Theo số liệu thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV
tỉnh Đồng Nai, tính đến 30/6, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện hơn 4.600 người
nhiễm HIV. Riêng TP Biên Hòa phát hiện số người nhiễm HIV trên cao nhất toàn
tỉnh với hơn 2.000 người, tiếp đến là thị xã Long Khánh với 593 người và huyện
Long Thành với 342 người. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư trên địa
bàn toàn tỉnh vẫn ở mức dưới 0,3%.
Trong 6 tháng đầu năm, số người nhiễm HIV mới được phát hiện tăng 13 ca và số
bệnh nhân AIDS tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2014.
Đáng lưu ý, Xuân Lộc, Tân Phú là huyện miền núi nhưng tỷ lệ người nhiễm HIV khá
cao. Trong 6 tháng đầu năm 2015, huyện Xuân Lộc phát hiện 10 ca nhiễm HIV mới,
tăng so với cùng kỳ năm 2014; huyện Tân Phú có 9 ca nhiễm mới HIV.
Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng gia tăng, chiếm
tỷ trọng cao hơn so với đường máu. Trong đó, người nhiễm HIV trong nhóm tuổi từ
20-29 chiếm tỷ lệ cao nhất, tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện là nữ tiếp tục gia
tăng trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ
tình dục đồng giới nam cao do quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều
bạn tình.
Ông Trần Trung Tá, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, từ
năm 2006 đến nay, số người nhiễm mới HIV đã giảm bền vững nhưng vẫn tiềm ẩn
những nguy cơ bùng phát mới nếu không tiếp tục duy trì các can thiệp dự phòng
hữu hiệu.
Hiện nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS đang đối diện với nhiều khó khăn thách
thức, nhất là kinh phí của nhiều chương trình bị cắt giảm như truyền thông, phân
phát miễn phí bơm kim tiêm, bao cao su... làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện
các mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhận thức của người nhiễm HIV về lợi ích của công tác điều trị ARV
còn nhiều hạn chế. Một số bệnh nhân chưa tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến tình
trạng kháng thuốc. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số người biết mình nhiễm HIV
nhưng vẫn chưa tham gia điều trị, do đó nguy cơ lây lan trong cộng đồng còn cao.
Đáng lưu ý, tại các huyện miền núi, HIV/AIDS tập trung trong nhóm nghiện chích
ma túy, người dân tộc thiểu số nhưng các mô hình can thiệp, truyền thông đang
triển khai không còn phù hợp hoặc kinh phí cao, do đó khó khăn triển khai can
thiệp cho các khu vực này.
Trong khi đó, các huyện có phòng tư vấn xét nghiệm HIV còn ít, việc triển khai
tư vấn xét nghiệm cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV ở các vùng sâu, vùng xa,
vùng đồng bào dân tộc chưa triển khai thực hiện được. Do đó, phần lớn người
nhiễm HIV ở khu vực này chưa biết tình trạng nhiễm của họ để tham gia điều trị.
Để giải quyết những hạn chế, trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động
thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS, trong đó chú trọng đến các khu vực
miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc; củng cố và đa dạng hóa mô hình tư vấn
xét nghiệm tự nguyện, tư vấn lưu động, ưu tiên các vùng khó khăn, cơ sở y tế hạn
chế; tham mưu Sở Y tế tỉnh thành lập điểm điều trị ARV tại Xuân Lộc…
Đồng thời, mở rộng triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc
phiện bằng thuốc thay thế bằng Methadone tại huyện Long Thành và thị xã Long
Khánh để đạt được chỉ tiêu do chính phủ yêu cầu là điều trị Methadone cho 1.404
người đến năm 2015.
Thúy Vân
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]