Đồng nhiễm Lao/HIV gây nguy cơ tử vong cao
16/05/2014 Lượt xem: 963 In bài viếtTheo kết quả điều tra nghiên cứu vừa được công bố tại hội thảo "Bệnh lao tại Lai Châu - thực trạng và giải pháp" thì tỷ lệ đồng nhiễm Lao/HIV là 30%, con số này cho thấy tỷ lệ đồng nhiễm Lao/HIV đang có xu hướng gia tăng. Đây không chỉ là thách thức mà ngành Y tế tỉnh đang phải đối mặt mà còn là nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và là gánh nặng kinh tế xã hội do bệnh lao gây ra.
Trong những năm gần đây, với sự tiến bộ của y học
hiện đại, những bệnh nhân mắc lao bình thường đã có thể chữa khỏi, nhưng đối với
những bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV thì việc điều trị rất khó khăn, tốn kém và ít
hiệu quả, đa số các bệnh nhân Lao/HIV đều nhập viện khi hệ thống miễn dịch của
cơ thể bị suy giảm hoàn toàn và bệnh tiến triển nhanh dẫn đến nguy cơ tử vong
cao.
HIV là loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Người bị nhiễm HIV sẽ bị vi
rút HIV tấn công tiêu hủy dần các tế bào miễn dịch làm suy giảm hệ thống miễn
dịch của cơ thể, tạo thuận lợi cho các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội đặc biệt là nhiễm
khuẩn lao. Khi đó người bệnh cùng một lúc mắc nhiều loại bệnh: vi rút HIV và
nhiễm khuẩn lao, làm cho người nhiễm HIV dễ mắc bệnh lao đồng thời làm tăng sự
phát triển của vi rút HIV, gây suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tỷ lệ đồng nhiễm
Lao/HIV đang có xu hướng gia tăng theo các năm, đến thời điểm này toàn tỉnh có
2.384 trường hợp nhiễm HIV, trong đó đồng nhiễm Lao/HIV 35 trường hợp. Những
trường hợp đồng nhiễm Lao/HIV không chỉ có nguy cơ lây lan mạnh ra cộng đồng mà
còn gây nguy cơ tử vong cao đối với người đồng nhiễm Lao/HIV.
Bệnh lao là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Đối với người khỏe mạnh,
bình thường thì tỷ lệ nhiễm lao chuyển thành bệnh lao là rất ít chỉ khoảng 1/10
người do sức đề kháng của cơ thể các tế bào miễn dịch tốt. Nhưng đối với người
nhiễm HIV, hệ thống các tế bào miễn dịch bị phá vỡ, bệnh lao có cơ hội bùng phát.
Người nhiễm HIV bị bệnh lao do suy giảm hệ thống miễn dịch trong cơ thể, thường
mắc các thể lao ngoài phổi đã kháng đa thuốc.
“Đối với bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV Bệnh viện đã có khoa Lao/HIV kháng thuốc
và có chế độ chăm sóc, điều trị đặc biệt cho những bệnh nhân này. Các bệnh nhân
được điều trị bệnh lao theo phác đồ điều trị đảm bảo tuân thủ theo thời gian,
đồng thời bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc điều trị dự phòng HIV/AIDS”, Bác sĩ
Dương Đình Đức, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết. Nhưng để điều
trị cho bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV rất khó khăn, ít hiệu quả, do bệnh tiến
triển nhanh và nguy cơ gây tử vong cao, mặc dù đã được điều trị bằng cả thuốc
đặc trị lao và thuốc kháng vi rút dự phòng HIV.
Do vây, để đảm bảo cho việc chăm sóc và điều trị hai loại bệnh nguy hiểm này,
ngành Y tế và các cấp, chính quyền địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tập trung
ưu tiên mọi nguồn lực cho Chương trình chống lao, Chương trình Phòng chống
HIV/AIDS, từng bước đẩy lùi được tình trạng lây lan của bệnh lao, HIV tại địa
phương. Chương trình chống lao tỉnh cần có đường lối mới tập trung nguồn lực
để phát hiện các bệnh nhân lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Nâng cao hiệu quả của
Trung tâm giáo dục sức khỏe góp phần làm tăng tỷ lệ người nghi lao đến khám và
làm xét nghiệm đờm. Chủ động phát hiện, theo dõi những người tiếp xúc với nguồn
lây chính, làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin BCG (Bacille Calmette-Guerin) mở
rộng nhằm giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm
bệnh lao.
Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh công tác phát hiện bệnh sớm tại tất cả các tuyến
nhất là các tuyến cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và
các cơ sở y tế trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc điều
trị đối với những bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV-AIDS trên địa bàn thông qua các
cuộc giao ban lồng ghép Lao/HIV. Hai loại bệnh nguy hiểm này cần phải được theo
dõi đưa vào danh sách quản lý, điều trị sớm để tránh lây lan ra cộng đồng. Việc
triển khai rộng rãi và hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Chương trình phòng,
chống lao và Chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ làm giảm tử vong do lao và
các bệnh lý liên quan tới HIV/AIDS. Đặc biệt là giảm tỷ lệ lao đồng nhiễm HIV,
lao kháng thuốc, góp phần ngăn chặn có hiệu quả những căn bệnh gây nguy hiểm đến
sức khỏe của cộng đồng, giảm gánh nặng kinh tế xã hội do bệnh lao gây ra; hướng
tới mục tiêu vì một Việt Nam không còn bệnh lao.
Thanh Phương
Nguồn laichau.gov.vn
[TT: TBC]