Tầm quan trọng của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ qua con

09/07/2021 Lượt xem: 1285 In bài viết

 Ở nước ta ước tính trung bình mỗi năm có từ 1,5-2 triệu phụ nữ mang thai. Với tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 0,25-0,3% trong nhóm này thì mỗi năm có khoảng từ 4.000-6.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV.
Nếu không được can thiệp mỗi năm sẽ có 1.500-3.000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, mỗi năm chỉ còn khoảng 150-200 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Hàng ngàn trẻ sẽ được cứu thoát khỏi căn bệnh HIV.
          Do đó, xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng là rất quan trọng, nhằm:
- Giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

  • Giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV tự quyết định các vấn đề về sinh con, về thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;
  • Giúp phụ nữ mang thai chưa nhiễm HIV biết về HIV, về xét nghiệm HIV, về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, ...
  •  Giúp phụ nữ mang thai thực hiện các hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho mình và cho con ...
  • Hỗ trợ về mặt tình cảm, tâm lý và giúp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV:

Những biện pháp can thiệp giúp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
        Với những phụ nữ mới được phát hiện nhiễm HIV khi mang thai, việc nhận kết quả HIV dương tính ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý. Do đó họ rất cần được chăm sóc về thể chất, tinh thần cũng như tiếp cận những biện pháp can thiệp giúp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Trong khi mang thai:   Thực hiện tư vấn đầy đủ trước và sau xét nghiệm HIV. Tư vấn về dinh dưỡng khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ sau sinh; về nguy cơ và bất lợi có thể xảy ra khi mang thai, sinh đẻ, kể cả việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này.
  Tư vấn hỗ trợ tinh thần, thực hiện các hành vi an toàn tránh để lây  nhiễm HIV cho bản thân và  người xung quanh. Đồng thời tập huấn sẵn sàng điều trị bằng ARV và thực hành tuân thủ thuốc ARV.
Trong khi sinh: Đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn trong sản khoa. Hạn chế các thủ thuật: bấm ối, mổ lấy thai, đặt điện cực, rạch màng ối sớm. Tắm cho trẻ ngay sau sinh.
Sau khi sinh: Thực hiện cấp phát đủ liều thuốc ARV cho mẹ nếu mẹ và trẻ được xuất viện sớm. Chuyển tiếp hồ sơ đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho người lớn để người mẹ được chăm sóc và điều trị lâu dài.
Chăm sóc và tiếp tục điều trị dự phòng cho trẻ
         Cấp phát đủ liều thuốc ARV cho trẻ và hướng dẫn mẹ hoặc người chăm sóc thực hành tuân thủ điều trị ARV cho trẻ. Trong trường hợp cần thiết, hẹn tái khám để cấp thuốc và tư vấn thêm.
Giới thiệu trẻ đến với các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho trẻ em để được chăm sóc và theo dõi lâu dài, khi trẻ được 4-6 tuần tuổi. Nếu trẻ mồ côi thì động viên gia đình tiếp tục chăm sóc trẻ hoặc giới thiệu trẻ đến các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi.
Về tiêm chủng, sau khi sinh trẻ cần được tiêm vac xin theo đúng lịch tiêm chủng như trẻ bình thường (ví dụ vac xin phòng bệnh viêm gan B, vac xin phòng  bệnh lao)
Nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh
          Nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tỷ lệ này cao nhất ở những người vừa cho con bú sữa mẹ vừa cho con ăn thức ăn thay thế, sau đó mới đến những người nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
       Phụ nữ nhiễm HIV chỉ nên chọn một cách nuôi con, hoặc là bú sữa mẹ hoặc là bú sữa ngoài hoàn toàn. Tuyệt đối không nên cho trẻ vừa bú mẹ vừa bú sữa ngoài thay thế, vì sẽ làm tăng cao nguy cơ nhiễm HIV cho trẻ, thậm chí cao hơn là nếu trẻ chỉ bú mẹ.
         Nếu muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV và đảm bảo tuân thủ điều trị tốt để đạt tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế. Trong trường hợp không thể đảm bảo điều trị thì người mẹ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế.
         Nếu các bà mẹ không có sự lựa chọn nào khác mà quyết định cho con bú sữa mẹ thì cần phải vệ sinh đầu vú sạch sẽ, thường xuyên và cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không dùng sữa thay thế hay bất cứ thức ăn, nước uống nào khác. Đặc biệt, cần ngừng cho trẻ bú càng sớm càng tốt, muộn nhất là khi trẻ 6 tháng tuổi. Khi ngừng cho trẻ bú sữa mẹ cần chuyển ngay sang sử dụng thức ăn thay thế như sữa bột, bột, cháo. Bên cạnh đó, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và xét nghiệm nhằm xác định sớm tình trạng nhiễm HIV, điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội.

(Theo: bvdkbacninh.vn)