Ngân sách phòng chống HIV/AIDS năm 2015 là 729 tỷ đồng bao gồm trung ương hỗ trợ 220 tỷ đồng, viện trợ 509 tỷ đồng. Ngân sách trung ương mua ARV là 25 tỷ đồng, mua Methadone 18,8 tỷ đồng, chi các hoạt động phòng chống HIV/AIDS là 76 tỷ đồng, chi đầu tư cơ bản là 100 tỷ đồng. Ngân sách địa phương theo kế hoạch đảm bảo tài chính là 254 tỷ cho năm 2015, tuy vậy khả năng huy động 180 tỷ đồng.
Cho đến nay đã có 28 tỉnh thành phố đã phê duyệt đề án đảm bảo tài chính và cấp kinh phí, 33 tỉnh đang trình kế hoạch lên UBND, 2 tỉnh đang xin ý kiến là Trà Vinh và Hậu Giang.
Năm 2015 tổng nhu cầu kinh phí cần mua ARV để điều trị chi 109 nghìn bệnh nhân là 422 tỷ đồng. Chương trình Pepfar và Quỹ toàn cầu đã cam kết hỗ trợ 337 tỷ đồng để cung cấp ARV điều trị cho bệnh nhân ở 30 tỉnh trọng điểm. Nguồn kinh phó trong nước cần bổ sung là 85 tỷ đồng cho 33 tỉnh thành còn lại. Trong đó dự kiến 25 tỷ đồng từ kinh phí đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Như vậy, số kinh phí còn thiếu để mua ARV cho các bệnh nhân HIV/AIDS năm 2015 là 60 tỷ đồng mua thuốc ARV.
Việc đảm bảo duy trì điều trị ARV gặp rất nhiều khó khăn khi các nhà tài trợ cắt giảm về địa bàn hỗ trợ, nguy cơ bệnh nhân không có thuốc điều trị khi không có dự án, trong khi đầu tư nội địa cho khoảng 5% bệnh nhân điều trị hiện nay đã chiếm 20% nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia. Một thách thức rất lớn hiện nay là tỷ lệ người nhiễm HIV được tiếp cận với điều trị ARV. Tiêu chuẩn điều trị ARV đã được mở rộng, tuy nhiên chỉ có trên 40% người nhiễm HIV còn sống trong năm 2014 được tiếp cận với điều trị bằng thuốc ARV.
Với thuốc ARV, từ năm 2015 trở về trước, thuốc ARV từ các nguồn viện trợ quốc tế được Bộ Y tế điều phối và cấp cho các tỉnh, thành phố theo nhu cầu cụ thể. Tuy nhiên, theo yêu cầu của nhà tài trợ từ năm 2016, các thuốc ARV từ nguồn hỗ trợ quốc tế chỉ tập trung cho 30 tỉnh, các tỉnh, còn lại cần phải được nguồn ngân sách trong nước đảm bảo. Đồng thời, các nhà tài trợ không tăng mạnh bệnh nhân mới điều trị ARV từ năm 2016 và chưa có cam kết hỗ trợ năm 2017.
Thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước còn hạn chế, hiện không có đơn vị nào cung ứng thuốc ARV viên kết hợp dùng phổ biến hiện nay, thuốc ARV phác đồ bậc 2 và thuốc ARV cho trẻ em. Tất cả các vấn đền này đang là khó khăn rất lớn đối với chương trình điều trị HIV trong bối cảnh hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030, đạt mục tiêu 90 % bệnh nhân HIV phát hiện được điều trị bằng ARV như chính phủ cam kết.
Nguồn lực cắt giảm nghiêm trọng
Trong những năm gần đây, kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm mạnh. Nhiều nhà tài trợ đã dừng viện trợ cho phòng chồng HIV/AIDS của Việt Nam. Một số nhà tài trợ khác cũng đang giảm nhanh quy mô sẽ dừng viện trợ trong thời gian ngắn sắp tới. Quỹ Toàn cầu viện trợ đến hết 2017, PEPFAR viện trợ đến hết 2018.
Nguồn chương trình mục tiêu cho phòng chống HIV/AIDS cũng cắt giảm không ổn định. Năm 2013 là 245 tỷ đồng nhưng đến năm 2014 cắt giảm 2/3 còn 83 tỷ đồng và năm 2015 được bố trí 120 tỷ đồng, tăng không đáng kể. Trong khi nguồn lực suy giảm thì các chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS vẫn cần duy trì, thậm chí tăng cao để điều trị methdone. Số bệnh nhân tăng từ 31 nghìn người lên 80 nghìn người vào năm 2015 và tiếp tục tăng qua các năm. Nhu cầu điều trị ARV đến năm 2020 đạt 90% người nhiễm HIV được phát hiện.
Phúc Mai