Hành động hiệu quả để đạt được mục tiêu 90-90-90
09/11/2015 Lượt xem: 1137 In bài viếtTrong điều kiện nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm nghiêm trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS thì đây là vấn đề lớn với các cơ quan trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu 90-90-90 cần phải có chương trình hành động thiết thực, hiệu quả để các cơ quan thực hiện gián tiếp và trực tiếp phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được mục tiêu đề ra với kết quả cao nhất.
TS. Chu Đức Nhuận, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã
(Văn phòng Chính phủ) - Giám đốc Ban Quản lý Dự án của Uỷ ban Quốc gia phòng,
chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã nhận định như trên tại Hội
thảo "Triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào
năm 2020" do Ban Quản lý Dự án của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng,
chống tê nạn ma tuý, mại dâm phối hợp với Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ
chức ngày 5/11, tại Hải Phòng.
Tại Hội nghị toàn cầu về HIV/AIDS tổ chức tháng 7/2014 tại Úc, Ngài Phó tổng Thư
ký Liên Hợp Quốc Michel Sidibe đã kêu gọi toàn thế giới thực hiện mục tiêu
90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới thanh toán dịch AIDS vào năm 2030.
Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, ông Michel Sidibe cũng kêu gọi Chính
phủ Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam hưởng ứng và cam kết thực hiện mục tiêu này. Ngay
sau đó, để hưởng ứng mục tiêu này, Việt Nam đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng
mục tiêu 90-90-90, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam. Mục tiêu
90-90-90 tức là: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình;
90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người
điều trị ARV kiểm soát được virus ở mức thấp và ổn định hay còn gọi là tải lượng
HIV dưới ngưỡng ức chế.
Tại hội thảo, TS. Chu Đức Nhuận và Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long chủ trì trao đổi, thảo luận với các đại biểu từ các tỉnh, thành về những khó khăn, thách thức, cùng tìm ra những giải pháp để hướng tới đạt được mục tiêu 90-90-90 trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật. Số người nhiễm HIV dương tính tiếp tục tăng cao. Mỗi năm vẫn có khoảng 12.000 người nhiễm mới HIV và 2.000 - 3.000 người tử vong do HIV/AIDS, nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Hiện có đến 227.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời.
Trong khi mức độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế do thiếu nguồn lực. Bao cao su, bơm kim tiêm mới chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu, nay đang bị cắt giảm; Methadone mới chỉ đạt 47,4% chỉ tiêu 80.000 người nghiện được điều trị đến năm 2015; điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV mới đáp ứng được 45% số người phát hiện nhiễm HIV; dịch vụ miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận... thì kinh phí dựa vào viện trợ đang bị cắt giảm nghiêm trọng.
Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu 90-90-90 đến năm 2020, cần phải có sự nỗ lực, chung tay của cả cộng đồng. TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, trong thời gian tới cần định hướng đổi mới, chuyển đổi từ phòng, chống HIV/AIDS dựa vào viện trợ sang phân cấp và lồng ghép vào hệ thống y tế, chủ yếu sử dụng ngân sách trong nước, đặc biệt ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế.
Dự phòng can thiệp giảm hại ưu tiên tập trung vào các địa bàn có tình hình dịch HIV và nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao; triển khai đồng bộ các can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng đích ; tập trung công tác thông tin truyền thông về lợi ích các can thiệp, tác động của các can thiệp, thay đổi hành vi cho quần thể đích, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV...
Xét nghiệm phát hiện HIV và giám sát dịch bao gồm: Mở rộng xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và xét nghiệm theo dõi điều trị như mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tăng cường bảo đảm chất lượng xét nghiệm HIV toàn quốc, mở rộng và phân cấp mạng lưới phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại tuyến huyện bằng 3 test nhanh, mở rộng các kỹ thuật thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV tiến đến thực hiện thường quy xét nghiệm tải lượng HIV; tăng cường hệ thống thông tin phòng xét nghiệm; tăng cường chuyển gửi sang điều trị ARV; giám sát dịch HIV bằng việc triển khai và củng cố chất lượng giám sát trọng điểm HIV và STI, đồng thời cập nhật quy trình báo cáo ca bệnh, bảo đảm giảm trùng lặp và thông tin ca bệnh được thu thập đầy đủ.
Để đạt được chỉ tiêu 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được virus ở mức thấp và ổn định, cần tăng số lượng bệnh nhân điều trị ARV; thực hiện điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới (không phụ thuộc CD4 cho các đối tượng nhiễm nguy cơ cao, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, người nhiễm có CD4 =< 500 TB/mm3), mở rộng điều trị ARV trong trại giam; kiện toàn OPC, lồng ghép và phân cấp; mở rộng cấp phát thuốc ARV và quản lý bệnh nhân tuyến xã phường; mở rộng các hoạt động nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực và phát triển hệ thống như kiện toàn hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, lồng ghép, phân cấp; kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để tiếp cận được bảo hiểm y tế; thiết lập hệ thống cung ứng thuốc ARV, Methadone và các sinh phẩm xét nghiệm liên tục, bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý; chuyển dần từ nguồn hỗ trợ quốc tế sang tài chính trong nước bao gồm kinh phí trung ương và địa phương, bao hiểm y tế và các nguồn xã hội hoá khác.
Thùy Chi
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]