Đổi mới công tác phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS vùng dân tộc thiểu số

06/10/2015 Lượt xem: 1326 In bài viết

Từ năm 2014, ghi nhận sự đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa; tuyên truyền miệng; tập huấn; phổ biến giáo dục pháp luật, sách, báo, tờ rơi... thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số và chính quyền địa phương tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và các tệ nạn xã hội. Tại các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tổ chức tuyên truyền bằng tiếng của đồng bào như: tỉnh Trà Vinh phát bằng tiếng Khmer, tỉnh Sơn La phát bằng tiếng Thái... Ban Dân tộc các tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đến toàn thể cán bộ, công chức cơ quan và người dân trên địa bàn các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; lồng ghép với các hội nghị, tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách dân tộc cho người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn để về tuyên truyền phổ biến thôn, bản nơi họ sinh sống.

So với các các vùng khác, hoạt động phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn, phức tạp gấp nhiều lần vì hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng; địa hình sinh sống chủ yếu là miền núi, vùng xa, giáp biên giới, khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát, nhưng lại thuận lợi cho tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, năm 2015, Ban Chỉ đạo UBDT sẽ chỉ đạo các cấp, ngành vùng dân tộc, miền núi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng những hình thức phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh phí, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV; các gương người tốt, việc tốt, đổi mới hình thức tuyên truyền, tổ chức các tuần trọng điểm, tháng trọng điểm về phòng, chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS, mại dâm. Chú trọng tuyên truyền trên các báo, tạp chí thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và trên trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc. Nghiên cứu, tổng kết các kinh nghiệm, mô hình điểm phòng, chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS, mại dâm nhằm nhân rộng để góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục công tác này trong các trường học, cụm dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống giáp biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác nắm tình hình về HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tái trồng cây chứa chất ma túy và các tệ nạn xã hội khác ở vùng dân tộc thiểu số. Thường xuyên trao đổi và cung cấp thông tin về công tác này với Ban Dân tộc các tỉnh; duy trì chế độ báo cáo kết quả hoạt động, nắm tình hình công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của các thành viên Ban Chỉ đạo với đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo và của UBDT với Ủy ban Quốc gia. Từ đó tham mưu, đề xuất với Chính phủ giải pháp cho công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi một cách kịp thời, hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan công tác dân tộc về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, chống trồng cây có chứa chất ma túy gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Nguồn: Tạp chí Dân tộc
[TT: TBC]