Phòng, chống HIV/AIDS cho đồng bào dân tộc thiểu số: Một bài toán khó!

05/09/2013 Lượt xem: 718 In bài viết

Theo số liệu do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cung cấp, trên địa bàn tỉnh ta, người dân tộc thiểu số chiếm tới 85,9% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở 108/108 xã, phường, thị trấn. Trong đó, số người nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số tích lũy đến thời điểm này là 2.046 người, trong đó số người nhiễm HIV còn sống là 1.427 người, số bệnh nhân AIDS là 722 người, còn lại là số người đã tử vong.

Tỷ lệ nhiễm HIV thuộc nhóm dân tộc Thái là 1.695 người, chiếm tới 63,1% so với số người nhiễm trong toàn tỉnh; Dân tộc kinh chiếm 23,8%; Còn lại là các dân tộc khác chiếm tỷ lệ không cao. Đường lây truyền chủ yếu đối với người dân tộc thiểu số nói riêng và trong tỉnh Lai Châu nói chung là lây truyền qua đường máu và tập trung ở nhóm đối tượng nghiện chích ma túy là chủ yếu chiếm tới 62,5%. Nguyên nhân là do dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy. Theo ước tính, số người sử dụng ma túy là đồng bào dân tộc thiểu số so với người dân tộc kinh thì người Thái chiếm tới 68%, người Mông 11,9%, trong đó dân tộc kinh chiếm 15%.

Thực tế cho thấy, nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh là do hiểu biết về HIV/AIDS còn nhiều hạn chế. Như điều tra năm 2009 trong nhóm đồng bào dân tộc Mông thì tỷ lệ hiểu biết đầy đủ về lây nhiễm HIV/AIDS nhóm nam giới là 2,8 % và nữ là 2,4%. Mặt khác, do bất đồng ngôn ngữ, điều kiện kinh tế, phong tục tập quán là rào cản để đồng bào tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cơ sở. Vì vậy việc vận động đồng bào đang bị ốm đến các cơ sở Y tế để khám chữa bệnh đã khó, thì việc vận động bà con đang khỏe mạnh đi xét nghiệm HIV tự nguyện lại càng khó hơn.

Không chỉ vậy, tình hình nghiện chích ma tuý trong nhóm lứa tuổi thanh niên vẫn diễn biến phức tạp là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm chéo HIV trong nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó là các yếu tố liên quan đến cộng đồng sống của nhóm dân tộc thiểu số là sống tập chung theo dòng họ, nghề nghiệp chủ yếu lao động phổ thông, ngoài mùa vụ thời gian chủ yếu đi làm thuê tại các công trình xây dựng, bãi khoáng sản hay tụ tập uống rượu khi nhàn rỗi...

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: "Trước thực trạng đó, tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống nhiễm HIV/AIDS trong đối tượng này như: Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tuyến huyện, tuyến xã, phường, thị trấn; ban hành nhiều văn bản; xây dựng mô hình toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS; mở 41 lớp tập huấn cho 1.043 học viên là các đối tượng nhân viên y tế thôn, bản, già làng trưởng bản tại các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Qua tập huấn đã phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn, bản và già làng, trưởng bản trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đây là lực lượng quan trọng trong tuyên truyền vận động bà con nhân dân trong làng, trong bản, trong dòng họ thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho bản thân và cho cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong triển khai các chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung và chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại nói riêng."

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, đã thực hiện truyền thông trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng việc sử dụng các cộng tác viên tuyến xã, cộng tác viên là người địa phương, người dân tộc thiểu số để triển khai thực hiện tạo sự đồng thuận về ngôn ngữ. Tiến hành sản xuất băng đĩa tiếng dân tộc với 1.000 băng đĩa, thực hiện in tờ rơi bằng tiếng Thái, tiếng Mông và tiếng dân tộc Dao với số lượng 26.850 tờ rơi các loại.

Công tác phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được đẩy mạnh. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Trung tâm phòng, chống Bệnh xã hội và phòng khám tư nhân 103 cùng tổ chức tư vấn, khám điều trị cho bệnh nhân mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; phối hợp cùng Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã thực hiện lồng ghép trong các tháng chiến dịch sức khoẻ sinh sản để tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ và có mắc các bệnh nhiễm khuẩn truyền qua đường tình dục. Năm 2012, tại cơ sở y tế nhà nước, khám và điều trị cho 1.337 lượt bệnh nhân; Y tế tư nhân, phòng khám bệnh 103 đã khám và điều trị cho 225 lượt bệnh nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, công tác phòng, chống HIV/AIDS trong đối tượng này còn không ít những hạn chế. Tuy tốc độ phát hiện lây nhiễm mới của dịch giữa năm sau so với năm trước đã giảm xong chưa đảm bảo sự bền vững. Dịch vẫn có diễn biến phức tạp tại một số địa bàn như: Tân Uyên, Nậm Nhùn, vùng thấp Sìn Hồ và một số đối tượng nguy cơ cao trong nhóm đồng bào dân tộc: Thái, Mông... Hoạt động truyền thông tuy đã được tích cực triển khai xong độ bao phủ, tần suất truyền thông đối với vùng đồng bào dân tộc có địa bàn rộng, dân cư thưa, trình độ dân trí thấp và cộng đồng nhiều dân tộc chung sống thì vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đối tượng nghiện ma tuý vẫn diễn biến phức tạp trong cộng đồng, đặc biệt nhóm thanh niên chưa có việc làm tại một số thôn, bản trọng điểm. Chế độ cho người bệnh nhiễm HIV/AIDS trong chăm sóc, điều trị còn nhiều khó khăn. Thiếu sự hỗ trợ từ phía gia đình, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn thấp...

Với đặc thù là tỉnh miền núi, đa dân tộc, đa bản sắc thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cho đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số quả là một bài toán khó. Nhưng với những cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tỉnh sẽ từng bước tìm ra phương pháp giải bài toán khó này.

 

Đinh Lan
Nguồn laichau.gov.vn

[TT: TBC]