Nan giải các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện

06/11/2015 Lượt xem: 934 In bài viết

Toàn tỉnh Lai Châu có trên 3.800 người nghiện ma túy. Cùng với việc áp dụng nhiều mô hình cai nghiện như cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Lai Châu triển khai mô hình "Quân dân y cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện thuộc các xã khu vực biên giới".

Mỗi đợt cai nghiện kéo dài từ 15 đến 20 ngày cho khoảng 25 đến 30 người, theo quy trình khép kín, từ khâu cách ly, đưa vào cai, giúp người nghiện lấy lại sức khỏe, thể trạng, trở lại hòa nhập với cộng đồng. Đến nay, khoảng 1.000 người nghiện ma túy, chủ yếu ở khu vực biên giới đã được cai nghiện theo mô hình này.

Đại tá Phạm Văn Hải, Trưởng phòng PCTPMT, BĐBP Lai Châu cho biết: Chúng tôi tập trung triển khai mô hình kết hợp quân dân y trong cai nghiện ma túy ở các huyện biên giới khó khăn nhất, có tỉ lệ người nghiện cao như Mường Tè, Phong Thổ. Trong đó, tập trung ở các Đồn BP: Ka Lăng, Pa Ủ, Huổi Luông, Sin Suối Hồ, Vàng Ma Chải…

Mỗi năm, các đơn vị BĐBP tỉnh tổ chức cai cho khoảng hơn 100 người nghiện. "Khi mới bắt tay vào công việc, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, bởi điều kiện địa hình rộng, rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt… Hơn nữa, đa số người dân nhận thức còn hạn chế, thiếu hiểu biết, không muốn đưa người thân nghiện ma túy đi cai. Việc thống kê người nghiện đã khó, vận động họ đi cai nghiện càng khó hơn. Cán bộ Biên phòng phải trực tiếp đến nhà nhiều lần, kiên trì vận động, thuyết phục để người nghiện và những người thân đồng thuận, yên tâm đưa con em của họ đến cai nghiện tại các đồn" - Đại tá Hải chia sẻ.

Để triển khai thực hiện mô hình "Quân dân y cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện thuộc các xã khu vực biên giới", các đơn vị BĐBP trên toàn tỉnh Lai Châu phối hợp với chính quyền và ngành y tế địa phương chọn địa điểm, tiến hành rà soát số người nghiện hiện có. Trên cơ sở số liệu đầu vào, các đơn vị xây dựng kế hoạch cai nghiện. Ngoài công tác vận động, thuyết phục người nghiện, BĐBP Lai Châu còn phối hợp với các ban, ngành, tổ chức cơ sở vật chất, chuẩn bị chu đáo nơi ăn, ở cho người cai nghiện, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thầy thuốc.

Trò chuyện với chúng tôi sau khi kết thúc một đợt cai nghiện cho người nghiện ở địa bàn Đồn BP Sin Suối Hồ, Đại úy Nguyễn Văn Lập, Phòng PCTPMT, BĐBP Lai Châu cho biết: "Mỗi năm, tùy tình hình địa bàn, chúng tôi tổ chức 1-2 đợt cai nghiện ma túy trên địa bàn. Trong tháng 10-2015, chúng tôi đã tổ chức cai nghiện thành công cho 20 người nghiện. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức một đợt nữa. Khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất của các điểm tổ chức cai nghiện còn rất thiếu thốn. Bên cạnh đó, bà con còn chưa hiểu hết tác hại của việc nghiện hút và lợi ích của việc cai nghiện nên thường né tránh, không thiện chí hợp tác. Vì đây là hình thức cai nghiện tự nguyện, không thể ép buộc được nên chúng tôi phải kiên trì vận động, thuyết phục họ nhiều lần".

Thực tế cho thấy, người nghiện ma túy tham gia mô hình "Quân dân y cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện thuộc các xã khu vực biên giới" đều cắt cơn thành công. Tuy nhiên, số người tái nghiện sau cai khi trở về gia đình, cộng đồng, vẫn còn rất cao. Anh Lập chia sẻ: "Chúng tôi phối hợp với chính quyền kiểm tra giám sát sau cai. Nhìn chung, chỉ sau một thời gian trở về sinh hoạt tại cộng đồng, nhiều người nghiện đã được cắt cơn thành công nhưng lại tái nghiện".

Nguyên nhân chủ yếu là do họ không có công ăn việc làm ổn định, không làm chủ được bản thân dẫn tới dễ bị rủ rê quay trở về "con đường cũ" và lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn "đói nghèo - nghiện hút - đói nghèo". Theo anh Lập, để có thể cai nghiện thành công bền vững, chính quyền địa phương cần phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, động viên các đối tượng đã cai nghiện. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ họ phát triển kinh tế như cho vay vốn chăn nuôi và trồng trọt…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng việc nhân rộng mô hình "Quân dân y cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện thuộc các xã khu vực biên giới" đang gặp phải vô vàn khó khăn. Một trong số đó là địa bàn rộng, đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, tỉ lệ người nghiện nhiều, tình hình buôn bán ma túy ngày càng phức tạp, nhận thức của người dân còn hạn chế.

Trong khi đó, kinh phí dành cho công tác cai nghiện rất hạn hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn. Cán bộ, chiến sĩ ở đồn có lúc phải chia sẻ chăn màn, quần áo ấm cho người cai nghiện dùng. Chế độ ăn của họ hiện nay cũng rất ít, chỉ từ 20-40.000 đồng/người/ngày. Trong nhiều trường hợp, bộ đội phải nhường cả thực phẩm cho người cai" - Đại tá Phạm Văn Hải cho biết.

Việc tổ chức cai nghiện đã khó, việc giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện thuộc các xã khu vực biên giới càng khó hơn. Hầu hết các xã biên giới đều là xã nghèo, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cho người nghiện còn ít, thiếu không gian, môi trường cho người sau cai sinh hoạt… Tất cả những đặc điểm đó đang tạo ra thách thức lớn cho công tác cai nghiện ở Lai Châu.

 

Nguồn: Báo Biên phòng

[TT: TBC]