Nâng cao vai trò các tổ chức xã hội dân sự trong phòng, chống HIV/AIDS
10/01/2013 Lượt xem: 454 In bài viếtĐây là hội thảo tham vấn lần 3 nhằm trao đổi, thảo luận ý kiến các đại biểu về nội dung cơ bản của chiến lược để đưa ra bản thảo chiến lược cuối cùng. Bên cạnh đó các đại biểu cũng tập trung thảo luận cách thức để các tổ chức dân sự “sử dụng hiệu quả” chiến lược nhằm định hướng hoạt động trong giai đoạn tới.
TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, các tổ chức xã hội dân sự đã có những đóng góp rất tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Các tổ chức xã hội đã và đang ngày càng tham gia tích cực hơn trong ứng phó quốc gia với HIV, đặc biệt trong can thiệp trực tiếp ở cộng đồng, cung cấp các dịch vụ và vận động chính sách.
Chiến lược tăng cường tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến 2020 được dự thảo nhằm thể hiện sự cam kết, đồng thuận của các tổ chức xã hội dân sự, tiến tới bảo đảm tính bền vững trong việc ứng phó với đại dịch HIV/AIDS của quốc gia.
Theo bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, so với khung dự thảo ban đầu, bản dự thảo chiến lược lần này đã đưa ra được những chiến lược, mục tiêu và giải pháp rất rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, chiến lược cần bổ sung phần huy động nguồn lực cộng đồng và xây dựng tiêu chuẩn về nâng cao năng lực, đánh giá, xác nhận chất lượng chuẩn của các tổ chức xã hội để đảm bảo tính hiệu quả trong các công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất những nội dung cơ bản, nhất trí quan điểm, chỉ số đánh giá mục tiêu và 4 mục tiêu cụ thể đã đưa ra trong dự thảo chiến lược. Các đại biểu cũng đã đề xuất và thống nhất sẽ thành lập Ban điều phối, có cơ chế hoạt động đầy đủ với số lượng thành viên thích ứng để hỗ trợ và triển khai thực hiện chiến lược có hiệu quả tốt nhất.
Các mục tiêu của Chiến lược tăng cường tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến 2020. Mục tiêu tổng thể: Đến năm 2020, các tổ chức CSO (xã hội dân sự) trở thành mục đối tác bình đẳng và tham gia hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, góp phần quan trọng vào thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể 1: Tăng cường năng lực cho các tổ chức CSO để có thể chủ động tham gia ứng phó HIV/AIDS một cách bình đẳng và hiệu quả. Mục tiêu cụ thể 2: Tạo ra môi trường pháp lý và xã hội thuận lợi để các tổ chức CSO có thể tham gia xây dựng chính sách, tiếp cận các nguồn lực, cung cấp dịch vụ một cách bình đẳng và hiệu quả trong quá trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể 3: Cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Mục tiêu cụ thể 4: Chủ động theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện chương trình, dự án, chất lượng dịch vụ và hiệu quả đầu tư cho HIV/AIDS. |
Thùy Chi
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]