Một số đặc điểm cơ bản về kinh tế, kỹ thuật và xã hội liên quan mật thiết đến trồng và sử dụng thuốc phiện tại Việt Nam

08/08/2012 Lượt xem: 1721 In bài viết

Cây thuốc phiện thích nghi với khí hậu sương mù, giá lạnh, phát triển được trên đất cằn cỗi, ít bị sâu bệnh, ít bị mất mùa, chu kỳ sản xuất ngắn (gieo trồng cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm trước, thu hoạch cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm sau). Như vậy nó rất phù hợp với vùng cao của Việt nam (cao từ 600 m trở lên, có khi cao tới trên 2700 m so với mặt biển). Năng suất trung bình trên 3kg nhựa/ha (có nơi trên 7kg/ha, một số nước khác có thể đạt được trên 10 kg/ha). Thuốc phiện là loại cây rất dễ trồng, chế biến rất đơn giản; bảo quản, cất trữ rất dễ dàng; vận chuyển gọn nhẹ mà giá trị lại rất cao.

Từ xa xưa cách đây hàng ngàn năm con người đã biết dùng thuốc phiện. Quê hương của cây thuốc phiện là Châu á. Vùng Tam Giác vàng (Myanma, Thái lan, Lào) là trung tâm kinh tế thuốc phiện lớn. Khoảng đầu thế kỷ thứ 17 cây Anh túc được đưa từ Ai lao vào trồng ở biên giới Tây bắc nước ta, rồi lan ra các vùng khác. Năm tháng đã gắn bó cây thuốc phiện với tập quán canh tác và đờì sống của đồng bào dân tộc ít người, đến mức người H'Mông đã có câu: "ở đâu có cây tống quá sủi (cây sống qua mùa đông như cây thuốc phiện, cây thảo quả) sống được thì ở đó có người H'Mông". Hoặc người H'Mông đã nói với ý: "Trời sinh người H'Mông, trời cũng thả cây thuốc phiện xuống mặt đất cho người H'Mông. Thực tế thuốc phiện không chỉ được dùng để hút, thiết đãi nhau trong các ngày vui (làm nhà, dựng vợ gả chống, lễ, tết, ma chay hoặc theo phong tục tập quán khác), mà còn được dùng để chữa bệnh cho người, súc vật. Nó cũng được dùng để trao đổi sản phẩm, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác sản phẩm này đã trở thành hàng hóa buôn bán bất hợp pháp, gây bao hậu quả nguy hại nghiêm trọng trên đất nước ta.

Các tỉnh có trồng cây thuốc phiện ở nước ta có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Nhưng sản xuất và đời sống còn rất thấp kém, cơ sở hạ tầng còn rất lạc hậu. Để thấy rõ và cụ thể hơn về đặc điểm này, chúng tôi xin nêu ra một số chỉ tiêu chủ yếu so sánh giữa bình quân của 16 tỉnh có trồng cây thuốc phiện so với mức chung của cả nước (lấy năm 1993 - năm đầu thực hiện CTQG - 06/CP để đánh giá) cụ thể như sau:

* Chiếm khoảng 40% về diện tích và 20% về dân số cả nước.

* Sản xuất nông nghiệp mang nặng tính chất tự cấp, tự túc. Thế mạnh của địa phương là chăn nuôi nhất là đại gia súc, nhưng giá trị chăn nuôi chỉ xấp xỉ 30% giá trị toàn ngành nông nghiệp. Trồng trọt chưa tạo ra được vùng chuyên canh về cây công nghiệp, hoặc cây đặc sản lớn, mới chủ yếu tập trung vào cây lương thực, thế nhưng mức sản xuất lương thực bình quân đầu người hàng năm nói chung dưới 70% mức bình quân của cả nước.

