Báo động tình trạng HIV/AIDS ở một xã vùng cao
29/10/2013 Lượt xem: 423 In bài viếtTheo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu), tính đến thời điểm này, toàn xã có 81 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó, có 33 bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 17 người đã tử vong do HIV/AIDS. Hiện, số người nhiễm HIV đang được quản lý là 42 người. Điều đáng nói, phần lớn người nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là nam giới trong độ tuổi lao động, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong xã là rất cao.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lây truyền "căn bệnh thế kỷ" ngày một gia tăng tại xã Sơn Bình là do lối sống buông thả, quan hệ tình dục không an toàn và đặc biệt là tình trạng tiêm chích ma túy tràn lan. Mặt khác, do trình độ dân trí còn hạn chế, sự hiểu biết về HIV/AIDS của người dân ở đây tuy đã được cải thiện, song các hành vi thực hành an toàn còn rất thấp, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao trong đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy HIV/ AIDS đã có cơ hội lây lan nhanh.
Ngồi trong căn nhà rách nát, tối tăm, nhìn chúng tôi bằng ánh mắt tuyệt vọng, buồn phiền, chị G.T.C, ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình chia sẻ: "Tôi lấy chồng từ năm 24 tuổi. Sau hơn 10 năm chung sống thì chồng tôi bắt đầu nghiện ma túy, bị nhiễm HIV và mất vào năm ngoái. Tôi cũng đã tự nguyện xét nghiệm HIV và biết mình đã bị nhiễm căn bệnh quái ác này. Được các cán bộ y tế tư vấn nên tôi đã uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn và phòng tránh cho người thân".
Thời gian qua, Trạm Y tế xã Sơn Bình cũng đã thường xuyên tổ chức truyền thông kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai có hiệu quả Tháng Hành động quốc gia phòng chống lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con bằng các hình thức như: Nói chuyện trực tiếp, thảo luận nhóm, phát tờ rơi, panô, áp phích, sách mỏng, treo băng rôn, khẩu hiệu. 6 tháng đầu năm 2013, trạm đã cấp phát được 8 nghìn bơm kim tiêm sạch, thu gom và tiêu hủy được hơn 7 nghìn bơm kim tiêm bẩn; cấp, phát 3 - 4 nghìn bao cao su; tổ chức được 21 buổi truyền thông HIV/AIDS với 658 người tham dự. Hiện nay, trạm đang lũy tích điều trị ARV (loại thuốc kìm hãm sự phát triển của vi rút HIV) cho 16 trường hợp; lũy tích điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội cho 9 trường hợp...
Bên cạnh đó, trạm cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho các già làng, trưởng bản, y tá bản, người có uy tín trong cộng đồng nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại địa phương. Ngoài ra, các cán bộ trạm không ngại khó khăn, thường xuyên đến các gia đình có người bị nhiễm HIV/AIDS để chia sẻ tâm tư, động viên tinh thần và đặc biệt là giữ bí mật tên tuổi, địa chỉ của những trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS, từ đó giúp họ quên đi mặc cảm, tự ti, hòa nhập với xã hội. Hằng tháng, cộng tác viên và giáo dục viên đồng đẳng tổ chức chăm sóc bệnh nhân. Hội Phụ nữ xã tổ chức cấp, phát sữa cho trường hợp trẻ em có mẹ bị nhiễm HIV. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân tham gia chăm sóc và điều trị tại cộng đồng đã có chuyển biến, tuổi thọ của người bệnh đã được nâng lên.
Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS tại xã Sơn Bình vẫn còn nhiều khó khăn, mức độ lây nhiễm HIV/AIDS có giảm, song chưa bền vững. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm diễn biến rất phức tạp tại một số "điểm nóng" như bản Chu Va 6, Chu Va 12, Chu Va 8, Cò Nọt... Vì những người nhiễm HIV phần lớn đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên thường vắng mặt tại địa bàn để đi làm thuê. Nhiều bệnh nhân mang nặng tư tưởng chán nản, bất mãn với cuộc sống nên không kiên trì điều trị và bất hợp tác với cán bộ y tế. Hoạt động truyền thông đã được triển khai và mở rộng độ bao phủ, song do ngôn ngữ bất đồng, địa bàn rải rác, nhân dân sống không tập trung. Trong khi đó, số người nghiện chích ma túy trên địa bàn còn khá cao (55 trường hợp). Công tác can thiệp giảm hại đối tượng nghiện ma túy đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là nhóm thanh niên không có việc làm ổn định thường xuyên đi làm ăn xa ở các bãi vàng hẻo lánh, được trả công bằng ma túy và dùng chung bơm kim tiêm. Mặt khác, điều kiện kinh tế và chế độ sinh hoạt của người nhiễm HIV trong xã gặp nhiều khó khăn, ít được sự hỗ trợ của gia đình và người thân. Đa số các trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS là do trong người có bệnh mới đi khám, xét nghiệm và phát hiện ra. Nhiều trường hợp do mặc cảm, khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế nhờ hỗ trợ.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Giang Thanh, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Bình cho biết: "Để công tác phòng chống HIV/AIDS đạt được nhiều hiệu quả, có thể duy trì và bảo vệ được nòi giống trong tương lai, chúng tôi rất mong sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan chức năng và toàn xã hội cùng với ngành y tế. Nhà nước sớm xem xét hỗ trợ kinh phí phụ cấp cho cán bộ làm công tác phòng chống HIV tại tuyến xã, đặc biệt là các xã có nhiều người dân tộc thiểu số, chú trọng công tác phòng chống các tệ nạn xã hội như phòng chống buôn bán ma túy, mại dâm".
Hoài Thương
Nguồn bienphong.com.vn
[TT: TBC]