Tăng cường hợp tác trong phòng chống HIV/AIDS khu vực biên giới Việt Nam và Lào

21/05/2014 Lượt xem: 796 In bài viết

Hội nghị đã được nghe báo cáo về tình hình dịch HIV/AIDS, các yếu tố nguy cơ và kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS của hai tỉnh Kon Tum và Attapư, kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS qua biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Việt Nam và Houphan - Lào. Báo cáo đã phân tích cụ thể tình hình dịch HIV/AIDS của hai tỉnh vẫn đang ở mức độ chưa cao nhưng chứa đựng các yếu tố nguy cơ có thể bùng phát dịch như: hiện đang có gần 20 nghìn công nhân người Việt và Lào đang làm việc tại các dự án thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Sông Đà,... trong các dự án trồng cây cao su, trồng mía, khai thác gỗ, khoáng sản, xây dựng sân bay...Họ đều là những người ở độ tuổi trẻ, sống xa nhà nếu không có đủ kiến thức về HIV thì rất dễ có những hành vi làm lây nhiễm HIV.

Tại Hội nghị Tiến sĩ Phạm Đức Mạnh Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phát biểu về sự cần thiết tăng cường công tác hợp tác trong phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới Việt - Lào và chỉ đạo trong thời gian tới hai tỉnh cần thực hiện một số nội dung sau: Cần ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai tỉnh trong việc phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới; Xây dựng kế hoạch hành động và triển khai thí điểm một số mô hình phòng, chống HIV/AIDS cho nhân dân khu vực vùng biên; Tăng cường trao đổi thông tin về tình hình dịch HIV/AIDS, đặc biệt các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV tại khu vực vùng biên; Định kỳ tổ chức các chuyến thực địa, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống HIV/AIDS giữa hai tỉnh. Ông cũng đề nghị Dự án TA 8204 - ADB ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho tỉnh Kon Tum để triển khai thí điểm một số can thiệp phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực vùng biên giới.

Sau buổi thảo luận tại Hội trường, Sở Y tế hai tỉnh Kon Tum và Attapư đã thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới với những nội dung sau:

1. Trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống HIV/AIDS thông qua các chuyến công tác của cán bộ y tế (cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn, kỹ thuật) hai tỉnh đến thăm và làm việc nhằm chia sẻ những bài học hay, những kinh nghiệm tốt trong quản lý dịch HIV/AIDS, trong cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

2. Phối hợp triển khai các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua đường biên giới, bao gồm: Phối hợp điều tra, khảo sát về tình hình nhiễm HIV/AIDS tại các khu vực có chung đường biên giới; Thông tin, giáo dục truyền thông nhằm thay đổi hành vi bằng nhiều hình thức, đa dạng và bằng ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống tại khu vực có chung đường biên giới; Thiết kế các tài liệu truyền thông phòng, chống HIV/AIDS bằng chữ Lào và chữ Việt; Nghiên cứu, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại như cung cấp miễn phí hoặc bán tiếp thị xã hội bơm kim tiêm, bao cao su, mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế dành cho người có hành vi nguy cơ cao sinh sống tại khu vực biên giới; người di biến động qua biên giới; Phối hợp triển khai hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV cho người lao động di cư, người Lào sinh sống ở khu vực biên giới; Tư vấn, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS sinh sống tại khu vực có chung đường biên giới với đầy đủ quyền lợi như người dân Việt Nam tại 02 phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi và huyện Đăk Tô; Phối hợp đào tạo ngắn hạn, tập huấn chuyên môn và hỗ trợ kỹ thuật về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.




Bà Nguyễn Thị Ven đọc diễn văn văn khai mạc Hội nghị




TS Phạm Đức Mạnh phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị



Ông Siravath Soutthaniraxay Phó Vụ trưởng CDC Bộ Y tế Lào phát biểu ý kiến tại Hội nghị



Ông Scott Bamber cố vấn kỹ thuật Dự án TA 8204-ADB phát biểu ý kiến tại Hội nghị


Nguồn vaac.gov.vn

[TT: TBC]