Mục tiêu 90-90-90 và bước đột phá ở địa bàn miền núi

07/12/2018 Lượt xem: 1482 In bài viết

Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam thực hiện mục tiêu 90-90-90. Mục tiêu này có nghĩa là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp. Mục tiêu này được Chính phủ ta triển khai thực hiện từ năm 2014, phấn đấu đạt được vào năm 2020.

Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS của chúng ta trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Về cơ bản, chúng ta đã kiểm soát được HIV/AIDS trên cả 3 tiêu chí, gồm: Giảm số người nhiễm HIV mới hằng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam cũng đã tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, những kết quả hiện tại vẫn còn cách mục tiêu 90-90-90 một khoảng cách khá xa. Cần phải nỗ lực toàn diện, làm quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đột phá thì mới hoàn thành mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ nhiễm và lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm đối tượng nghiện hút, chích ma túy vẫn chưa giảm, thậm chí ở một số nơi có biểu hiện gia tăng. Một trong những nguyên nhân mấu chốt là nhận thức về HIV/AIDS và kỹ năng phòng, chống đại dịch này trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác chăm sóc y tế, cai nghiện, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng ở những địa bàn này còn nhiều thiếu thốn, bất cập. Nếu như 5-10 năm trước, chúng ta lo ngại về đại dịch bùng phát ở các đô thị đông dân, thì nay, trình độ nhận thức và kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS của người dân đô thị đã tốt lên rất nhiều. Cùng với đó, hệ thống cơ sở y tế, trung tâm cai nghiện ma túy được đầu tư ở nhiều địa phương cũng đã giúp địa bàn đô thị và đồng bằng thuận lợi hơn rất nhiều trong việc khống chế HIV/AIDS.

Hưởng ứng Tháng hành động năm 2018, cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Ủy ban Dân tộc chỉ rõ, các địa phương vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú cần tăng cường công tác vận động, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo… trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân. Đây là hoạt động thường xuyên, liên tục, song Tháng hành động chính là thời điểm tập trung làm mạnh nhất, tạo chuyển biến rõ nét, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Như vậy, để hoàn thành mục tiêu đặt ra vào năm 2020, chúng ta phải có lời giải hữu hiệu cho bài toán HIV/AIDS ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất về y tế, cai nghiện, giải quyết việc làm… là kế hoạch tổng thể, lâu dài, song việc cần làm trong Tháng hành động này là phải tạo được sự chuyển biến mang tính đột phá trong nhận thức, thói quen, phong tục tập quán của đồng bào. Đó là trách nhiệm, bổn phận của công tác tuyên truyền và hiệu ứng truyền thông, cần sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, mạnh mẽ của hệ thống chính trị cơ sở và các nguồn lực xã hội.

(qdnd.vn)