* Sản xuất công nghiệp nhỏ bé, kể cả công nghiệp TW đóng trên lãnh thổ tỉnh, giá trị tổng sản lượng tính theo giá cố định bình quân đầu người mới chỉ xấp xỉ bằng 20% mức bình quân đó của cả nước. Có một số tỉnh chỉ đạt dưới 10% như Sơn la 4%, Hà giang 5%, Lai châu trên 8%, Hòa bình 9%, Cao bằng trên 9%. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương chỉ đạt dưới 38 nghìn đồng bình quan theo nhân khẩu, trong đó có 6 tỉnh mức bình quân này còn dưới 20 nghìn đồng (Cao bằng 19,8 nghìn đồng; Lạng sơn 13,8 nghìn đồng, Lào cai 11,6 nghìn đồng và Sơn la 9,7 nghìn đồng).

* Giao thông vận tải rất khó khăn. Nếu tính riêng số xã trồng cây thuốc phiện chưa có đường ô tô vào trung tâm xã so với tổng số xã trồng cây thuốc phiện thì tỷ lệ đó còn rất cao, gần 40% (tỷ lệ này ứng với các tỉnh như sau: Yên bái 68% trong đó huyện Mù cang chải 91%, huyện Trạm tấu 82%; Tỉnh Nghệ an 54% trong đó huyện Tương dương 67%; Tỉnh Lai châu 47% trong đó huyện Mường Lay 62%, huyện Phong thổ 67%, huyện Mường Tè 82%; Tỉnh Hà giang 40% trong đó huyện Hoàng Su phì 59%, huyện Sín mần 55%; Tỉnh Lào cai gần 40% trong đó huyện Bát xát 56%, huyện Than uyên 53%, huyện Văn bàn 50%; Tỉnh Sơn la 31% trong đó huyện Bắc yên 69%, huyện Mường La 44%, huyện Thuận châu 41%, huyện Sông Mã 35%... mặt khác tỷ lệ đường nhựa chỉ xấp xỉ 10% so với tổng số đường ô tô, 90% số còn lại chất lượng quá xấu, mùa mưa sụt lở không sử dụng được. Đường sắt chỉ chạy được một số rất ít địa bàn miền núi và nó chỉ ở vòng ngoài cách rất xa bản làng trồng cây thuốc phiện. Đường sông không vận chuyển được trong mùa khô và thực tế cũng rất ít chỉ dưới 5% độ dài so với đường ô tô vốn đã ít ỏi. Đó là chưa nói tới việc ngay cả các xã đã có đường ô tô vào đến trung tâm xã thì từ đó tới các bản làng lại vẫn rất cách trở ... Như vậy thực chất việc vận chuyển hàng ở các bản làng trồng cây thuốc phiện chủ yếu vẫn còn theo tập quán lâu đời, rất thủ công (như người gùi, ngựa thồ) năng suất rất thấp.

* Tổng trị giá bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tính bình quân đầu người theo gía hiện hành chỉ đạt khoảng 43% so với mức bình quân của cả nước (trong đó có tỉnh đạt rất thấp như: Cao bằng 19%, Sơn la 21%, Hà giang 35%, Hòa bình 36%...). Thị trường tự do phát triển chậm nên tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội tính bình quân người chỉ đạt dưới 40% mức bình quân của cả nước.

