Hủa Phăn có 4 cơ sở xét nghiệm HIV và chưa triển khai điều trị bằng ARV. Theo báo cáo của Sở Xuất nhập cảnh năm 2013, có 1.270 người Việt Nam, trong đó 131 nữ và 220 người Trung Quốc, trong đó có 97 nữ sang Lào làm ăn sinh sống. Tuy nhiên số dân đi qua biên giới theo đường mòn, đường tiểu ngạch khá phổ biến và rất khó quản lý, kiểm soát.
Tại Hội nghị, đại biểu đã được chia nhóm thảo luận để thống nhất Biên bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống HIVAIDS khu vực biên giới giữa 3 tỉnh và kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 và những năm tiếp theo. Những lĩnh vực hợp tác chính bao gồm:
1. Tăng cường cải thiện môi trường chính sách và cơ chế hợp tác:
i) Hỗ trợ cải thiện môi trường chính sách và xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho các nhóm dễ bị tổn thương;ii) Nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý chương trình phòng, chống HIV/AIDS của ba tỉnh biên giới.
2. Nâng cao năng lực để cung cấp các dịch vụ phù hợp, dễ tiếp cận, chất lượng cho các nhóm dễ bị ảnh hưởng:
i) Nâng cao năng lực, tổ chức triển khai tư vấn xét nghiệm tự nguyện, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác;
ii) Nâng cao năng lực hoạt động điều trị, chăm sóc và hỗ trợ HIV/AIDS.
iii) Triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới như: thông tin, giáo dục, truyền thông và truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị.
3. Giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm đối tượng chính bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:
i) Tiến hành lập bản đồ điểm nóng các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; thực hiện các nghiên cứu, đánh giá liên quan đến lây nhiễm HIV/AIDS tại khu vực biên giới, trong nhóm có hành vi nguy cơ cao, đồng bào dân tộc, dân nhập cư và di biến động;
ii) Phối hợp xây dựng các tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông bằng nhiều ngôn ngữ; và
iii) Đẩy mạnh chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su trong phòng, chống HIV/AIDS.
Sau hai ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Lãnh đạo các Sở Y tế đã thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ và khung kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới giữa 3 tỉnh đến năm 2017 trong không khí đoàn kết và thắm tình hữu nghị.
ThS Hoàng Đình Cảnh phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị
Nguồn vaac.gov.vn
[TT: TBC]