Tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống AIDS
28/10/2013 Lượt xem: 429 In bài viếtTheo thống kê mới nhất của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hiện số người nhiễm HIV trên toàn quốc phát hiện gần 256.850 người, trên thực tế số người nhiễm HIV chưa được phát hiện cao hơn nhiều. Trong đó, dịch HIV tiếp tục lan rộng với 100% tỉnh, thành phố, 98% số quận huyện và 78% số xã phường đã phát hiện có người nhiễm HIV. Dịch có xu hướng lan ra cộng đồng và tăng trong nhóm phụ nữ với tỷ lệ nhiễm chiếm 31,5% (năm 2012) so với 20% (năm 2005).
Tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện lây truyền qua đường tình dục ngày càng gia tăng, lây truyền qua đường máu có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, một số khu vực dịch mới nổi là các huyện miền núi các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La với hình thái chủ yếu lây truyền qua đường máu.
Để đối phó với tình hình dịch HIV diễn biến phức tạp, trong thời gian qua Việt Nam đã chú trọng triển khai các chiến lược, hoạt động và thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược quốc gia là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% nhằm giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cam kết với quốc tế. Tuy nhiên, theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS chiếm 70% tổng kinh phí có xu hướng giảm nhanh trong giai đoạn tới, nguồn ngân sách nhà nước tăng nhưng tỷ trọng không cao. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa chủ động và ưu tiên đầu tư kinh phí triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Khả năng đáp ứng nhu cầu kinh phí để duy trì các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và điều trị HIV/AIDS đã đạt được trong những năm qua là rất khó khăn và nếu đáp ứng đủ kinh phí để thực hiện được mục tiêu thiên niên kỷ như đã cám kết lại càng khó khăn hơn nhiều trong giai đoạn tới của chương trình.
Trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu của chiến lược quốc gia trong phòng chống HIV/AIDS và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, ngành y tế cho rằng cần có các giải pháp nhằm tăng cường phối hợp liên ngành, huy động cộng đồng và người nhiễm tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thường xuyên tổ chức việc phổ biến, giáo dục và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. Đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
Củng cố và kiện toàn hệ thống giám sát dịch HIV, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm có hệ thống theo dõi đánh giá thống nhất. Đồng thời, bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020. Tăng mức kinh phí đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS theo lộ trình thực hiện chiến lược quốc gia và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 – 2015 của Chính phủ.
Thùy Chi
Nguồn tiengchuong.vn
[TT: TBC]