* Thu nhập chi tiêu của đồng bào trồng cây thuốc phiện cũng rất thấp (số liệu điều tra tại 3277 hộ trồng cây thuốc phiện tính bình quân cho cả năm 1992). Thu bình quân cho một nhân khẩu một tháng 62 nghìn đồng, chỉ bằng 55% mức của cả nước, trong đó thu từ cây thuốc phiện xấp xỉ 1/3 tổng số thu nhập (một số địa phương còn cao hơn như Hòa bình 40%, Yên bái 41%). Chi tiêu bình quân một nhân khẩu một tháng 49 ngàn đồng, chỉ bằng 46% mức đó của cả nước. Với mức chi quá thấp đó, bà con chỉ tập trung chi về lương thực thực phẩm (63%) còn chi cho cả lĩnh vực xã hội chỉ có dưới 4% gần 2.000 đồng một tháng đối với một nhân khẩu. Chi cho giáo dục 0,6% dưới 300 đ/khẩu một tháng. Chi cho văn hóa 0,6% và chi về bảo vệ sức khỏe 2,1% dưới 1.000 đồng/khẩu một tháng, Cuộc sống quá đơn giản, mức sống quá thấp và thực tế việc chữa bệnh cho bà con dân tộc vùng cao vẫn còn đang sử dụng thuốc phiện một cách phổ biến. Nếu nhìn về phương diện biểu hiện cụ thể khác chúng ta cũng thấy vùng trồng cây thuốc phiện còn bộc lộ rõ về tính lạc hậu của đời sống xã hội và dân trí thấp, chẳng hạn: số xã có điện chỉ dưới 10% trong khi đó tỷ lệ chung của cả nước trên 60%, riêng vùng đồng bằng Bắc bộ tới 92%. Tỷ lệ xã có trạm truyền thanh 4,4%. Tỷ lệ xã được phủ sóng truyền hình 16%. Tỷ lệ người chưa biết chữ với số dân từ 10 tuổi trở lên trong các hộ trồng cây thuốc phiện lên tới 63% trong đó nữ 71%. Tỷ lệ đó với dân tộc H'mông 79% và 90%. Mặc dù các xã vùng trồng cây thuốc phiện nói chung đã có trạm y tế nhưng hoạt động yếu, công tác phòng bệnh, chữa bệnh đều còn kém, tỷ lệ tử vong khá cao (gần bằng 1,5 lần so với toàn quốc). Qua điều tra tại 6351 hộ thuộc vùng có trồng cây thuốc phiện cho thấy chỉ có 18 hộ (chiếm 0,3%) có đủ bốn công trình (điện, nước sạch, nhà tắm, nhà xí); 2,1% hộ có 3 công trình; 10,1% hộ có 2 công trình; 27,1% hộ chỉ có một công trình và 60,4% số hộ hoàn toàn không có một công trình nào trong 4 công trình nói trên (một số tỉnh tỷ lệ này còn cao hơn; Nghệ an 92%, Lào cai 86%, Lai châu 85%, Sơn la 76%, Hà giang 67%...). Hủ tục còn rất nặng nề và thuốc phiện đã sử dụng trong các phong tục, tập quán, hủ tục đó khá lớn.

* Từ sản xuất lưu thông đến đời sống và vô vàn khó khăn đáng kể khác, dẫn tới Nhà nước đã phải trợ cấp một lượng ngân sách khá lớn trong năm 1993 cho các tỉnh miền Bắc có trồng cây thuốc phiện (56%) trong đó Trung ương trợ cấp cho Hà giang 85,7%; Sơn la 81,2%; Lai châu 77,6%; Cao bằng 76,8%; Tuyên quang 71,4%; Lào cai 68,6%; Hòa bình 62%; Yên bái 61,3%; Nghệ an 53,9%; Bắc thái 42,3%; Thanh hóa 28,8%; Lạng sơn 24,1%... nếu tính riêng cho 10 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc thì mức trợ cấp của Trung ương lên tới 62%.

Tóm lại: để thực hiện tốt chủ trương giải quyết cây thuốc phiện và cây cần sa ở nước ta và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước - trước tiên chúng ta phải thấy rõ những đặc điểm về kinh tế, kỹ thuật và xã hội đã nêu trên để thực hiện CTQG - 06/CP một cách kiên quyết, nhưng thận trọng với đầy đủ trách nhiệm; phải có quan điểm toàn diện khi phân tích thực trạng tình hình trồng và sử dụng thuốc phiện ở nước ta. Thấy rõ khó khăn đáng kể trong cuộc vận động này; đánh giá đúng mức kết quả đạt được và tránh chủ quan về khả năng tái trồng và sử dụng thuốc phiện ở nước ta. Từ đó phải thấy rõ cuộc vận động này là một cuộc cách mạng sâu sắc, phức tạp, cần tiến hành đồng bộ và liên tục.