Gần 14.000 bệnh nhân điều trị Methadone

27/08/2013 Lượt xem: 572 In bài viết

Ngày 14/8, tại TP Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Vận động triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Chương trình nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai Chương trình Methadone tại 30 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS, đảm bảo mục tiêu của đề án là cung cấp dịch vụ điều trị thay thế bằng Methadone cho 80.000 người tại 30 tỉnh, thành phố đến năm 2015.

Chương trình lần này tại TP. Đà Nẵng có sự tham gia của 10 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa trở vào gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ.

Qua nghiên cứu đánh giá tình hình điều trị từ năm 2010 đến năm 2012, trên phạm vi cả nước, chưa có hiện tượng quá liều nghiêm trọng và không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc do tác dụng của thuốc.

Việc sử dụng chương trình điều trị Methadone cũng làm giảm các hành vi tiêu cực của bệnh nhân như : sau 24 tháng chỉ còn 14% bệnh nhân tiếp tục sử dụng heroin; tỷ lệ nhiễm HIV mới trong bệnh nhân tham gia điều trị là 0,5%; tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm từ 21,08% xuống 2%; các hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40,8% xuống còn 1,34%; hành vi xung đột gia đình từ 90,36% xuống còn 2,27%; tỷ lệ bệnh nhân có việc làm tăng từ 64,04% lên 75,9%.

Riêng tại Đà Nẵng, thành phố đã thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone từ tháng 7/2010 đến tháng 7/2013. Số người đăng ký tham gia chương trình là 440 người, số người đủ tiêu chuẩn xét chọn là 375 người, số người tham gia điều trị là 346 người, số người hiện đang tham gia điều trị là 247 người.

Sau khi điều trị bằng methadone, thể trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, sức khỏe ổn định, sau 9 tháng điều trị cân nặng trung bình mỗi người tăng 3 kg. Mối quan hệ giữa bệnh nhân với gia đình được cải thiện nhiều hơn: qua thăm dò có 95,5% bệnh nhân có mối quan hệ với gia đình, trong đó được gia đình tin tưởng hơn 96,7%; giảm mâu thuẫn 71,9%, được gia đình quan tâm hơn 89%. Ngoài ra đã có 186/247 người tìm được việc làm, chiếm 84,5%, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 60,8% xuống còn 15%.

Về triển khai thực hiện chương trình điều trị Methadone, TP. Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, bộ máy, trang thiết bị, nhân lực đáp ứng đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình: xây dựng mới 2 cơ sở điều trị Methadone theo yêu cầu kỹ thuật của Bộ Y tế. Đà Nẵng là thành phố đầu tiên thực hiện bố trí biên chế cho các cơ sở điều trị Methadone để đảm bảo tính bền vững của chương trình, đã bố trí 26 biên chế phục vụ ở 2 cơ sở điều trị, các biên chế được hưởng lương theo hệ số lương hiện hành và phụ cấp đặc thù theo chế độ của viên chức Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; các dịch vụ cho bệnh nhân đều được miễn phí gồm chi phí xét nghiệm, khám, điều trị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai có hiệu quả, đây là tín hiệu tốt cho những bệnh nhân tham gia điều trị methadone.

Trong thời gian tới, các cấp, ngành địa phương cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và quần chúng đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; tạo được sự đồng thuận giữa các cấp, ngành, giữa địa phương, gia đình và xã hội để giúp cho chương trình đạt được nhiều kết quả hơn nữa.

Trong đó, cần tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, đặc biệt đối với nhóm đối tượng thanh, thiếu niên nhằm mục đích dự phòng sớm; vận động tăng nguồn lực tài chính từ ngân sách Trung ương, địa phương và kinh phí từ xã hội hoá cho chương trình; giới thiệu và tạo việc làm ổn định giúp bệnh nhân sớm hòa nhập với cộng đồng…

Minh Trang

Nguồn chinhphu.vn

[TT: TBC]