Huy động nguồn lực – Thách thức lớn trong phòng, chống HIV/AIDS

03/11/2015 Lượt xem: 818 In bài viết

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đã cho biết như trên tại buổi tọa đàm “Huy động nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020” do Báo điện tử Đại biểu nhân dân phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế tổ chức ngày 28/10, tại Hà Nội.

Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong cho hay, công tác phòng, chống HIV/AIDS đang chuyển hướng sang sử dụng nguồn lực quốc gia, khi các nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, hụt thu, chi cho đầu tư phát triển giảm, chi thường xuyên tăng lên, bội chi ngân sách tăng. Nên nếu phát sinh thêm nguồn chi ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, để duy trì thành quả đã đạt được cũng như thực hiện các cam kết quốc tế là thách thức không nhỏ.

Nâng cao trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS

Trong trường hợp này, Chính phủ phải tính toán trong điều kiện nguồn lực của mình để dành một phần thỏa đáng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện trách nhiệm đã cam kết.

Đối với trách nhiệm của địa phương, theo Nghị quyết 18 và các nghị quyết khác của Quốc hội, địa phương phải giữ lại một phần nào đó của ngân sách tập trung đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS, nhưng không phải tỉnh nào cũng phải làm như thế. Những tỉnh có diễn biến dịch phức tạp, có nguy cơ cao thì cần phải tập trung ngân sách cho công tác này.

Bên cạnh đó, điều phối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cũng cần phải tính toán cho hợp lý, bảo đảm đúng vùng, đúng trọng điểm. Còn các địa phương khác, truyền thông là "quả đấm thép", để giúp ngăn ngừa và ngăn chặn sự lây lan, phát triển của dịch bệnh. Nếu làm tốt, thì ngân sách ít nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đối với cộng đồng xã hội, cần xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, cùng chia sẻ để họ có thể vượt qua nỗi đau và tiếp cận các dịch vụ điều trị. Các cộng đồng, doanh nghiệp cũng cần phải chung tay, giúp đỡ để ủng hộ những người nhiễm HIV/AIDS. Cần thay đổi nhận thức của cộng đồng, coi người nhiễm HIV/AIDS là một người bệnh bình thường khác trong xã hội. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS là những người nghiện chích ma túy, hoạt động mại dâm, nhưng bên cạnh đó, có rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nếu họ vi phạm pháp luật thì đã có pháp luật xử lý. Còn nếu cứ mặc nhiên gắn kết người nhiễm HIV với tội phạm xã hội, tệ nạn xã hội thì những người này sẽ bị kỳ thị suốt đời và chúng ta sẽ khó có thể huy động được sự sẻ chia cũng như nguồn lực từ cộng đồng cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong mong rằng, xã hội có sự chia sẻ cảm thông chung, nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa, thay đổi nhận thức, xem người nhiễm HIV/AIDS cũng là một người bệnh, cần sự giúp đỡ, điều trị.

“Những người nhiễm HIV/AIDS là những người rơi vào hoàn cảnh bệnh tật đáng thương, nếu có được sự hỗ trợ điều trị tốt, họ có thể duy trì cuộc sống và cống hiến cho xã hội được. Cần gạt bỏ sự kỳ thị, cùng các thành viên trong cộng đồng chung sức giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS, góp phần giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết với Liên Hợp Quốc, để đến năm 2030 có thể thực hiện được chỉ tiêu 90-90-90”, ông Đặng Thuần Phong nói.

Không nên thu phí đối với người điều trị ARV

Bên cạnh giải pháp huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS thì bảo hiểm y tế (BHYT) đang được xem là giải pháp tài chính bền vững, nhằm duy trì hoạt động điều trị HIV/AIDS khi thách thức về nguồn lực tài chính bị cắt giảm trong thời gian tới.

BHYT là một chính sách an sinh xã hội, một cơ chế tài chính để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những người không may nhiễm HIV cũng nằm trong số cộng đồng dân cư khi tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ. Hiện Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đang chung tay giải quyết những khó khăn để người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị bằng BHYT, khi nguồn viện trợ dành cho thuốc ARV bị cắt theo lộ trình vào năm 2017.

