Phòng chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS vùng dân tộc thiểu số: Tập trung triệt cái gốc đói nghèo
16/09/2015 Lượt xem: 1277 In bài viết“Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời có những chính sách đặc thù để đồng bào ở những địa phương chịu ảnh hưởng bởi tệ nạn ma túy có điều kiện bứt phá” là định hướng được Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Lê Sơn Hải nhấn mạnh tại Hội thảo Đánh giá kết quả công tác phòng chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ 2016 -2020 diễn ra ngày 7/5/2015, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện UBDT, Bộ Văn hóa
- Thể thao và Du lịch; Bộ Công an, UBND tỉnh Nghệ An cùng đại diện 14 ban dân
tộc và người có uy tín của các huyện thuộc tỉnh Nghệ An.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Sơn Hải cho biết: Mặc dù đã có rất nhiều
cố gắng nhưng đến nay, công tác phòng chống tội phạm ma túy (TPMT) vẫn còn rất
gay go, quyết liệt. Đặc biệt, lợi dụng điều kiện dân cư phân tán, địa hình
phức tạp, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn
thấp của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)..., các đối tượng buôn bán ma túy đã
lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc bà con tham gia vào việc mua bán, vận chuyển, sử dụng
chất ma túy, tái trồng cây có chất gây nghiện.
Một lượng lớn ma túy đi vào nước ta chủ yếu thông qua đường biên giới đất liền,
tập trung ở các tỉnh Tây Bắc như: Sơn La, Nghệ An, Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng
Ninh, Lạng Sơn - nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống..., dẫn đến tội phạm và tệ
nạn ma túy ở vùng DTTS, miền núi ngày càng diễn biến phức tạp.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều đồng bào DTTS tiếp tay cho các đối tượng buôn bán ma túy trong việc vận chuyển loại hàng hóa chết người này, đại diện các Ban Dân tộc đều đồng tình với nhận định của Thứ trưởng Lê Sơn Hải, khi ông khẳng định: Cái gốc của vấn đề vẫn là do đời sống của bà con còn quá khó khăn. Nhiều vùng biên giới do điều kiện canh tác khắc nghiệt, việc áp dụng khoa học kĩ thuật còn hạn chế dẫn đến năng suất thấp nên bà con vẫn phải chạy ăn từng bữa. Tại không ít thôn, bản, bà con vẫn phải sống dựa vào nguồn trợ cấp của nhà nước. Trong khi đó, vận chuyển, buôn bán ma túy là “siêu lợi nhuận”, chính vì vậy nhiều người vì hám lợi, hoặc bị người khác lợi dụng đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng buôn bán ma túy. Câu chuyện “vận chuyển heroin để được trả công bằng mấy gói muối”, “muốn ở tù vì có cơm ăn cả 3 bữa” mà Phó trưởng ban Ban Dân tộc Nghệ An đề cập tưởng là câu chuyện khó tin nhưng có thật.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền dù đã được triển khai với nhiều hình thức, nội dung, biện pháp khác nhau..., nhưng hiệu quả vẫn còn rất hạn chế. Minh chứng cụ thể là, rất nhiều đồng bào khi bị bắt vẫn không hề biết vận chuyển ma túy là có tội, thậm chí là có thể bị tử hình. “Sự “hồn nhiên” của đồng bào là điều mà chúng ta rất cần phải suy nghĩ. Phải chăng, công tác tuyên truyền của chúng ta còn chưa rộng khắp, chưa đạt hiệu quả cao, thiếu sâu sát, đặc biệt ở các vùng trọng điểm về tội phạm, tệ nạn ma túy” – Thứ trưởng Lê Sơn Hải nêu vấn đề.
“Một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới đó là phải triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn, giống, chuyển giao kĩ thuật sản xuất cho đồng bào vùng cao, nhất là tại những vùng có trồng cây thuốc phiện. Khi đời sống ổn định, việc chăn nuôi trồng trọt có thể giúp bà con không đói, từng bước làm giàu, bà con mới yên tâm bám làng, bám bản, tự giác từ bỏ việc trồng và tái trồng cây thuốc phiện”, ông Đinh Văn Dực - Trưởng Ban Dân tộc đề xuất.
Từ thực tế đấu tranh phòng chống ma túy, Đại tá Tạ Đức Ninh – Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia PCMT (Bộ Công an) cho rằng: Nhà nước cần xem xét lại mức án tử hình đối với người vận chuyển ma túy. Bởi thực tế, trùm ma túy chưa bắt được, nhưng rất nhiều đồng bào vì nhận thức hạn chế đã bị tử hình do vận chuyển thuê cho các đối tượng này. Đây có thể xem là một bất cập trong việc xử lý tội phạm về ma túy.
Lắng nghe các kinh nghiệm, ý kiến, đề xuất từ các đại biểu, kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Sơn Hải khẳng định: PCMT tiếp tục là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị, tùy thuộc vào vai trò, chức năng của mình để có những đề xuất, nhiệm vụ, giải pháp sao cho phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, phòng chống ma túy phải gắn với xóa đói giảm nghèo. Cụ thể là các cơ quan có liên quan cần tham mưu để Nhà nước có chính sách đặc thù cho những địa phương chịu ảnh hưởng của tệ nạn ma túy, nhằm tạo cho bà con có bước bứt phá trong phát triển kinh tế.
“Với vùng miền núi, vùng DTTS, hoạt động tuyên truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, các ấn phẩm báo, tạp chí thực hiện Quyết định 2472 của Thủ tướng Chính phủ cần chủ động mở các chuyên trang, chuyên mục phổ biến pháp luật, trong đó có công tác PCMT, để nâng cao nhận thức của bà con về sự nguy hiểm của việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy” – Thứ trưởng Lê Sơn Hải đề nghị.
Theo số liệu của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và ma túy: Năm 2014, đã phát hiện 21.619 vụ; bắt giữ gần 31.551 đối tượng; thu 922 kg heroin; 46,2 kg cocain; 32 kg thuốc phiện; 442 kg cần sa khô; 1.248 kg cần sa tươi; 352 kg và 297.285 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều phương tiện, tài sản, vật chứng khác; phát hiện 1.650 m2 trồng cây chứa chất ma túy (Sơn La: 1.500m2; Lạng Sơn: 150m2). Ngay những tháng đầu năm 2015, nhiều vụ án ma túy lớn với số lượng lên tới vài trăm bánh tiếp tục được phát hiện và triệt phá tại các địa bàn tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn...
Hoàng Mai - Kim Xuyến
Nguồn: baocongthuong.com.vn
[TT: TBC]