Gia tăng tỷ lệ người nhiễm HIV khu vực miền núi phía Bắc

05/09/2013 Lượt xem: 647 In bài viết

Trong hai ngày 26 và 27/8, tại Hải Phòng, CLB Nhà báo Việt Nam phối hợp Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức tập huấn cho phóng viên, báo chí về phòng, chống HIV/AIDS.

Theo kết quả số liệu giám sát năm 2012 cho thấy, trong 10 tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất nước có tới 7 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên…

Theo ông Chu Quốc Ân, nguyên nhân là do tình hình tiêm chích ma túy ở khu vực này còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, do địa bàn miền núi xa xôi cách trở nên người chích ma túy không có cơ hội được dùng bơm kim tiêm riêng. Ngoài ra, họ cũng không có điều kiện mua heroin nên nhiều người thường dùng chung một vét thuốc trong một bơm kim tiêm. Mặt khác, do việc biến động dân cư, một bộ phận người dân đi làm ăn xa và có tham gia vào các dịch vụ vui chơi giải trí, làm “tiếp viên” nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao.

Bên cạnh đó, một bộ phận người đồng bào dân tộc nhất định không dùng biện pháp dự phòng là sử dụng bao cao su…, trong khi đó hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc là các tỉnh nghèo nên không có đủ khả năng và nguồn lực để triển khai các biện pháp dự phòng chống AIDS và cung cấp dịch vụ phòng chống AIDS tới từng hộ dân, nên nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng.

Ngoài ra, 3 địa phương có tỷ lệ người nhiễm HIV là phụ nữ bán dâm cao nhất nước là Sơn La, Điện Biên và Lạng Sơn. Về thực trạng nam bán dâm bị nhiễm HIV, theo nghiên cứu của trường ĐH Y Hà Nội năm 2012 tại ba tỉnh Hà Nội, TP.HCM và Nha Trang cho thấy TP.HCM dẫn đầu với tỷ lệ 7,2%.

Xuất hiện xu hướng “già hóa” người nhiễm HIV

Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, trên cả nước đã tăng thêm 14 xã, phường phát hiện có người nhiễm HIV, trong đó người nhiễm là nữ có xu hướng tăng lên. Đặc biệt, xuất hiện xu hướng “già hóa” người nhiễm HIV khi tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 30- 39.

Cụ thể, năm 2005 tỷ lệ người nhiễm HIV trong độ tuổi này là 31,9%, đến năm 2011 là 42,1%, năm 2011 là 42,9% và năm 2012 là 44,6%.

Nguyên nhân của sự “già hóa” người nhiễm HIV là do nhóm người được xét nghiệm tăng, mở rộng vùng miền được xét nghiệm và do đời sống của người dân tăng cao hơn.

Cũng theo ông Chu Quốc Ân, hiện nay có một hệ thống gồm hơn 80 văn bản quy định trực tiếp và gián tiếp liên quan đến HIV/AIDS nhưng lại thiếu văn bản quy định các mức xử phạt. Thêm vào đó, tỷ lệ bệnh nhân đến điều trị bằng thuốc Methadone vẫn còn cao, trong khi nguồn thuốc lại hiếm vì chưa hoàn tất thủ tục tìm được công ty mua thuốc. Đặc biệt, năm 2013 rất nhiều hoạt động can thiệp của dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ chấm dứt, đang có 120 huyện ngừng hoạt động nên nguy cơ gia tăng dịch HIV trở lại là rất cao nếu không sớm có biện pháp can thiệp…

Hiện nay, Bộ y tế đang phối hợp với Ủy ban dân tộc xúc tiến quá trình chuẩn bị cho hội nghị phòng chống AIDS cho đồng bào dân tộc trong thời gian sắp tới, với mục tiêu tăng cường công tác truyền thông với đồng bào dân tộc và cố gắng đưa các dịch vụ phòng chống HIV,AIDS gần gũi và thân thiện hơn với đồng bào dân tộc.

Theo đó, Bộ sẽ phải tiến hành đánh giá nhanh tình hình nhiễm HIV trong đồng bào dân tộc, tìm hiểu các nguy cơ và biện pháp ngăn chăn nguy cơ để đề xuất trình Chính phủ những giải pháp phù hợp với xu hướng của từng vùng miền do mỗi địa bàn có đặc điểm khác nhau.


Thúy Hà

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]