Để tìm ra những giải pháp tích cực huy động nguồn lực cho cuộc chiến này, có chuyên gia cho rằng, nên thực hiện giải pháp xã hội hóa. Cho ý kiến về giải pháp này, TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay: Về xã hội hóa có rất nhiều nội dung, trong đó có sự tham gia của toàn xã hội trong công tác phòng chống HIV/AIDS, sự huy động, sự hỗ trợ của tổ chức, của các cá nhân cho công tác phòng, chống AIDS rất rộng. Tuy nhiên, nếu xã hội hóa về vấn đề thu phí thì đây là việc hết sức khó khăn. Chúng ta không nên xã hội hóa và thu phí đối với người điều trị ARV. Bởi những người này là những người nghèo, không việc làm, không có thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Vì điều trị ARV là điều trị cả đời nên kinh phí bỏ ra là rất lớn và ảnh hưởng nhiều đến vấn đề kinh tế, cuộc sống của họ.

Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, khi thu phí thì sẽ tăng tỷ lệ bỏ điều trị bởi người dân sẽ không còn khả năng để đi theo điều trị. Lúc này hậu quả rất lớn là: tăng tử vong, tăng kháng thuốc, từ tăng kháng thuốc sẽ chi phí điều trị dẫn đến tình trạng tăng lây nhiễm…

Cũng từ kinh nghiệm về thu phí, khoản phí thu lại được cho điều trị ARV là không lớn so với chi phí mà chúng ta phải tổ chức việc thu, trong khi đó hậu quả thì rất nhiều. Thế nên, một số nước đã thu thử một thời gian, sau đó thì người ta bỏ không thu phí nữa mà phát thuốc ARV miễn phí. Do vậy, TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, không nên đi theo hướng thu phí điều trị vì ngay đồng chi trả bảo hiểm cũng là khó khăn đối với họ.

Đối với việc thu phí Methadone thì có thể cân nhắc trong điều kiện, vì những người đang điều trị Methdone là những đối tượng khác so với những người chuyển sang giai đoạn AIDS. Có thể tùy theo điều kiện kinh tế từng địa phương để thu theo điều kiện có thể.

Tạo hành lang pháp lý hỗ trợ các tổ chức xã hội

Chia sẻ quan điểm về ý kiến cho rằng, bên cạnh việc các cấp chính quyền tạo công ăn việc làm, những người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng cũng cần tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Đây là giải pháp hữu hiệu góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, trong các quy đinh và quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vấn đề huy động nguồn lực bảo đảm nguồn lực bền vững từ nay đến năm 2020 đạt mục đích là 90 – 90 – 90. Chúng ta biết rằng, vấn đề xã hội hóa đã được đặt ra tương đối lớn, xã hội hóa ở đây có rất nhiều khía cạnh liên quan đến việc huy động các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức song phương, đa phương.

Theo Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), hiện nay có đến 80 tổ chức phi chính phủ được công nhận tham gia vào các chương trình phòng chống HIV/AIDS và có 4 mạng lưới cộng đồng đã tham gia vào tất cả 63 tỉnh, thành phố. Đây là một trong những nguồn lực mà TS. Trịnh Quân Huấn cho rằng, có thể huy động, kêu gọi và đưa ra các hoạt động như là câu lạc bộ những người nhiễm HIV, đồng đẳng viên… tất cả những vấn đề này có thể huy động được bằng chính bản thân những người tiếp cận trực tiếp với những người bệnh để huy động họ tới thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác điều trị. Đây là giải pháp mang tính bền vững cao.

Cuộc chiến chống đại dịch HIV/ AIDS là cuộc chiến bền bỉ, thường xuyên, lâu dài và kiên định từng bước vững chắc. Thời gian qua với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, cuộc chiến này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là bước tiến quan trọng góp phần vào việc đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS cũng như thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, công cuộc phòng, chống HIV/ AIDS đang đứng trước thách thức lớn khi nguồn lực tài chính gặp khó khăn do các nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm và tiến tới cắt hẳn trong năm 2017. Nguy cơ đe dọa xóa mờ thành quả có được là hiện hữu. Do vậy, việc thực hiện các giải pháp để bảo đảm kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS và bảo đảm nguồn lực tài chính cho công tác này trong giai đoạn tới là rất cấp thiết.

Thùy Chi

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]